BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
2371/QĐ-BNN-TCCB
|
Hà Nội, ngày 15
tháng 10 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ MẪU VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG TRƯỜNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ, TRƯỜNG
TRUNG CẤP NGHỀ THUỘC BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày
03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP
ngày 10/9/2009 sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày
28/06/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;
Căn cứ Quyết định số 51/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày
5/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Điều lệ mẫu
trường cao đẳng nghề; Quyết định số 52/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 5/5/2008 ban hành
Điều lệ mẫu trường trung cấp nghề;
Xét đề nghị của các trường cao đẳng nghề, trường
trung cấp nghề thuộc Bộ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế mẫu về hoạt động của
Hội đồng trường trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề thuộc Bộ”.
Điều 2. Các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề thuộc Bộ ban
hành Quy chế Hoạt động của Hội đồng trường phù hợp với Quy chế này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Hiệu
trưởng và Chủ tịch Hội đồng trường các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp
nghề, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Lưu: VP, TCCB.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Xuân Thu
|
QUY CHẾ MẪU
VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG TRƯỜNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ,
TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ THUỘC BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
(Kèm theo Quyết định số 2371/QĐ-BNN-TCCB ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và
đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định hoạt động của Hội đồng trường
trong các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề trực thuộc Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn (sau đây gọi tắt là Hội đồng trường, hoặc Hội đồng), bao gồm:
nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, thủ tục thành lập của Hội đồng trường; quyền hạn,
trách nhiệm của các thành viên Hội đồng trường; hoạt động của Hội đồng trường;
mối quan hệ công tác giữa Hội đồng trường với Đảng ủy, Hiệu trưởng và các đơn vị
chức năng của trường.
2. Quy chế này áp dụng đối với các trường và Hội đồng
trường trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn.
Điều 2. Cơ sở pháp lý của Hội
đồng trường
Hội đồng trường được thành lập và hoạt động căn cứ
theo các văn bản pháp luật sau đây:
1. Luật Dạy nghề năm 2006;
2. Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/06/2012 của
Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
3. Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 28/06/2010 của
Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;
4. Quyết định số 51/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 5/5/2008 của
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Điều lệ mẫu trường cao đẳng
nghề;
5. Quyết định số 52/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 5/5/2008 của
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Điều lệ mẫu trường trung
cấp nghề;
6. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn ban hành Điều lệ trường của các trường;
7. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn công nhận Hội đồng trường của các trường.
Chương 2.
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ
CẤU, THỦ TỤC THÀNH LẬP
Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của
Hội đồng trường
Hội đồng trường có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định
tại Điều lệ mẫu trường cao đẳng nghề, Điều lệ mẫu, trường trung cấp nghề, cụ thể
như sau:
1. Hội đồng trường là tổ chức chịu trách nhiệm quyết
định về phương hướng hoạt động của trường, huy động và giám sát việc sử dụng
các nguồn lực dành cho trường, bảo đảm thực hiện mục tiêu dạy nghề.
2. Hội đồng trường có các nhiệm vụ, quyền hạn sau
đây:
a) Quyết nghị về phương hướng, mục tiêu, chiến lược,
quy hoạch, các dự án và kế hoạch phát triển của trường;
b) Quyết nghị về Điều lệ hoặc sửa đổi, bổ sung Điều
lệ của trường trình Bộ trưởng phê duyệt;
c) Quyết nghị chủ trương sử dụng tài chính, tài sản
và phương hướng đầu tư phát triển của nhà trường theo quy định pháp luật;
d) Giám sát việc thực hiện các quyết nghị của Hội đồng
trường và việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của trường;
đ) Giới thiệu người để Bộ trưởng bổ nhiệm hiệu trưởng;
e) Quyết nghị những vấn đề về tổ chức, nhân sự của
nhà trường theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Cơ cấu, thành phần của
Hội đồng trường
1. Tổng số thành viên Hội đồng trường là số lẻ, có
từ 11 - 15 người (đối với trường cao đẳng nghề), từ 9-13 người (đối với trường
trung cấp nghề), số lượng thành viên cụ thể của từng trường do Bộ công nhận
theo đề nghị của các trường. Cơ cấu của Hội đồng trường gồm có: Chủ tịch, 01
Phó chủ tịch, Thư ký và các ủy viên Hội đồng trường.
2. Thành phần của Hội đồng trường
a) Thành phần cử gồm: 04 thành viên đại diện của
Ban giám hiệu, Đảng ủy, tổ chức Công đoàn, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ
Chí Minh nhà trường do Ban Giám hiệu, Đảng ủy, Ban chấp hành Công đoàn, Ban chấp
hành Đoàn Thanh niên cử;
b) Thành phần bầu gồm: các đại diện của khối giảng
dạy do hội nghị viên chức khối giảng dạy bầu; các đại diện của khối quản lý do
hội nghị viên chức khối quản lý bầu; thành phần bầu chiếm không quá 70% tổng số
thành viên của Hội đồng trường;
c) Thành phần mời: các trường có thể mời 1-2 thành
viên của các cơ quan ngoài trường tham gia Hội đồng trường như: cơ quan quản lý
nhà nước cấp trên, giới tuyển dụng, các nhà khoa học, các chuyên gia quản lý và
phát triển dạy nghề, các doanh nghiệp có liên quan đến công tác đào tạo nhân lực
của trường.
