Quyết định 2270/QĐ-UBND năm 2021 quy định về chính sách hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Sơn La

Số hiệu 2270/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/09/2021
Ngày có hiệu lực 17/09/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Nguyễn Thành Công
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2270/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 17 tháng 9 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG KHÔNG CÓ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG BỊ MẤT VIỆC LÀM GẶP KHÓ KHĂN DO ĐẠI DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Căn cứ Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND ngày 11/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Sơn La;

Theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 239/TTr-SLĐTBXH ngày 26/8/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định chế độ hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) làm việc trên địa bàn tỉnh bị mất việc làm, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, như sau:

1. Đối tượng hỗ trợ

Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Sơn La; đang làm một trong số những công việc, ngành nghề sau:

- Thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa bằng xe ba gác, xe thô sơ;

- Lái xe mô tô 02 bánh chở khách;

- Người lao động thuộc các nhóm thợ (thợ xây, thợ sơn...);

- Tự làm hoặc làm việc tại các cơ sở lưu trú khách du lịch, homestay, nhà nghỉ, nhà hàng, quán ăn (quán ăn sáng, quán beer, quán ăn vặt, các quán nước vỉa hè, quán cafe, quán giải khát...); Các cơ sở làm đẹp (quản cắt tóc, spa, nail, gội đầu...); Cơ sở chăm sóc sức khỏe, phẫu thuật thẩm mỹ (massage, xông hơi, bấm huyệt, châm cứu, vật lý trị liệu...); Các trung tâm thể dục, thể thao, các cơ sở kinh doanh dịch vụ (karaoke, quán bar, quán game, internet, phòng tập gym, phòng tập khiêu vũ...); Các cơ sở cung cấp dịch vụ rửa xe, cơ sở sửa chữa (ô tô, xe máy, điện tử...);

- Làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập (nấu cơm, cấp dưỡng, bảo vệ, trông trẻ không hưởng lương từ quỹ BHXH và Ngân sách Nhà nước).

- Bán hàng rong, kinh doanh lưu động, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định.

- Các đối tượng khác.

2. Điều kiện

- Người lao động cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Sơn La (trường hợp tạm trú phải có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận và phải có thời gian tạm trú từ 3 tháng trở lên);

- Mất việc làm từ 15 ngày liên tục trở lên do phải thực hiện giãn cách xã hội, cách ly xã hội hoặc tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19 theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La.

3. Mức hỗ trợ

- Đối với trường hợp mất việc làm từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng (30 ngày): hỗ trợ mức 50.000 đồng/người/ngày (căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).

- Đối với trường hợp mất việc làm từ 01 tháng (30 ngày) trở lên: hỗ trợ mức 1.500.000 đồng/người/lần.

4. Phương thức, thời hạn chi trả

- Phương thức chi trả: Chi trả 01 lần cho người lao động.

- Thời hạn chi trả: Ngay sau khi UBND tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho người lao động.

[...]