Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Chỉ thị 17/1999/CT-TTg về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2000 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 17/1999/CT-TTg
Ngày ban hành 30/06/1999
Ngày có hiệu lực 15/07/1999
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17/1999/CT-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 1999

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2000

Trong 6 tháng đầu năm 1999, mặt dù có nhiều khó khăn, tình hình kinh tế, xã hội vẫn tiếp tục ổn định, sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá trong điều kiện thời tiết không thuận, xuất khẩu có chiều hướng tăng dần, tỷ giá và giá cả ổn định, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, tình hình kinh tế, xã hội cũng có những diẽn biến không thuận, nổi lên là: tốc độ tăng GDP tiếp tục giảm, sản xuất công nghiệp và dịch vụ tăng chậm, thị trường và sức mua bị thu hẹp, nhiều sản phẩm phải sản xuất cầm chừng, xây dựng cơ bản triển khai chậm, thu ngân sách đạt thấp, tình trạng thiếu việc làm và một số tệ nạn xã hội tiếp diễn gay gắt...

Nhiệm vụ còn lại 6 tháng cuối năm hết sức nặng nề. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phơng tập trung sức thực hiện tốt Nghị quyết kỳ họp đầu tháng 7-1999 của Chính phủ về các giải pháp điều hành thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 1999; đồng thời khẩn trương triển khai xây dựng kế hoạch năm 2000 theo các nội dung và tiến độ sau đây:

I- NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI NĂM 2000

Năm 2000 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm 1996-2000, hoàn thành các mục tiêu của chiến lược ổn định và phát triển kinh tế, xã hội 1991-2000 do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đề ra, đồng thời chuẩn bị triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm 2001-2005 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010.

Tình hình kinh tế khu vực và thế giới tuy còn chứa đựng nhiều yếu tố không ổn định nhưng nhiều nước đã vượt qua khủng hoảng và suy thoái, đang có những dấu hiệu hồi phục; việc đàm phán tham gia tổ chức thương mại thế giới, ký kết hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa kỳ đang tiến triển. Đất nước ta có thêm cơ hội mở rộng thương mại và đầu tư quốc tế, đồng thời cùng chịu sức ép cạnh tranh nặng nề và quyết liệt hơn. Trong khí đó, sản xuất nông nghiệp của nước ta đang đòi hỏi phải mở rộng xuất khẩu nông sản để có bước phát triển mới; nhiều sản phẩm công nghiệp và dịch vụ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của hàng nước ngoài cả trên thị trường trong nước cũng như thị trường khu vực và quốc tế.

Trong tình hình đó, nối tiếp chương trình hành động năm 1999, kế hoạch kinh tế, xã hội năm 2000 cần hướng vào phấn đấu thực hiện mục tiêu tổng quát là: chấm dứt sự giảm sút nhịp độ tăng trưởng kinh tế, từng bước tạo đà phát triển cao hơn một cách bền vững; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư' giữ vững các cân đối lớn và ổn định kinh tế vĩ mô, lành mạnh hoá lĩnh vực tài chính - tiền tệ; giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, thúc đẩy tiến trình xã hội hoá các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao, từng bước đổi mới chế độ tiền lương; kết hợp tốt phát triển kinh tế, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội.

Để thực hiện mục tiêu đó, phải thấu suốt đường lối đổi mới của Đảng và các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, thứ 6 (lần 1. của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách vĩ mô, đồng bộ hoá khung pháp lý nhằm cải thiện và làm sống động môi trường đầu tư, kinh doanh, giải phóng và phát huy cao độ mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế trong nước, kết hợp với khai thác lợi thế để mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới; đồng thời nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước, trước hết là trong việc chỉ đạo, kiểm tra bảo đảm thực hiện pháp luật, thể chế.

Xuất phát từ tư tưởng chỉ đạo nêu trên, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2000 cần trú trọng giải quyết một số vấn đề then chốt trên các lĩnh vực sau đây:

1. Tiếp tục tập trung sức phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Ưu tiên đầu tư cho các công trình thuỷ lợi, phòng chống thiên tai; áp dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, trước hết là sử dụng các loại giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao. Chủ động đối phó với diễn biến xấu của thời tiết để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra. Giải quyết có hiệu quả các vướng mắc về chính sách, thể chế đang kìm hãm sức sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện sự thống nhất chức năng quản lý và hỗ trợ của Nhà nước đối với toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thu, xuất khẩu nông sản, thuỷ sản, lâm sản, khắc phục tình trạng cách bức giữa tổ chức sản xuất và thị trường.

2. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, ách tắc trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ; khuyến khích đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ, đổi mới và chấn chỉnh quản lý nhằm giảm chi phí, cải tiến chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất, tăng khả năng tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Cơ quan quản lý nhà nước phải cùng với hiệp hội doanh nghiệp và các tổng công ty lớn đề xuất chính sách, biện pháp cụ thể đối với từng ngành, từng loại sản phẩm, nhất là các ngành sản xuất và dịch vụ đang có nhiều khó khăn như than, xi măng, thép, cơ khí, mía đường, hàng không, khách sạn... Đẩy mạnh tiến độ cổ phần hoá một bộ phận doanh nghiệp nhà nước; triển khai thực hiện chủ trương bán, khoán, cho thuế và giao cho tập thể lao động một số doanh nghiệp nhà nước loại nhỏ. Xúc tiến việc chuyển các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn, đồng thời đổi mới cơ chế quản lý để nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong việc phát huy hiệu quả và vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

3. Phát triển thị trường nội địa, chú trọng thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nâng cao khả năng tiêu thụ hàng hoá của nông dân. Thực hiện các giải pháp kích cầu cả trong sản xuất, xây dựng và tiêu dụng để tăng sức tiêu thụ sản phẩm trong nước; hạ giá bán để tiêu thụ các sản phẩm còn tồn đọng.

Tiếp tục sửa đổi, bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách mới để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu và mở rộng thị trường xuất khẩu; đưa hoạt động của Quỹ hỗ trợ xuất khẩu vào nền nếp, phát huy được tác dụng tích cực. Thực hiện chế độ bảo hộ hợp lý đi đôi với chính sách và biện pháp thực sự thúc đẩy sản xuất trong nước vươn lên nâng cao sức cạnh tranh theo kịp tiến trình tham gia vào khu vực mậu dịch tự do ASEAN, tổ chức thương mại thế giới và các cam kết quốc tế khác. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng có nhiều khả năng phát triển sản xuất như lương thực, cao su, chè, cà phê, rau quả, thịt, thuỷ sản, hàng dệt may, hàng giày dép, hàng thủ công, mỹ nghệ, sản phẩm điện tử, cơ khí nhỏ...

4. Kích thích đầu tư phát tiển của toàn xã hội, đi đôi với nâng cao hiệu quả đầu tư, đặc biệt là đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước.

Xây dựng và ban hành đồng hộ các văn bản pháp quy hướng dẫn thực hiện Luật doanh nghiệp, Luật thương mại, Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng, hoàn chỉnh việc soạn thảo Luật doanh nghiệp nhà nước (sửa đổi) nhằm bảo đảm khung pháp lý ổn định cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp và dân cư. Công việc này phải căn bản hoàn thành trong năm 1999 và hoàn thiện thêm trong năm 2000.

Đầu tư của ngân sách nhà nước tiếp tục tập trung cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, hỗ trợ vùng khó khăn, khắc phục có hiệu quả tình trạng đầu tư phân tán, kéo dài và thất thoát vốn nhà nước. Thực hiện quy chế mới ban hành về quản lý đầu tư và xây dựng trong nền kinh tế, về tín dụng đầu tư nhà nước, trong đó chú trọng mở rộng các hình thức bảo lãnh tín dụng và ưu đãi sau đầu tư, đi đôi với dổi mới cơ chế tín dụng và mở rộng hoạt động của các ngân hàng thương mại, xây dựng từng bước thị trường chứng khoán để thực sự thúc đẩy sự vận động của thị trường vốn, tạo thuận lợi cho mọi nỗ lực đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong xã hội, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tháo gỡ những vướng mắc nhằm tăng nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn tài trợ chính thức của nước ngoài; tiếp tục cải thiện môi trường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, hỗ trợ các dự án đã được cấp giấy phép triển khai thực hiện đúng tiến độ và các doanh nghiệp đã hoạt động nâng cao được hiệu quả, thực hiện đúng luật pháp Việt Nam.

5. Thực hiện chính sách tài chính quốc gia phù hợp với chủ trương kích cầu trong xây dựng, sản xuất và tiêu dùng. Tiếp tục xoá bỏ các hình thức bao cấp qua ngân sách nhà nước đối với các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ kinh doanh; giải quyết một bước chế độ tiền lương; thúc đẩy việc xã hội hoá các dịch vụ công; bổ sung quy chế và đẩy mạnh hơn nữa việc thực hành tiết kiệm đi đôi với nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước.

