ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 236/QĐ-UBND
|
Quảng
Ninh, ngày 27 tháng 01 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẤT Ở, ĐẤT SẢN XUẤT, NƯỚC
SINH HOẠT CHO HỘ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ NGHÈO VÀ HỘ NGHÈO Ở XÃ, THÔN, BẢN ĐẶC
BIỆT KHÓ KHĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 755/QĐ-TTG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND
ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 755/QĐ-TTg
ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất
sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở
xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn;
Xét đề nghị của Ban Dân tộc tỉnh
Quảng Ninh tại tờ trình số 12/TTr-BDT ngày 19 tháng 01 năm 2015 về việc xin phê
duyệt Đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc
thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số
755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng
Ninh" và văn bản thẩm tra số 904/UBDT-CSDT ngày 08/9/2014 của Ủy ban Dân tộc.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở,
đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo
ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5
năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh" với các nội
dung sau:
1. Mục tiêu Đề án:
Hỗ trợ hộ nghèo người dân tộc thiểu số
và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn có đất ở, tư liệu sản xuất và được
sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh để ổn định đời sống, phát triển kinh tế
nâng cao thu nhập, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa
thành thị và nông thôn; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu xây
dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự
an toàn xã hội.
- Phấn đấu đến hết năm 2016 cơ bản giải
quyết được số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất và tình trạng thiếu nước sinh hoạt
cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt
khó khăn.
- Đẩy mạnh chuyển đổi ngành nghề, nâng
cao chất lượng lao động ở nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, từng
bước ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất gắn đào tạo và giải
quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân.
- Tăng tốc độ giảm nghèo, giảm tỷ lệ
nghèo phát sinh, tạo cơ hội cho các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, cải thiện
điều kiện sống và sản xuất ở các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
2. Thời gian thực hiện: 2 năm
(2015-2016).
3. Tổng nhu cầu vốn đầu tư hỗ trợ:
149.456,46 triệu đồng;
Trong đó:
Vốn ngân sách trung ương đầu tư, hỗ
trợ: 77.995,00 triệu đồng;
Vốn ngân sách tỉnh đầu tư, hỗ trợ:
32.230,56 triệu đồng;
Vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội:
31.720,00 triệu đồng;
Vốn huy động: 7.510,90 triệu đồng.
4. Các nội dung hỗ trợ:
4.1. Hỗ trợ đất ở:
- Hỗ trợ cho 472 hộ nghèo thiếu đất ở
có nhu cầu hỗ trợ, diện tích cần hỗ trợ là 12,4 ha, kinh phí hỗ trợ: 8.716,4
triệu đồng;
- Địa bàn hỗ trợ tại các huyện Hoành
Bồ, Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, và thành phố Móng Cái.
4.2. Hỗ trợ đất sản xuất:
Hỗ trợ cho 2.342 hộ nghèo thiếu đất sản
xuất và có nhu cầu hỗ trợ, diện tích hỗ trợ là 3.827,37 ha cụ thể là:
(1)- Hỗ trợ đất lâm nghiệp cho 247 hộ
đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn với
diện tích là 1.235 ha.
- Địa bàn hỗ trợ tại các huyện Bình
Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà, và thành phố Móng Cái.
(2)- Hỗ trợ bằng kinh phí cho 703 hộ
dân tự chuyển nhượng đất sản xuất, diện tích hỗ trợ 1.376,43 ha; Kinh phí hỗ trợ
là 23.199 triệu đồng.
- Địa bàn hỗ trợ tại các huyện Hoành
Bồ, Tiên Yên, Hải Hà, và thành phố Móng Cái.
Trong đó:
a) Hỗ trợ cho 233 hộ tự chuyển nhượng
đất nông nghiệp, diện tích hỗ trợ 326.43; Kinh phí hỗ trợ là 7.689 triệu đồng.
b) Hỗ trợ cho 470 hộ tự chuyển nhượng
đất lâm nghiệp, diện tích hỗ trợ 1.050 ha; Kinh phí hỗ trợ là 15.510 triệu đồng.
(3)- Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho
1.355 hộ, Kinh phí hỗ trợ là 28.455 triệu đồng.
(4)- Hỗ trợ đào tạo nghề cho 30 hộ,
Kinh phí hỗ trợ là 144 triệu đồng.
(4)- Hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi để xuất
khẩu lao động cho 17 người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, kinh phí hỗ trợ là
850 triệu đồng.
(5)- Hỗ trợ khoanh nuôi bảo vệ rừng
cho 30 hộ với diện tích là 300 ha; kinh phí hỗ trợ là: 360 triệu đồng;
4.3. Hỗ trợ nước sinh hoạt:
4.3.1. Hỗ trợ nước sinh hoạt tập
trung:
- Hỗ trợ xây dựng công trình nước
sinh hoạt tập trung: 44 công trình;
- Số hộ hưởng lợi: 1.649 hộ
- Kinh phí hỗ trợ 74.360 triệu đồng.
