Quyết định 23/2001/QĐ-BKHCNMT phê duyệt mục tiêu, nội dung chủ yếu của Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 5 năm 2001-2005: "Bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai" do Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường ban hành

Số hiệu 23/2001/QĐ-BKHCNMT
Ngày ban hành 11/06/2001
Ngày có hiệu lực 26/07/2001
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
Người ký Chu Tuấn Nhạ
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ
VÀ MÔI TRƯỜNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 23/2001/QĐ-BKHCNMT

Hà Nội, ngày 11 tháng 06 năm 2001 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT MỤC TIÊU, NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRỌNG ĐIỂM CẤP NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 5 NĂM 2001-2005: “BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ PHÒNG TRÁNH THIÊN TAI ” 

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Nghị định 22/CP ngày 22 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
Căn cứ Quyết định số: 82/2001/QĐ-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ chủ yếu và Danh mục các Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 5 năm 2001-2005;
Xét đề nghị của các Ông, Bà Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học xã hội và tự nhiên, Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt mục tiêu, nội dung chủ yếu của Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 5 năm 2001-2005: “Bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai”, Mã số: KC.08 (Phụ lục kèm theo).

Điều 2. Các Ông, Bà Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học xã hội và tự nhiên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Văn phòng Chính phủ;
- UBKHCNMT của Quốc hội;
- Ban Khoa giáo Trung ương;
- Lưu VT, Vụ KH.

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG



 
Chu Tuấn Nhạ


 

Phụ lục:

MỤC TIÊU, NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRỌNG ĐIỂM CẤP NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 5 NĂM 2001-2005:  “BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ PHÒNG TRÁNH THIÊN TAI”, MÃ SỐ: KC.08
(Kèm theo Quyết định số: 23/2001/ QĐ - BKHCNMT ngày 11 tháng 6 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường)

a. Mục tiêu:

- Cung cấp luận cứ khoa học cho xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội các vùng kinh tế trọng điểm, quy hoạch môi trường theo vùng và theo lưu vực sông.

- Làm rõ quy luật phân bố và diễn biến các dạng thiên tai nguy hiểm ở Việt Nam, trọng tâm là động đất ở khu vực Tây Bắc, hiện tượng sạt lở nghiêm trọng ở một số khu vực, những diễn biến bất thường gây mưa và lũ lớn ở nhiều vùng, phục vụ cho việc đề xuất các giải pháp, chính sách và chiến lược phòng tránh, giảm nhẹ tác động của thiên tai trong vài thập kỷ tới.

- Cung cấp cơ sở khoa học cho các giải pháp tổng thể phát triển kinh tế-xã hội theo yêu cầu chung sống với lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long.

b. Nội dung chủ yếu :

- Đánh giá diễn biến tài nguyên môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nghiên cứu xây dựng thử nghiệm quy hoạch bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững cho một số vùng kinh tế trọng điểm theo quan điểm tiếp cận kinh tế môi trường; đề xuất chính sách và các giải pháp công nghệ để cải thiện môi trường đô thị, nông thôn, các làng nghề truyền thống.

- Nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường theo lưu vực sông.

- Phân tích đặc trưng cơ bản của hệ sinh thái, dự báo xu hướng suy thoái và các vùng, các khu vực có tiềm năng xẩy ra khủng khoảng sinh thái của Việt Nam.

- Nhận dạng quy luật và xu thế diễn biến động đất ở Tây Bắc và các dạng tai biến địa chất khác (lũ quét, trượt lở, xói mòn......); đề xuất các giải pháp phòng tránh, đặc biệt đối với động đất ở vùng Tây Bắc nói chung và khu vực Thuỷ điện Sơn La nói riêng.

- Nghiên cứu, đánh giá tổng hợp các tác nhân gây lũ lụt tại các khu vực nhạy cảm. Nghiên cứu, phân tích các yếu tố gây sạt lở và dự báo phòng tránh sạt lở một số khu vực sông.

- Nghiên cứu toàn diện về lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, ứng dụng các công nghệ hiện đại nhằm nâng cao độ chính xác dự báo lũ và các giải pháp kiểm soát lũ.

- Nghiên cứu các giải pháp về giao thông và cơ sở hạ tầng, về sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản cho vùng ngập lũ, các giải pháp tổ chức đời sống dân cư trong mùa lũ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của dân.

- Nghiên cứu chính sách kinh tế - xã hội - văn hoá- môi trường để phát triển bền vững đối với đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện chung sống với lũ. Nghiên cứu phương án thực hiện chủ động chung sống với lũ ở từng khu vực trong đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở giải pháp tổng thể cho toàn vùng.