Tích cực giải quyết tình trạng nợ tồn động, tạo chuyển biến căn bản trong việc lành mạnh hoá tài chính của hệ thống ngân hàng và quỹ tín dụng đi đôi với các biện pháp đổi mới và chấn chỉnh khu vực doanh nghiệp nhà nước.

6. Đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ theo hướng gắn kết giữa nghiên cứu và ứng dụng nhằm áp dụng nhanh chóng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đổi mới công nghệ, kể cả công nghệ quản lý, trong các ngành và cơ sở sản xuất, dịch vụ; khắc phục tình trạng hành chính, bao cấp trong cơ chế hoạt động và quản lý đối với tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ, gắn việc bảo đảm kinh phí hoạt động với kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường.

7. Giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc. Xúc tiến tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình quốc gia và các chương trình mục tiêu đến năm 2000 để có kế hoạch nâng cao hiệu quả thực hiện trong các năm sau. Có cơ chế, chính sách đồng bộ để thúc đẩy việc xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao nhằm phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các lĩnh vực này, đồng thời trợ giúp tốt hơn cho người nghèo được hưởng các dịch vụ công.

8. Củng cố quốc phòng và an ninh, tăng cường trật tự, an toàn xã hội. Chấn chỉnh một bước bộ máy hành chính theo tinh thần nghị quyết trung ương 7, nâng cao hiệu lực chấp hành phát luật, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội.

II. NHỮNG YÊU CẦU LỚN VỀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2000

1. Dự toán thu ngân sách nhà nước phải được xây dựng trên cơ sở tính đúng, tính đủ các khoản thu theo quy định của các luật thuế và chế độ thu hiện hành, trong đó có việc xử lý những vướng mắc khi thực hiện các luật thuế mới.

Dự toán thu ngân sách vừa phải tích cực khắc phục tình trạng giảm sút tỷ lệ huy động tổng sản phẩm trong nước vào ngân sách nhà nước diễn ra liên tục trong mấy năm qua, đồng thời phải có tính khả thi, phù hợp với khả năng tăng trưởng và sinh lời trong từng lĩnh vực, thực sự khuyến khích sản xuất, kinh doanh phát triển, đi đôi với việc thực hiện các biện pháp chống thất thu, chống gian lận thương mại, kinh doanh trốn thuế. Dự toán thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải tính đến các yếu tố tiếp tục thực hiện tiến trình tham gia AFTA, tham gia các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế và tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ khu vực.

2. Chi ngân sách nhà nước năm 2000, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên với tinh thần tiết kiệm chặt chẽ hơn nữa, phải xử lý thoả đáng mối quan hệ giữa chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất với yêu cầu bước đầu giải quyết tiền lương. Tinh thần chung là tập trung ưu tiên vốn cho các công trình trọng điểm của Nhà nước và vốn đối ứng để tiếp tục thu hút vốn ngoài nước theo tiến độ đã ký kết, trước hết là công trình đang xây dựng dở dang và các công trình hoàn thành sẽ đưa vào sử dụng trong năm; hạn chế tối đa việc bố trí vốn ngân sách để khởi công các công trình mới. Trên cơ sở đó, dành một phần ngân sách để giải quyết một bước chế độ tiền lương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7. Bảo đảm tỷ trọng chi ngân sách cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ theo Nghị quyết Trung ương 2; đồng thời xác định cụ thể mục tiêu nhiệm vụ xã hội hoá ở từng lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao nhằm huy động thêm nguồn lực xã hội và từng bước thay đổi cơ chế chi ngân sách nhà nước. Bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

3. Dự toán chi thường xuyên được xây dựng ở mức cần thiết, hợp lý, tiết kiệm. Thực hiện khoán chi hành chính sự nghiệp đối với một số cơ quan, đơn vị có điều kiện ở Trung ương và ở các địa phương. Việc lựa chọn những cơ quan, đơn vị này phải được quyết định trong năm 1999 để có căn cứ lập, phân bổ và điều hành dự toán ngân sách của các cơ quan, đơn vị này một cách chủ động từ đầu năm 2000. Xoá bao cấp của ngân sách nhà nước đối với các doanh nghiệp, không bố trí kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động sự nghiệp khoa học, y tế, đào tạo của các Tổng công ty (trừ trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Bố trí dự phòng ngân sách, chi bổ sung Quỹ dự trữ tài chính theo đúng Nghị định số 87/CP ngày 19 tháng 12 năm 1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước và Nghị định số 51/1998/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 87/CP ngày 19 tháng 12 năm 1996.

[...]