Quyết định 2383/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018-2020

Số hiệu 2383/QĐ-UBND
Ngày ban hành 23/07/2018
Ngày có hiệu lực 23/07/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Lê Minh Ngân
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2383/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 23 tháng 7 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2018-2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 26 Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020;

Căn cứ Quyết định số 1484/QĐ-UBND ngày 10/6/2014 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc ban hành Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 1414/SNN-KHTC ngày 21/6/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018-2020.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hoá và Thể thao, Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 2;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;

- Thường trực Tỉnh uỷ (B/c);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- VP Tỉnh uỷ; VP HĐND tỉnh;
- Ngân hàng Nhà nước CN QB;
- VP UBND tỉnh: LĐVP, TH;
- Lưu: VT, CVNN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Ngân

 

KẾ HOẠCH

CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2018 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số
2383 /QĐ-UBND ngày 23 /7/2018)

Phần I

KẾT QUẢ THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2015-2017

I. XÂY DỰNG, BAN HÀNH, TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Xây dựng, ban hành Đề án

Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1484/QĐ-UBND ngày 10/6/2014 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2014-2020 (Đề án). Đồng thời đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên các lĩnh vực: Trồng trọt; chăn nuôi; thủy sản; lâm nghiệp; tái cơ cấu ngành thủy lợi; nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi; chế biến nông lâm thủy sản, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của từng địa phương; đối với các xã chỉ đạo xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án của huyện, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, gắn với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM).

2. Công tác tuyên truyền

Sau khi Đề án được ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Thông tin - Truyền thông, Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình, các Sở, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tầm quan trọng, sự cần thiết phải thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; lồng ghép vào các Hội nghị, hội thảo của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp từ tỉnh đến cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên, nhân dân về sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, giá trị; xây dựng, triển khai thực hiện, tổng kết các mô hình hiệu quả, điển hình tiên tiến để các địa phương, đơn vị học tập kinh nghiệm và áp dụng vào thực tiễn sản xuất tại từng địa phương.

II. KẾT QUẢ TÁI CƠ CẤU TRÊN CÁC LĨNH VỰC

1. Trồng trọt

Tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây

trồng gắn với thị trường, phù hợp với biến đổi khí hậu, nhất là chuyển đổi linh hoạt đất lúa thiếu nước, kém hiệu quả sang các cây trồng, đối tượng khác có hiệu quả cao hơn, từng bước hình thành một số vùng chuyển đổi tập trung cho thu nhập 38-160 triệu đồng/ha, lãi 10-55 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 2-8 lần so với lúa.

[...]