Quyết định 2496/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Đề án xây dựng và kiện toàn tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp Nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố do Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 2496/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/06/2007
Ngày có hiệu lực 07/06/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thành Tài
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2496/QĐ-UBND

Tp Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 06 năm 2007 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG VÀ KIỆN TOÀN TỔ CHỨC PHÁP CHẾ TẠI CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN VÀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp Nhà nước;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT/BTP-BNV ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Thông tư số 07/2005/TT-BTP ngày 31 tháng 8 năm 2005 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 131/2006/QĐ-UBND ngày 01 tháng 9 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn năm 2006 - 2010 trên địa bàn thành phố;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ và Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình liên Sở số 157/LS/SNV-STP ngày 28 tháng 02 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng và kiện toàn tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp Nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định tại Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ.

Điều 2. Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn và Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp Nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện trách nhiệm được phân công trong Đề án. 

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn và Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp Nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC


 
 
Nguyễn Thành Tài

ĐỀ ÁN

XÂY DỰNG VÀ KIỆN TOÀN TỔ CHỨC PHÁP CHẾ TẠI CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN VÀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
(Kèm theo Quyết định số 2496/QĐ-UBND ngày 07 tháng 6 năm 2007 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố)

Phần 1:

CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

A. CƠ SỞ PHÁP LÝ 

- Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp Nhà nước;

- Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT/BTP-BNV ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Thông tư số 07/2005/TT-BTP ngày 31 tháng 8 năm 2005 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp Nhà nước;

- Quyết định số 131/2006/QĐ-UBND ngày 01 tháng 9 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn năm 2006 - 2010 trên địa bàn thành phố.

B. THỰC TRẠNG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG PHÁP CHẾ Ở CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN (GỌI CHUNG LÀ SỞ - NGÀNH) VÀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

I. TRƯỚC KHI CHÍNH PHỦ BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 122/2004/NĐ-CP:

Trước khi Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2004/NĐ-CP, rất ít sở - ngành quan tâm đến công tác pháp chế và có bộ phận pháp chế hoặc công chức pháp chế chuyên trách. Tại thành phố chỉ có 03 sở - ngành thành lập Tổ Pháp chế, đó là: Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Thanh tra thành phố và Sở Giao thông - Công chính. Ở các sở - ngành khác, công tác pháp chế thường được lồng ghép vào hoạt động chuyên môn của các phòng ban; công tác pháp chế còn nhiều hạn chế như: chưa chủ động trong việc tham mưu, đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chất lượng dự thảo văn bản trình Ủy ban nhân dân thành phố chưa đạt yêu cầu (còn một số sai sót về nội dung, thẩm quyền, thể thức văn bản), đề xuất chủ trương, phương án giải quyết các vụ việc cụ thể chưa đảm bảo đúng quy định pháp luật, chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức đến công tác tự kiểm tra văn bản do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành thuộc lĩnh vực sở - ngành mình quản lý, văn bản hết hiệu lực chậm được bãi bỏ…

Đối với các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, công tác pháp chế được quan tâm hơn. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước đã có bộ phận pháp chế hoặc ký hợp đồng tư vấn với các văn phòng luật sư. Tuy nhiên, công tác pháp chế thường chỉ dừng ở mức độ tư vấn pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, soạn thảo hợp đồng.

II. SAU KHI CHÍNH PHỦ BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 122/2004/NĐ-CP:

Sau khi có Nghị định số 122/2004/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, các sở - ngành đã có sự quan tâm hơn đến công tác pháp chế. Các sở - ngành đã có bộ phận pháp chế thì tập trung củng cố về tổ chức, tăng cường nhân sự (Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Giao thông - Công chính, Sở Xây dựng, Thanh tra thành phố) và các sở - ngành khác bố trí công chức chuyên trách pháp chế; công tác rà soát, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật được quan tâm hơn; chất lượng soạn thảo văn bản, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được nâng lên, góp phần tích cực trong việc bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh những cố gắng nêu trên, nhiều sở - ngành vẫn còn lúng túng khi triển khai công tác pháp chế; chưa thành lập tổ chức pháp chế hoặc chưa bố trí cán bộ chuyên trách mà chỉ bố trí cán bộ kiêm nhiệm; đa số cán bộ pháp chế mới vào ngành thiếu kinh nghiệm chuyên môn; công tác rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đi vào chiều sâu.

Riêng đối với các doanh nghiệp Nhà nước, hầu hết đều nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của công tác pháp chế. Các doanh nghiệp đã có bộ phận pháp chế hoặc hợp đồng tư vấn dài hạn với các văn phòng luật sư. Tuy nhiên vẫn còn doanh nghiệp chưa có bộ phận pháp chế đúng theo quy định của Nghị định số 122/2004/NĐ-CP do lúng túng, chưa tuyển dụng được nhân sự đáp ứng yêu cầu công việc.

Từ thực trạng về công tác pháp chế tại các sở - ngành, doanh nghiệp Nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố cho thấy công tác pháp chế trong thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh với đặc điểm là một thành phố lớn; là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội lớn nhất nước, đòi hỏi công tác tham mưu của các sở - ngành phải được nâng lên ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố.

[...]