Điều 5. Thủ tục thành lập Hội đồng
trường
1. Khi thành lập Hội đồng trường nhiệm kỳ đầu tiên:
a) Hiệu trưởng tổ chức xây dựng phương án thành lập
Hội đồng trường; trình Bộ trưởng xem xét, phê duyệt số lượng thành viên, cơ cấu
giữa các thành phần của Hội đồng trường; tổ chức bầu các thành viên thuộc thành
phần bầu, mời các thành viên thuộc thành phần mời, hướng dẫn các tổ chức trong
trường cử các thành viên thuộc thành phần cử; tổ chức phiên họp đầu tiên của Hội
đồng bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký Hội đồng trường; trình Bộ trưởng quyết
định công nhận Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký, các thành viên của Hội đồng trường.
b) Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký Hội đồng trường
do Hội đồng trường bầu. Hiệu trưởng không kiêm nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng trường.
Bầu cử thực hiện theo nguyên tắc bỏ phiếu kín và đa số phiếu.
c) Bộ trưởng quyết định công nhận Chủ tịch, Phó Chủ
tịch, Thư ký, các thành viên của Hội đồng trường.
d) Chủ tịch Hội đồng trường chủ trì tổ chức xây dựng
Quy chế Hoạt động của Hội đồng trường phù hợp với Quy chế Hoạt động mẫu của Hội
đồng trường trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề do Bộ ban hành và thay
mặt Hội đồng trường ký ban hành sau khi được Hội đồng trường quyết nghị thông
qua.
đ) Trong quá trình hoạt động, Hội đồng trường đề
nghị Bộ trưởng xem xét quyết định chấm dứt hiệu lực Quyết định công nhận Chủ tịch,
Phó Chủ tịch, Thư ký và thành viên Hội đồng trường trong các trường hợp sau:
- Vi phạm pháp luật bị truy cứu trách nhiệm hình sự
- Bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên
- Không đủ điều kiện công tác do thay đổi nhiệm vụ,
chuyển công tác, nghỉ hưu, mất sức khỏe lâu dài, năng lực yếu ...
- Tự nguyện xin từ nhiệm có lý do chính đáng.
e) Nhiệm kỳ của Hội đồng trường là 5 năm.
2. Từ nhiệm kỳ thứ 2 trở đi: Chủ tịch Hội đồng trường
tổ chức thực hiện thủ tục thành lập Hội đồng trường theo quy định tại khoản 1 của
Điều này.
Điều 6. Quyền hạn, nhiệm vụ của
các thành viên Hội đồng trường
1. Các thành viên của Hội đồng trường làm việc theo
chế độ kiêm nhiệm.
2. Chủ tịch Hội đồng trường được sử dụng con dấu và
bộ máy của Trường trong phạm vi thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng
trường. Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường giống như tiêu
chuẩn của Phó Hiệu trưởng quy định tại Điều 15 của Điều lệ mẫu
trường cao đẳng nghề; Điều lệ mẫu trường trung cấp nghề ban hành kèm theo
Quyết định số 51/2008/QĐ-BLĐTBXH, Quyết định số 52/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày
05/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;
Chủ tịch Hội đồng trường chịu trách nhiệm điều hành
Hội đồng trường thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 3 của Quy chế này; chuẩn
bị nội dung, chủ trì, lãnh đạo thành viên Hội đồng trường thảo luận và thông
qua quyết nghị các phiên họp của Hội đồng.
3. Phó Chủ tịch Hội đồng trường giúp Chủ tịch theo
dõi, chỉ đạo một số lĩnh vực công tác theo phân công của Chủ tịch; thay mặt Chủ
tịch giải quyết công việc khi Chủ tịch đi vắng và được ủy quyền;
4. Thư ký Hội đồng trường có nhiệm vụ giúp Chủ tịch
tổng hợp tình hình hoạt động của Trường và của Hội đồng trường trên cơ sở báo
cáo của các đơn vị chức năng; chuẩn bị nội dung, tài liệu cho các phiên họp của
Hội đồng trường; tiếp nhận, xử lý văn bản đi, đến của Hội đồng trường và thực
hiện các công việc đột xuất khác theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng trường nhằm
đảm bảo cho Hội đồng trường hoạt động ổn định.
5. Các thành viên khác của Hội đồng trường có nhiệm
vụ tham gia, đóng góp ý kiến vào các quyết nghị của Hội đồng trường trong các
phiên họp của Hội đồng; theo dõi việc thực hiện các quyết nghị của Hội đồng trường
trong thời gian giữa hai phiên họp; đề xuất ý kiến về các hoạt động của nhà trường.
Chương 3.
HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG
TRƯỜNG
Điều 7. Nguyên tắc chung
Hội đồng trường làm việc theo nguyên tắc thảo luận
tập thể, thông qua quyết nghị tại cuộc họp của Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng trường
không tự mình đưa ra quyết định.
Điều 8. Quy định về họp Hội đồng
trường
1. Hội đồng trường họp thường kỳ 3 tháng một lần do
Chủ tịch Hội đồng trường triệu tập. Các cuộc họp Hội đồng trường hợp lệ khi có
ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng tham dự.
2. Chủ tịch Hội đồng triệu tập họp bất thường khi
thấy cần thiết, hoặc khi Hiệu trưởng đề nghị hoặc khi có ít nhất 1/3 tổng số
thành viên Hội đồng trường đề nghị.
3. Chủ tịch Hội đồng trường có thể mời đại diện của
các đơn vị liên quan dự họp. Các đại biểu được mời dự họp có quyền phát biểu ý
kiến nhưng không tham gia biểu quyết.
Điều 9. Quyết nghị của Hội đồng
trường
1. Tại mỗi kỳ họp, Hội đồng trường phải thông qua
quyết nghị về những vấn đề Hội đồng thảo luận trong phạm vi thực hiện chức
năng, nhiệm vụ của mình. Quyết nghị của Hội đồng trường chỉ có hiệu lực khi có
trên 50% tổng số thành viên Hội đồng nhất trí thông qua. Trường hợp số phiếu biểu
quyết ngang nhau thì quyết định cuối cùng thuộc về ý kiến của Chủ tịch Hội đồng
trường.
Việc thông qua quyết nghị của Hội đồng trường được
thực hiện bằng bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết tại cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng
văn bản (đối với các thành viên không tham gia cuộc họp của Hội đồng) theo quyết
định của Hội đồng trường.
2. Các thành viên Hội đồng trường phải nêu cao tinh
thần trách nhiệm trong thảo luận và biểu quyết thông qua các quyết nghị của Hội
đồng trường. Những thành viên có ý kiến khác với quyết nghị của Hội đồng trường
có quyền bảo lưu ý kiến, nhưng không được làm trái với quyết nghị đã được thông
qua.
3. Quyết nghị của Hội đồng trường được gửi đến các
thành viên Hội đồng trường, các đơn vị, cá nhân liên quan trong trường và báo
cáo về Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ).
Điều 10. Xử lý văn bản đi, đến
1. Văn bản do cơ quan, đơn vị, cá nhân gửi đến Hội
đồng trường được Thư ký Hội đồng trường tập hợp, báo cáo, đề xuất Chủ tịch Hội
đồng trường chỉ đạo giải quyết.
2. Văn bản của Hội đồng trường gửi các đơn vị, cá
nhân và các quyết nghị của Hội đồng trường, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng
trường do Thư ký Hội đồng trường dự thảo trình Chủ tịch thay mặt Hội đồng ký.
Điều 11. Trách nhiệm thông
tin, báo cáo
1. Các thành viên Hội đồng trường được Thư ký Hội đồng
trường cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình hoạt động của nhà trường và của
Hội đồng trường.
2. Trước các cuộc họp ít nhất 03 ngày, các thành
viên Hội đồng trường phải nhận được tài liệu, thông tin về cuộc họp.
3. Các đơn vị chức năng của nhà trường có trách nhiệm
báo cáo đầy đủ, kịp thời các thông tin cần thiết cho Hội đồng trường khi được
yêu cầu.
Điều 12. Kinh phí hoạt động
Kinh phí hoạt động của Hội đồng trường trong kinh
phí hoạt động của nhà trường, được chi theo quy định của Nhà nước và Quy chế
chi tiêu nội bộ của trường.
Chương 4.
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 13. Quan hệ giữa Hội đồng
trường và Đảng ủy trường
Đảng ủy trường lãnh đạo Hội đồng trường thông qua
Nghị quyết của Đảng ủy.
Điều 14. Quan hệ giữa Hội đồng
trường và Hiệu trưởng
1. Hiệu trưởng có trách nhiệm tổ chức thực hiện các
quyết nghị của Hội đồng trường; trường hợp không nhất trí với quyết nghị, Hiệu
trưởng kịp thời báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ.
2. Hiệu trưởng có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi
cho Hội đồng trường thực hiện nhiệm vụ; báo cáo tình hình và kế hoạch hoạt động
của nhà trường tại các cuộc họp của Hội đồng trường; chỉ đạo các đơn vị chức
năng cung cấp thông tin cho Hội đồng trường khi có yêu cầu; cung cấp các điều
kiện về cơ sở vật chất, kinh phí và bộ máy để Hội đồng trường hoạt động ổn định.
3. Quan hệ giữa Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu
trưởng là mối quan hệ phối hợp công tác, thực hiện quy định của pháp luật, Điều
lệ mẫu trường cao đẳng nghề, Điều lệ mẫu trường trung cấp nghề nhằm hoàn thành
nhiệm vụ Bộ giao./.