Quyết định 2207/QĐ-BYT năm 2011 phê duyệt Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Y tế giai đoạn 2011-2015 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 2207/QĐ-BYT
Ngày ban hành 29/06/2011
Ngày có hiệu lực 29/06/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Bá Thủy
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2207/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 29 tháng 06 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI CỦA NGÀNH Y TẾ GIAI ĐOẠN 2011-2015

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25/12/2001;

Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế và Nghị định số 22/2010/NĐ-CP ngày 9/3/2010 sửa đổi Điều 3 Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Y tế giai đoạn 2011-2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Y tế
tại thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Vì sự nghiệp tiến bộ phụ nữ Bộ Y tế, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng BYT (để b/c);
- Các Thứ trưởng BYT (để chỉ đạo);
- UBQGVSTBCPN Việt Nam;
- Các thành viên Ban VSTBPNBYT;
- Lưu: VT, Ban VSTBPN BYT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
TRƯỞNG BAN VSTBPN




Nguyễn Bá Thủy

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI CỦA NGÀNH Y TẾ GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2207/QĐ-BYT ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phần 1.

CƠ SỞ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

I. CƠ SỞ THỰC TIỄN

1. Sự cần thiết phải thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế

Ngành Y tế liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội, góp phần quan trọng nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Để nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) cần thiết phải có sự phân tích giới cả trong nhóm cung cấp dịch vụ cũng như nhóm sử dụng dịch vụ để nhận diện những bất cập và lồng ghép giới trong hoạch định và thực thi các chính sách liên quan đến cả 2 lĩnh vực này.

Trong cung cấp dịch vụ CSSK có một số khác biệt về giới đáng lưu ý, bao gồm:

- Đặc điểm giới có ảnh hưởng rõ rệt tới kết quả công việc: với sức khỏe thể chất và tinh thần, nam thường đáp ứng tốt hơn với chức danh phẫu thuật viên thường xuyên phải làm việc trong tâm trạng căng thẳng, đứng mổ cho bệnh nhân kéo dài liên tục trong nhiều giờ; bản tính tỷ mỉ, chu đáo, dịu dàng của nữ thường đáp ứng phù hợp hơn so với những công việc của chức danh điều dưỡng[1].

- Vai trò giới chi phối khả năng đáp ứng cũng như cơ hội thăng tiến về công việc của phụ nữ như: trong thời gian mang thai không được tiếp xúc với môi trường làm việc độc hại, phụ nữ nuôi con nhỏ không đi trực, khó khăn khi tham gia phòng chống dịch bệnh, phụ nữ thường gặp nhiều trở ngại trong quá trình phấn đấu tích tụ các tiêu chuẩn cần thiết để có thể khẳng định các vị thế cao trong chuyên môn và quản lý.

- Nam giới luôn chiếm số đông trong số người có chức danh chuyên môn với học hàm, học vị ở trình độ cao[2], nam giới cũng giữ vai trò chủ chốt trong lãnh đạo, quản lý và các tổ chức Đảng, đoàn thể[3].

Trong thụ hưởng dịch vụ CSSK cũng có nhiều khác biệt về giới cần phải được quan tâm giải quyết; cụ thể như:

- Định kiến giới thường cản trở phụ nữ trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ CSSK: phụ nữ thường hay lựa chọn các cơ sở khám chữa bệnh ở tuyến dưới[4], nam giới dân tộc H’Mông không cho người khác giới can thiệp khi vợ đẻ, phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng sâu thường ngại tiếp xúc với bác sỹ nam hơn so với bác sỹ nữ.

- Trong khám chữa bệnh: phụ nữ thường gặp khó khăn trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ bởi những bất bình đẳng giới ngay từ trong gia đình: nam giới sử dụng thu thập của hộ gia đình cho các hoạt động giải trí của bản thân (uống bia rượu, hút thuốc lá, cờ bạc…) gây hạn chế đến kinh phí dành cho CSSK của phụ nữ nhất là với các hộ nghèo[5]. Quan niệm về giới trong cộng đồng thường gắn phụ nữ với vai trò chăm lo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình vì vậy mà phụ nữ thường cân nhắc, tính toán, chấp nhận sự thiệt thòi đối với bản thân để dành sự chăm sóc cho người thân… Vai trò quyết định của nam giới trong sử dụng thu nhập hộ gia đình cũng có thể gây hạn chế cho phụ nữ trong tiếp cận dịch vụ CSSK.

[...]