Quyết định 2444/QĐ-UBND năm 2024 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Thành phố Hà Nội thuộc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hà Nội

Số hiệu 2444/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/05/2024
Ngày có hiệu lực 07/05/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Lê Hồng Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2444/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 07 tháng 5 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRUNG TÂM QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH GIAO THÔNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI THUỘC SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Quyết định số 01/2024/QĐ-UBND ngày 08/01/2024 của UBND Thành phố quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội;

Căn cứ Quyết định số 2443/QĐ-UBND ngày 07/5/2024 của UBND Thành phố về việc đổi tên Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội thành Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội thuộc Sở Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 310/TTr- SGTVT ngày 27/3/2024 và đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1352/TTr-SNV ngày 19/4/2024 về việc đổi tên Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội thành Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí, chức năng

Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội, có chức năng giúp Giám đốc Sở Giao thông vận tải trong công tác quản lý về hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội; tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học công nghệ chuyên ngành giao thông vận tải; tổ chức quản lý, vận hành hệ thống giám sát và điều khiển giao thông; triển khai và quản lý hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên địa bàn Thành phố; tổ chức đào tạo, tuyên truyền pháp luật giao thông đường bộ, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành về giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố; công tác đào tạo lái xe cơ giới đường bộ theo quy định của pháp luật hiện hành; chủ đầu tư trong công tác đấu thầu và đặt hàng, các đề án, dự án, duy tu duy trì kết cấu hạ tầng giao thông công cộng (kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị, xe buýt...) và các danh mục dự toán ngân sách giao hàng năm; tổ chức quản lý, sử dụng, khai thác và bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt đô thị, xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Xây dựng và thực hiện đề án, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố và vận tải hành khách công cộng tới các tỉnh liền kề trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bao gồm: phát triển, điều chỉnh mạng lưới, kết cấu hạ tầng và ứng dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, giá dịch vụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy chế nghiệm thu, quy chế, cơ chế quản lý, cơ chế chính sách phát triển đảm bảo các loại hình vận tải hành khách công cộng được tích hợp một cách đồng bộ liên thông.

2. Quản lý, phát triển và điều hành hệ thống vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố (tổ chức đấu thầu, đặt hàng, ký kết và quản lý các hợp đồng với các đơn vị cung ứng dịch vụ trong hoạt động vận tải hành khách công cộng và quản lý giám sát chất lượng dịch vụ theo các quy định của pháp luật. Điều hành hệ thống vận tải hành khách công cộng, quyết định điều chỉnh tạm thời một phần hoặc toàn bộ danh sách phương tiện, biểu đồ, hành trình chạy xe trên tuyến xe buýt có trợ giá phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế để nâng cao chất lượng dịch vụ, thuận tiện cho hành khách (đảm bảo không vượt giá gói thầu, đặt hàng được duyệt).

3. Quản lý, vận hành, khai thác, tổ chức duy tu bảo trì và sử dụng có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông công cộng (nhà ga, điểm dừng, điểm đỗ, bãi đỗ xe, điểm đầu cuối, điểm trung chuyển và điểm trông giữ xe...) phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố. Tổ chức tiếp nhận hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông công cộng (nhà ga, điểm dừng, điểm đỗ, bãi đỗ xe, điểm đầu cuối, điểm trung chuyển và điểm trông giữ xe...) được hình thành từ các dự án đầu tư công trên địa bàn hoặc được UBND Thành phố giao.

4. Thực hiện di chuyển, thu hồi, bổ sung và khắc phục sự cố gãy đổ, xô lệch hoặc thiếu, mất thông tin liên quan đến hạ tầng vận tải hành khách công cộng (điểm dừng, biển báo điểm dừng, pano điểm đầu cuối, nhà chờ xe buýt, sơn kẻ vạch...) để tạo thuận lợi cho việc đi lại của hành khách.

5. Tổ chức quản lý, vận hành, khai thác, và bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị:

a) Tổ chức tiếp nhận, quản lý và bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt đô thị được hình thành từ các dự án trên địa bàn được cấp có thẩm quyền giao;

b) Quản lý và sử dụng nguồn vốn từ ngân sách và nguồn vốn khác được bố trí cho công tác quản lý, bảo trì tài sản thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt theo đúng quy định hiện hành;

c) Triển khai thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu để lựa chọn đơn vị, doanh nghiệp đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn cung cấp sản phẩm dịch vụ công hoặc quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt theo quy định hiện hành;

d) Xây dựng đề án quản lý tài sản công đường sắt đô thị để khai thác kinh doanh thương mại dịch vụ giảm trợ giá từ ngân sách Nhà nước.

6. Xây dựng, tham mưu chính sách và quản lý hệ thống vé vận tải hành khách công cộng đa phương thức trên địa bàn thành phố (vé giấy, thẻ vé điện tử) bao gồm: Quản lý phát hành, phân bổ doanh thu, quản lý thanh toán bù trừ (bao gồm quyết định, lựa chọn trung tâm thanh toán bù trừ...), quản lý dữ liệu, quản lý bảo mật, quản lý quy định chính sách, quản lý vận hành, bảo trì hệ thống và hệ thống thực hiện được thanh toán nhiều hình thức (thẻ ngân hàng, ví điện tử, QR code).

7. Tổ chức khai thác các nguồn thu:

a) Nguồn thu từ cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước (bao gồm cả nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định);

b) Nguồn chênh lệch thu lớn hơn chi (sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước) từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước; từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật.

c) Nguồn thu thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khi được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn hoặc giao trực tiếp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ (áp dụng đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập): Khai thác thu từ dịch vụ cơ sở dữ liệu số hóa về cơ sở hạ tầng vận tải hành khách công cộng; thu từ khai thác các dịch vụ từ hệ thống giao thông thông minh...;

[...]