Nghị định 157/2004/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về bưu chính

Số hiệu 157/2004/NĐ-CP
Ngày ban hành 18/08/2004
Ngày có hiệu lực 10/09/2004
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 157/2004/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2004

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 157/2004/NĐ-CP NGÀY 18 THÁNG 8 NĂM 2004 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG VỀ BƯU CHÍNH

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông (sau đây gọi là Pháp lệnh) về bưu chính áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động trong lĩnh vực bưu chính tại Việt Nam.

Điều 2. An toàn bưu chính và an ninh thông tin

1. Bảo vệ an toàn bưu chính và an ninh thông tin là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân.

2. Bưu chính Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư có trách nhiệm áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn bưu chính gồm an toàn đối với thư, bưu phẩm, bưu kiện và đối với nhân viên; an toàn đối với mạng bưu chính công cộng và mạng chuyển phát.

Người sử dụng dịch vụ có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật, quy định của Bưu chính Việt Nam và của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư về an toàn bưu chính và an ninh thông tin.

3. Bưu chính Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành các biện pháp nghiệp vụ giám sát việc đảm bảo an ninh thông tin. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện các nhiệm vụ nêu trên cần tạo điều kiện để doanh nghiệp đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Điều 3. Bảo đảm bí mật thông tin riêng

1. Thông tin riêng liên quan đến thư, bưu phẩm, bưu kiện được bảo đảm bí mật.

2. Việc mở, kiểm tra thư, bưu phẩm, bưu kiện chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Bưu phẩm (trừ thư), bưu kiện được mở để xử lý, gói bọc lại khi bị hư hại, vỏ bọc bị rách nát;

b) Thư, bưu phẩm, bưu kiện vô thừa nhận được xử lý theo quy định;

c) Bưu phẩm (trừ thư), bưu kiện quốc tế được doanh nghiệp mở để xuất trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi doanh nghiệp thay mặt người sử dụng dịch vụ làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.

3. Việc khám xét, thu giữ thư, bưu phẩm, bưu kiện chỉ được thực hiện khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu đối với thư, bưu phẩm, bưu kiện

1. Thư, bưu phẩm, bưu kiện khi xuất khẩu, nhập khẩu phải được làm các thủ tục hải quan, văn hoá, kiểm dịch và các thủ tục khác tuỳ thuộc vào nội dung bên trong và phải được nộp đủ các loại thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

2. Bưu chính Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư được thay mặt người sử dụng dịch vụ thực hiện các thủ tục nêu tại khoản 1 Điều này và được thu từ người sử dụng dịch vụ một khoản tiền trả cho dịch vụ này.

3. Người sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ hoàn trả các khoản thuế, phí và lệ phí mà Bưu chính Việt Nam hoặc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư đã thay mặt họ nộp cho cơ quan hải quan hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Chương 2:

MẠNG VÀ DỊCH VỤ BƯU CHÍNH

MỤC 1:

[...]