Quyết định 236/2005/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển Bưu chính Việt Nam đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 236/2005/QĐ-TTg
Ngày ban hành 26/09/2005
Ngày có hiệu lực 23/10/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 236/2005/QĐ-TTG

Hà Nội, ngày 26 tháng 09 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN BƯU CHÍNH VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 90/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính Viễn thông;
Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 157/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về bưu chính;
Căn cứ Quyết định số 158/2001/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Bưu chính - Viễn thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông tại Tờ trình số 2075/BBCVT-VCL ngày 27 tháng 10 năm 2004 và ý kiến thẩm định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 4543/BKH-TĐ&GSĐT ngày 08 tháng 7 năm 2005,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển Bưu chính Việt Nam đến năm 2010” với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu Quy hoạch

a) Phát triển mạng lưới bưu chính

Phát triển bưu chính Việt Nam theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, nhằm đạt trình độ hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Tổ chức tách bưu chính và viễn thông, hoạt động độc lập có hiệu quả cung cấp các dịch vụ đa dạng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Năm 2010 đạt mức độ phục vụ bình quân dưới 7.000 người dân trên một điểm phục vụ, bán kính phục vụ bình quân dưới 3 km, số lượng điểm phục vụ trên toàn quốc đạt hơn 13.000 điểm gồm nhiều hình thức bưu cục, đại lý, điểm bưu điện văn hóa xã, kiốt hoạt động ổn định trên toàn quốc. Đạt 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính hoạt động (Phụ lục số 1).

b) Phát triển dịch vụ

Phát triển Bưu chính theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, kết hợp cung cấp các dịch vụ công ích với các dịch vụ thương mại; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ; phát triển nhiều dịch vụ mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi bưu chính trở thành ngành kinh tế hoạt động độc lập có hiệu quả.

c) Phát triển thị trường

Phát huy mọi nguồn lực của đất nước, tạo điều kiện cho nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ chuyển phát thư trong môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch. Phát triển nhanh, chiếm lĩnh và đứng vững ở thị trường trong nước, đồng thời chủ động vươn ra hoạt động kinh doanh trên thị trường quốc tế.

Tích cực khai thác thị trường trong nước, đồng thời vươn ra hoạt động trên thị trường quốc tế. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình đã được cam kết đa phương và song phương.

d) Phát triển công nghiệp bưu chính

Khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia phát triển công nghiệp bưu chính; các hình thức đầu tư nước ngoài có chuyển giao công nghệ cao, kể cả hình thức 100% vốn nước ngoài.

Tăng cường tiếp thu chuyển giao công nghệ hiện đại; từng bước tiến tới làm chủ công nghệ cả phần cứng và phần mềm, sản xuất các sản phẩm có chất lượng quốc tế. Nâng cao năng lực sản xuất thiết bị trong nước, năm 2005 đáp ứng 60% và năm 2010 đạt 80% nhu cầu sử dụng thiết bị bưu chính, viễn thông và tin học của Việt Nam. Đẩy nhanh tiến trình nâng cao hàm lượng giá trị lao động Việt Nam trong các sản phẩm: năm 2005 đạt 30 – 40%, năm 2010 đạt 60 – 70%. Tăng cường hợp tác trao đổi, tham gia thị trường phân công lao động quốc tế, thực hiện chuyên môn hóa sản xuất một số sản phẩm tại Việt Nam; đẩy mạnh thị trường xuất khẩu ra nước ngoài.

đ) Phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn lành nghề, có phẩm chất; làm chủ công nghệ, kỹ thuật hiện đại; vững vàng về quản lý kinh tế.

Năm 2010, đạt chỉ tiêu về năng suất, chất lượng lao động phục vụ bưu chính Việt Nam ngang bằng trình độ trung bình các nước tiên tiến trong khu vực.

2. Nội dung và quy mô các yếu tố chính của quy hoạch

a) Mạng bưu chính

- Mạng các điểm phục vụ

Xây dựng mạng, điểm phục vụ bưu chính rộng khắp có bán kính phục vụ ngày càng giảm. Ưu tiên phát triển các hình thức đại lý đa dịch vụ, điểm bưu điện văn hóa xã, hạn chế phát triển Bưu cục, tạo điều kiện giảm lao động chính thức, tận dụng lao động xã hội, nâng cao năng suất lao động bưu chính.

- Mạng vận chuyển trong nước và quốc tế

Nâng cao năng lực mạng vận chuyển trong nước và quốc tế, đầu tư phương tiện vận chuyển chuyên ngành đáp ứng nhu cầu vận chuyển bưu chính và chuyển phát thư.

Nhà nước ưu tiên, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng công ty Bưu chính Việt Nam vận chuyển bưu chính trong nước, quốc tế bằng máy bay và tiến tới có chuyến bay riêng cho bưu chính thông qua sự hợp tác, đóng góp cổ phần với các hãng hàng không trong nước và nước ngoài.

[...]