- Địa bàn hỗ trợ: Tại các huyện Bình
Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Hoành Bồ.
4.3.2. Hỗ trợ nước sinh hoạt phân
tán:
- Hỗ trợ cho 2.350 hộ xây dựng các
công trình nước sinh hoạt phân tán, kinh phí hỗ trợ là 5.005,5 triệu đồng.
- Địa bàn hỗ trợ: Tại các huyện Hoành
Bồ, Vân Đồn, Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm hà, Hải Hà và thành phố Uông Bí,
Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái.
4.4. Hỗ trợ duy tu bảo dưỡng công
trình nước sinh hoạt:
Hỗ trợ duy tu bảo dưỡng 53 công trình
nước sinh hoạt tập trung đã được xây dựng từ nguồn vốn theo Quyết định
134/2004/QĐ-TTg và Quyết định 1592/QĐ-TTg, kinh phí hỗ trợ là 7.623 triệu đồng.
4.5. Hỗ trợ kinh phí quản lý và
triển khai thực hiện Đề án (bằng 0,5% tổng vốn Đề án):
Ngân sách địa phương hỗ trợ là 741,53 triệu đồng.
5. Phân kỳ đầu tư:
5.1. Năm 2015:
Phấn đấu giải quyết cơ bản tình trạng
thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho các hộ nghèo là đồng bào dân tộc
thiểu số và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; ưu tiên thực hiện ở 25
xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới thuộc 7 huyện: Hoành Bồ, Ba Chẽ, Tiên Yên,
Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà và thành phố Móng Cái, cụ thể:
Tổng vốn hỗ trợ: 110.555,34 triệu đồng;
Trong đó:
- Ngân sách trung ương: 58.065,10 triệu
đồng;
- Ngân sách tỉnh: 25.353,73 triệu đồng;
- Vốn vay ngân hàng chính sách:
21.100,00 triệu đồng;
- Vốn huy động: 6.036,51 triệu đồng.
5.2. Năm 2016:
Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ đất
ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ
nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn được thực hiện đồng bộ trên địa bàn 40
xã còn lại bao gồm 10 đơn vị: Hoành Bồ, Vân Đồn, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm
Hà, Hải Hà, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả; phấn đấu đến hết năm 2016 giải quyết cơ
bản cho các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản
đặc biệt khó khăn thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt có nhu cầu hỗ trợ,
tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao dân
trí thông qua các hình thức hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng, cụ thể:
Tổng vốn hỗ trợ: 38.901,13 triệu đồng;
Trong đó:
- Ngân sách trung ương: 19.929,90 triệu
đồng;
- Ngân sách tỉnh: 6.876,84 triệu đồng;
- Vốn vay ngân hàng chính sách: 10.620,00 triệu đồng;
- Vốn huy động: 1.474,39 triệu đồng.
6. Tổ chức thực hiện:
6.1. Đối với các Sở, ngành của
Tỉnh
(1)- Ban Dân
tộc tỉnh là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan
có nhiệm vụ:
- Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh
quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện Đề
án trên địa bàn toàn tỉnh.
- Tổng hợp, xây dựng kế hoạch chung
thực hiện các chính sách; chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài
chính phân bổ nguồn ngân sách phục vụ Đề án theo kế hoạch.
- Định kỳ tổng hợp báo cáo, đánh giá
kết quả thực hiện Đề án gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban dân tộc theo quy
định.
(2)- Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan có
liên quan trong việc tiếp nhận, phân bổ các nguồn lực hỗ trợ các chương trình
thuộc phạm vi Đề án;
- Có trách nhiệm hướng dẫn các địa
phương thực hiện lồng ghép các nguồn vốn có chung mục tiêu với những chính sách
theo Quyết định 755/QĐ-TTg với các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn
tỉnh;
- Chủ trì việc tham mưu việc phân bổ
vốn cho các danh mục dự án đầu tư hỗ trợ theo Đề án 755 đã được phê duyệt.
(3)- Sở Tài chính: Chủ trì phối hợp với
các cơ quan có liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc cấp
phát, sử dụng nguồn vốn và thanh quyết toán nguồn vốn theo quy định.
(4)- Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn:
- Chủ trì và phối hợp với các Sở,
ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các đơn vị triển
khai thực hiện và lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ các công trình nước sinh hoạt
thuộc Đề án 755 đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả.
- Phối hợp các chương trình sắp xếp ổn
định dân cư để lồng ghép với các chương trình khác nhằm tạo điều kiện cho các hộ
được hỗ trợ đất ở được sắp xếp nơi ở phù hợp quy hoạch.
- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo việc
giao khoán bảo vệ, trồng rừng.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên &
Môi trường và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các Công ty lâm nghiệp,
các Ban quản lý rừng phòng hộ, các chủ rừng đóng trên địa bàn tiến hành rà soát
lại diện tích đất rừng chưa giao khoán, quỹ đất có khả năng sản xuất hoặc đất
trồng rừng, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi để chuyển giao lại cho địa
phương lập phương án giao khoán bảo vệ hoặc giao cho các hộ dân thuộc đối tượng
của Đề án sử dụng làm đất sản xuất ổn định.
(5)- Sở Lao động Thương binh và Xã hội:
Có trách nhiệm chỉ đạo các địa phương trong việc tổ chức đào tạo nghề và tư vấn
cho các đối tượng có nhu cầu đi xuất khẩu lao động; chủ trì, phối hợp với các
ngành liên quan, các địa phương thực hiện lồng ghép có hiệu quả các dự án của
Chương trình giảm nghèo với Quyết định 755/QĐ-TTg.
(6)- Sở Xây dựng: Hướng dẫn các địa
phương việc lập quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng và thực hiện các quy định
về đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn.
(7)- Sở Tài nguyên - Môi trường:
Có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát quỹ đất hiện có của địa
phương lập phương án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất thuộc phạm vi Đề án; hướng dẫn,
kiểm tra việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ được thụ
hưởng Đề án này.
(8)- Ngân hàng Chính sách xã hội: Chủ
động xây dựng kế hoạch bố trí kinh phí cho vay, hướng dẫn quy trình, thủ tục và
thực hiện cho vay vốn đối với các hộ nghèo được thụ hưởng.
(9)- Các Sở, ngành có liên quan căn cứ
chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền được giao có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn chỉ
đạo và tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện Đề
án đảm bảo hoàn thành mục tiêu và tiến độ đề ra; kịp thời tham mưu đề xuất giải
quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện thuộc thẩm quyền của
UBND tỉnh.
6.2 Đối với Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố:
- Chịu trách nhiệm toàn diện trước
UBND tỉnh về việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Đề án tại địa phương, đảm
bảo việc thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng, không để xảy ra tiêu cực; kịp
thời phát hiện và giải quyết các vấn đề vướng mắc ở cơ sở
- Chủ động bố trí nguồn lực của địa
phương, huy động các nguồn lực tại chỗ và thực hiện lồng ghép các chương trình,
dự án, chính sách trên địa bàn để thực hiện Đề án đạt hiệu quả.
- Chỉ đạo các Phòng, ban chuyên môn của
địa phương tổ chức rà soát lại quỹ đất trên địa bàn, xây dựng phương án giao
cho các hộ nghèo thiếu đất.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng
của Tỉnh rà soát diện tích đất do các Công ty lâm nghiệp, các nông lâm trường quản
lý để tham mưu cho UBND Tỉnh phương án thu hồi theo quyết định số 146/QĐ-TTg để
giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thuộc đối tượng thụ hưởng của Đề
án.
- Chịu trách nhiệm phê duyệt danh
sách các hộ thuộc đối tượng được hỗ trợ, nội dung hỗ trợ đảm bảo công khai minh
bạch.
Định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực
hiện Đề án của địa phương về Ban Dân tộc Tỉnh để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh.
6.3 Đối với Ủy ban nhân dân các
xã:
- Tổ chức họp thôn bình xét các hộ
nghèo thụ hưởng từ cơ sở thôn, bản, đảm bảo công khai, dân chủ thông qua các tổ
chức đoàn thể, tổng hợp báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân xã xem xét, trình Ủy
ban nhân dân cấp huyện quyết định.
- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân
dân huyện trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chính sách trên địa
bàn xã; huy động các tổ chức, doanh nghiệp, nông, lâm trường đóng chân trên địa
bàn tham gia thực hiện chính sách, giúp đỡ hộ nghèo bằng nhiều hình thức.
- Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xã
thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách đảm bảo đúng mục tiêu,
đúng đối tượng và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về UBND huyện.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh,
Giám đốc các Sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi
trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban
Dân tộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc
kho bạc nhà nước tỉnh Quảng Ninh, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Quảng
Ninh căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Các Bộ: Kế hoạch- Đầu
tư; Tài chính; Nông nghiệp và PTNT; Ủy ban Dân tộc (Báo cáo)
- TTTU, HĐND Tỉnh (B/c);
- CT, P1, P4;
- Vo, V1, V2, NLN2, TM2,3;
- Như điều 2 (t/h);
- Lưu VT, NLN1 (55b- QĐ12115):
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vũ Thị Thu Thủy
|