Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2024 thực hiện công tác quản lý hoạt động chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Số hiệu 05/CT-UBND
Ngày ban hành 17/06/2024
Ngày có hiệu lực 17/06/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Nguyễn Đăng Bình
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Bắc Kạn, ngày 17 tháng 6 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CHẾ BIẾN GỖ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ Tư (khóa XII) về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đã xác định công nghiệp chế biến lâm sản mà trọng tâm là chế biến gỗ rừng trồng là lĩnh vực trọng điểm cần thúc đẩy trong thời gian tới. Ngày 05 tháng 10 năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Sau gần 3 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-UBND, hoạt động chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả khả quan, số lượng cơ sở chế biến gỗ gần 250 cơ sở với sản lượng gỗ tròn hằng năm đưa vào chế biến đạt 300.000-350.000m3 gỗ tròn/năm, một số sản phẩm từ gỗ có giá trị gia tăng cao, phục vụ xuất khẩu như: Ván dán, đũa gỗ, đồ gỗ dùng một lần... Bước đầu tại một số địa phương có điều kiện thuận lợi về giao thông, vùng nguyên liệu, mặt bằng,... đã hình thành, phát triển các điểm sản xuất gỗ tập trung và tạo được nhiều việc làm cho lao động địa phương. Với tiềm năng, lợi thế về phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, lĩnh vực chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh được nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu đầu tư.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chỉ thị số 12/CT-UBND vẫn còn nhiều bất cập, nhất là trong công tác quản lý hoạt động khai thác, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, như: Một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện công tác quản lý các cơ sở chế biến gỗ, nhất là việc chấp hành các quy định về đất đai, xây dựng, môi trường; việc phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ mang tính tự phát làm phá vỡ quy hoạch, phát triển manh mún, nhỏ lẻ,... nên khó khăn trong việc phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, chất lượng và đạt chứng chỉ quản lý rừng rất hạn chế; chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất từ khâu trồng, chăm sóc, khai thác gỗ giữa người trồng rừng với doanh nghiệp chế biến gỗ, dẫn đến hoạt động chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh phát triển không bền vững, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế về vùng nguyên liệu rừng trồng phục vụ phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ giúp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Vì vậy, để ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển ổn định, hiệu quả, khắc phục dần các tồn tại, từng bước phát triển bền vững hoạt động chế bi ến gỗ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương, cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các nội dung sau đây:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

1. Phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bắc Kạn trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới. Phát triển đa dạng các sản phẩm gỗ và tham gia sâu vào chuỗi sản xuất các sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao trong khu vực; tận dụng tối đa các phế phẩm, phế liệu để sản xuất các sản phẩm phục vụ ngành sản xuất khác và đảm bảo về công tác bảo vệ môi trường. Mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chế biến gỗ và hướng tới xuất khẩu, phấn đấu sản phẩm chế biến gỗ là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

2. Tiếp tục đẩy mạnh công tác trồng rừng, trồng rừng gỗ lớn và phát triển mở rộng vùng nguyên liệu có chứng chỉ rừng bền vững theo yêu cầu của thị trường quốc tế. Hình thành các mô hình liên kết chuỗi giá trị giữa người trồng rừng, cơ sở chế biến thô với doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm chế biến gỗ có giá trị gia tăng cao.

3. Kiên quyết xử lý theo quy định các cơ sở chế biến gỗ xây dựng trái phép theo quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, xây dựng,...

II. GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Nhằm phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bắc Kạn tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương và trở thành ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển các chuỗi sản xuất chế biến gỗ và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt thúc đẩy thị trường xuất khẩu sản phẩm chế biến gỗ của địa phương.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp thu hút đầu tư dự án chế biến gỗ đảm bảo mục tiêu, định hướng phát triển theo Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ tư (khóa XII) về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Phối hợp với các địa phương rà soát, phát triển hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp phục vụ thu hút đầu tư các dự án sản xuất, chế biến gỗ theo chuỗi liên kết.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác kiểm tra các dự án/cơ sở chế biến gỗ hoạt động trên địa bàn tỉnh; quản lý chặt chẽ công tác cung cấp điện cho các cơ sở chế biến gỗ. Đầu mối tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ.

- Tăng cường thực hiện công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm sản xuất từ gỗ của tỉnh, nhất là các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các thị trường các nước từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết tham gia. Đẩy mạnh công tác phổ biến lợi ích của các Hiệp định thương mại tự do mang lại để hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tối ưu thị trường tiêu thụ sản phẩm, phục vụ xuất khẩu đồ gỗ.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan phân vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với các cơ sở chế biến, triển khai công tác hỗ trợ việc liên doanh liên kết giữa cơ sở chế biến gỗ với người trồng rừng để thực hiện việc cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC.

- Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, khuyến cáo, vận động người trồng rừng không khai thác rừng trồng khi chưa đến tuổi khai thác. Thực hiện việc thâm canh rừng trồng gỗ nhỏ chuyển hóa sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn để nâng cao giá trị rừng.

- Chủ trì đánh giá thực trạng việc sử dụng nguyên liệu gỗ tại địa phương để đề xuất các giải pháp phát triển các vùng nguyên liệu hợp pháp, có chất lượng để cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển bền vững, có giá trị gia tăng cao.

- Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác, chế biến của các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện hành vi vi phạm pháp luật để xử lý nghiêm theo quy định. Chịu trách nhiệm về tính chính xác thông tin về sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng; thống kê đầy đủ, kịp thời sản lượng khai thác gỗ trên địa bàn quản lý để cung cấp cho cơ quan Thuế làm căn cứ tính thuế.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố phổ biến đến các chủ đầu tư dự án/cơ sở chế biến gỗ thực hiện nghiêm túc các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

- Chủ trì thực hiện hướng dẫn các chính sách ưu đãi, khuyến khích và thu hút đầu tư các dự án phát triển vùng nguyên liệu, các dự án chế biến gỗ có giá trị gia tăng cao.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác theo dõi, kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ chấp hành pháp luật về đất đai, môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Thực hiện hướng dẫn UBND các huyện, thành phố xử lý, giải quyết các tồn tại việc sử dụng đất, thuê đất, bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đã hoạt động sản xuất trước ngày ban hành Chỉ thị này.

[...]