Quyết định 221/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 của thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 221/QĐ-UBND
Ngày ban hành 15/01/2013
Ngày có hiệu lực 15/01/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Hứa Ngọc Thuận
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 221/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ DINH DƯỠNG GIAI ĐOẠN 2011-2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020 CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 226/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Công văn số 318/VDD-CĐT ngày 08 tháng 6 năm 2011 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia về việc xây dựng kế hoạch Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 tại thành phố Hồ Chí Minh;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Công văn số 6658/SYT-NVY ngày 19 tháng 11 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 của thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các Sở, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Y tế;
- Viện Dinh dưỡng Quốc gia;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND.TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- VPUB: Các PVP;
- Các Phòng Chuyên viên;
- Lưu:VT, (VX/P) An.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hứa Ngọc Thuận

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ DINH DƯỠNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 221/QĐ-UBND ngày 15 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là một đô thị lớn, đông dân nhất cả nước. Theo kết quả điều tra dân số ngày 01 tháng 4 năm 2009, thành phố Hồ Chí Minh có dân số 7.162.864 người (trong đó nam có 3.435.734 người chiếm 47,97%, nữ có 3.727.130 người chiếm 52,03%) với 1.824.822 hộ trong đó: 1.509.930 hộ tại thành thị và 314.892 hộ tại nông thôn, bình quân 3,93 người/hộ; tỷ lệ dân cư sống trong khu vực thành thị là 83,32%, trong đó có gần một phần ba là dân nhập cư từ các tỉnh khác. Tuổi thọ trung bình của nam giới ở thành phố là 71, nữ giới là 75. Số trẻ dưới 5 tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh là 462.006 trẻ, trong đó trẻ dưới 2 tuổi chiếm hơn 50%.

Cơ cấu kinh tế bao gồm công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại trong đó tỷ trọng về công nghiệp chiếm ưu thế. Thành phố đang trong quá trình phát triển và xây dựng, do đó khu vực nội thành mang đầy đủ đặc điểm của một thành phố phát triển, trong khi đó khu vực ngoại thành vẫn mang đặc điểm của khu vực còn đang trong quá trình phát triển về kinh tế - xã hội. Vì vậy, tình hình dinh dưỡng đan xen giữa suy dinh dưỡng cao ở khu vực ngoại thành và thừa cân béo phì tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành. Điều này đã tạo nên gánh nặng kép về dinh dưỡng trên địa bàn thành phố của thời kỳ chuyển tiếp về dinh dưỡng.

Trong thập kỷ qua, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được kết quả đáng kể trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của nhân dân. Nhiều mục tiêu của kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng 2001 - 2005 và 2006 - 2010 đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Kiến thức và thực hành dinh dưỡng của người dân đã được cải thiện đáng kể; Tỷ lệ suy dinh dưỡng (thể nhẹ cân) ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm liên tục và bền vững.

Mặc dù đạt được các thành tựu đáng ghi nhận trong 10 năm qua nhưng thành phố Hồ Chí Minh vẫn phải đương đầu với những thách thức lớn về dinh dưỡng. Đó là tình trạng thừa cân - béo phì và một số bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng đang có xu hướng gia tăng. Tình trạng dinh dưỡng của người lao động và học sinh chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn nhân lực thực hiện các chương trình dinh dưỡng còn thiếu hụt. Các thách thức trong bối cảnh mới tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực cao trong hành động của Đảng, Chính quyền và các ban ngành của thành phố, hướng tới dinh dưỡng hợp lý và tăng cường sức khỏe cho cộng đồng góp phần phần nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người dân trong thập niên tới.

Phần thứ 1

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ DINH DƯỠNG GIAI ĐOẠN 2001 - 2010 TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Về tổ chức và chỉ đạo thực hiện kế hoạch:

Thực hiện Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng (CLQGDD) giai đoạn 2001 - 2010 và công văn chỉ đạo của Bộ Y tế về việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001 - 2005 và 2006 - 2010 của các tỉnh/thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2006 - 2010 và quyết định thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện CLQGDD tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2006 - 2010 gồm 15 thành viên thuộc các Sở, Ban ngành liên quan. Ngay sau khi thành lập, BCĐ đã tiến hành cuộc họp thông qua kế hoạch thực hiện Chiến lược và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo.

2. Công tác truyền thông phổ biến kiến thức dinh dưỡng hợp lý cho người dân và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ triển khai công tác dinh dưỡng:

Hoạt động truyền thông phổ biến kiến thức dinh dưỡng hợp lý cho các nhóm đối tượng được triển khai đồng bộ với nhiều hình thức và nội dung ngày càng đa dạng, sáng tạo, thu hút sự tham gia của nhiều nhóm đối tượng khác nhau, nâng cao nhận thức và thực hành dinh dưỡng đúng của người dân thành phố, góp phần đáng kể vào thành công của các chương trình mục tiêu quốc gia. Các thông điệp chính gồm dinh dưỡng - vận động hợp lý, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng, lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ, phòng chống thừa cân - béo phì, đái tháo đường và các bệnh mạn tính không lây,… cho trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú, phụ nữ tuổi sinh sản, trẻ tuổi học đường, người lao động,…

Công tác đào tạo không chỉ chú trọng vào xây dựng mạng lưới dinh dưỡng cộng đồng mà còn đã từng bước triển khai tới các bệnh viện, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ thực hiện công tác dinh dưỡng trên địa bàn thành phố.

3. Phối hợp liên ngành và xã hội hóa công tác dinh dưỡng:

[...]