Quyết định 2289/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước gắn với công tác quản lý thuế đối với hoạt động khai thác, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Số hiệu 2289/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/11/2022
Ngày có hiệu lực 29/11/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Nguyễn Đăng Bình
Lĩnh vực Thương mại,Thuế - Phí - Lệ Phí,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2289/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 29 tháng 11 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC GẮN VỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, CHẾ BIẾN GỖ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017;

Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019;

Căn cứ Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu;

Căn cứ Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 24/8/2021 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn;

Căn cứ Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 05/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn;

Theo đề nghị của Cục Thuế tỉnh tại Tờ trình số 1606/TTr-CTBCA ngày 28/9/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước gắn với công tác quản lý thuế đối với hoạt động khai thác, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Điều 2. Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện Đề án đảm bảo đúng quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải; Giám đốc Công an tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, Thủ trưởng các đơn vị, các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đăng Bình

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC GẮN VỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, CHẾ BIẾN GỖ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Kèm theo Quyết định số 2289/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT

Tỉnh Bắc Kạn có diện tích tự nhiên 485.996ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp có rừng chiếm tỷ trọng cao (85,05% diện tích tự nhiên, tương ứng là 413.362ha, trong đó rừng sản xuất là 301.618ha; rừng phòng hộ là 82.909ha; rừng đặc dụng 28.835ha), sản lượng gỗ khai thác đạt hơn 293.979m3/năm (số liệu thống kê năm 2021),… Đặc biệt, hoạt động khai thác, chế biến gỗ phát triển mạnh trong những năm gần đây đã đem lại lợi ích kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, tuy nhiên đây cũng là lĩnh vực hoạt động phức tạp và khó quản lý.

Để quản lý chặt chẽ, phát huy giá trị kinh tế, gắn với bảo vệ rừng và chống thất thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động khai thác, chế biến gỗ, đồng thời phát huy lợi thế về kinh tế rừng của tỉnh góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước và quản lý thuế đối với hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến gỗ trên địa bàn. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 05/10/2021 về tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Vì vậy, trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về hoạt động chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường; hoạt động khai thác, chế biến gỗ đã được các cấp ngành, địa phương quan tâm, phối hợp quản lý tốt, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn 2016 - 2021 giá trị ngành chế biến gỗ bình quân chiếm 14,57% giá trị ngành công nghiệp và chiếm 0,91% GRDP của tỉnh, tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, nhất là năm 2020 tăng 39,87%. Một số dự án lớn về chế biến gỗ đã được đầu tư xây dựng, vận hành; các sản phẩm như ván dán, đũa gỗ,... là sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Thực tế hiện nay còn nhiều bất cập trong công tác quản lý hoạt động khai thác, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh; việc cấp phép hoạt động đối với các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ chưa chặt chẽ; chưa hình thành chuỗi liên kết giữa người chủ rừng với cơ sở chế biến và các nhà máy chế biến gỗ, sản phẩm chủ yếu là sản phẩm sơ chế, chưa tạo giá trị gia tăng cao, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất giữa chủ rừng, cơ sở sơ chế và nhà máy chế biến gỗ nên phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc nhất là gỗ bóc, dăm gỗ; còn tình trạng khai thác gỗ tròn chưa đến tuổi khai thác; các cơ sở chế biến gỗ chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể chưa thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ, kê khai thuế, báo cáo sản lượng chưa trung thực, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định, hoạt động không bền vững, chưa phát huy được tiềm năng lợi thế giúp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước chưa đầy đủ…

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục các hạn chế, tồn tại nêu trên, trong thời gian tới công tác quản lý nhà nước về hoạt động chế biến gỗ và công tác quản lý thuế phải tiếp tục được quan tâm cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, vì vậy, việc ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước gắn với công tác quản lý thuế đối với hoạt động khai thác, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn” là cần thiết.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

[...]