Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 2479/QĐ-UBND năm 2020 phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau, phiên bản 2.0

Số hiệu 2479/QĐ-UBND
Ngày ban hành 28/12/2020
Ngày có hiệu lực 28/12/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Thân Đức Hưởng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2479/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 28 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KIẾN TRÚC CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH CÀ MAU, PHIÊN BẢN 2.0

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025;

Căn cứ Quyết định số 2323/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 160/TTr-STTTT ngày 23/12/2020 về việc phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau, phiên bản 2.0.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau, phiên bản 2.0 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục đích xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh

Việc xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau giúp lãnh đạo tỉnh có cơ sở đưa ra các quyết định đầu tư triển khai Chính quyền điện tử (CQĐT) kịp thời, chính xác; nâng cao hiệu quả, chất lượng các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Đặc biệt, khi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan nhà nước (CQNN) tại tỉnh Cà Mau ngày càng được phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, Kiến trúc CQĐT sẽ giúp đạt được những mục tiêu sau:

- Tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin;

- Tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư; đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai của cơ quan nhà nước tại tỉnh Cà Mau;

- Nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng, triển khai các thành phần, hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế tại tỉnh Cà Mau;

- Tạo cơ sở xác định các thành phần, hệ thống CNTT cần xây dựng và lộ trình, trách nhiệm triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam;

- Xây dựng CQĐT tỉnh Cà Mau làm cơ sở cho việc triển khai các hoạt động CNTT tại tỉnh Cà Mau theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.

2. Phạm vi, đối tượng áp dụng

Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau (phiên bản 2.0) được áp dụng cho:

- Các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Cà Mau;

- Các lãnh đạo, chuyên viên, cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị các cấp… được cung cấp tài khoản truy cập vào các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh;

- Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của tỉnh;

- Các Bộ, ngành, địa phương khác tham khảo Kiến trúc CQĐT tỉnh Cà Mau, phiên bản 2.0 để làm cơ sở khai thác, kết nối, chia sẻ dữ liệu với tỉnh Cà Mau nếu cần thiết.

3. Tầm nhìn kiến trúc

Xây dựng Kiến trúc CQĐT tỉnh Cà Mau nhằm xác định quá trình chuyển đổi về trạng thái ứng dụng CNTT của bộ máy chính quyền tỉnh Cà Mau từ trạng thái hiện tại tới trạng thái đích năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đáp ứng các mục tiêu chiến lược của tỉnh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội một cách hiệu quả. Mục tiêu chính của Kiến trúc CQĐT là đảm bảo các chương trình đầu tư công nghệ và chuyển đổi số đạt được thành quả theo đúng mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp, đồng thời vẫn đáp ứng các yêu cầu về quản lý nhà nước.

Xây dựng Kiến trúc CQĐT tỉnh Cà Mau với 05 kiến trúc thành phần cơ bản sau: Kiến trúc nghiệp vụ, Kiến trúc dữ liệu, Kiến trúc ứng dụng, Kiến trúc kỹ thuật - công nghệ và Kiến trúc an toàn thông tin. Kiến trúc CQĐT sẽ giúp các sở, ban, ngành, cấp huyện, cấp xã và các cơ quan nhà nước khác trực thuộc tỉnh hiểu rõ vị trí, trách nhiệm của mình trong việc ứng dụng và phát triển CNTT một cách toàn diện và đồng bộ.

Kiến trúc CQĐT xác định chi tiết quá trình chuyển đổi số cho bộ máy chính quyền tỉnh, giúp các cơ quan nhà nước tham chiếu khi phát triển và triển khai các ứng dụng chính quyền điện tử. Trên cơ sở Kiến trúc CQĐT của tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp hoặc các tổ chức khác có thể xây dựng, triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT theo lộ trình và trách nhiệm triển khai ở các cấp, bảo đảm sự kết nối, liên thông, chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng thông tin.

Do đó, Kiến trúc CQĐT tỉnh Cà Mau là một giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc phát triển tổng thể của tỉnh. Kiến trúc CQĐT hỗ trợ việc phát triển, xác định chi tiết về chia sẻ dữ liệu, kết nối liên thông, tiêu chuẩn công nghệ… để có thể triển khai các giải pháp công nghệ theo định hướng đô thị thông minh và chính quyền số một cách đồng bộ, nhất quán và hiệu quả.

4. Các nguyên tắc xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau (phiên bản 2.0)

[...]