Thông tư 16/2009/TT-BYT hướng dẫn việc tiếp nhận, chăm sóc y tế và thống kê, báo cáo đối với người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 16/2009/TT-BYT
Ngày ban hành 22/09/2009
Ngày có hiệu lực 06/11/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Quốc Triệu
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 16/2009/TT-BYT

Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC TIẾP NHẬN, CHĂM SÓC Y TẾ VÀ THỐNG KÊ, BÁO CÁO ĐỐI VỚI NGƯỜI BỆNH LÀ NẠN NHÂN BẠO LỰC GIA ĐÌNH TẠI CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Căn cứ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình;
Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Bộ Y tế hướng dẫn việc tiếp nhận, chăm sóc y tế và thống kê, báo cáo đối với người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, tư nhân như sau:

ChươngI

TIẾP NHẬN NGƯỜI BỆNH LÀ NẠN NHÂN BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Điều 1. Tiếp nhận người bệnh

Người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình được tiếp nhận vào cấp cứu, khám và điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 2. Sàng lọc phát hiện nạn nhân bạo lực gia đình

1. Sàng lọc:

a) Khi người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong quá trình thăm khám, khai thác tiền sử bệnh, thầy thuốc và nhân viên y tế cần hỏi thêm về bạo lực gia đình liên quan đến tình trạng bệnh tật của người bệnh để phát hiện nạn nhân bạo lực gia đình.

b) Thầy thuốc và nhân viên y tế tiến hành sàng lọc về bạo lực gia đình đối với trường hợp người bệnh tai nạn thương tích, tai nạn sinh hoạt; người bệnh có dấu hiệu của bạo lực gia đình; người bệnh là nữ từ 15 tuổi trở lên.

2. Nguyên tắc sàng lọc:

a) Bảo đảm sự kín đáo và giữ bí mật thông tin cá nhân của người bệnh.

b) Thăm khám tỉ mỉ và toàn diện để không bỏ sót các tổn thương thể chất, tình dục, chấn thương tâm lý do hành vi bạo lực gia đình gây ra.

c) Thầy thuốc và nhân viên y tế phải có thái độ chu đáo, chia sẻ, thân thiện, không phán xét, thường xuyên động viên người bệnh.

d) Bảo đảm sự an toàn của người bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3. Chú ý phát hiện các dấu hiệu, triệu chứng bị xâm phạm về mặt thể chất, tinh thần và tình dục của người bệnh; xem xét mối tương quan giữa tình trạng tổn thương và tiết lộ của người bệnh về nguyên nhân gây nên tổn thương đó. Trường hợp người bệnh muốn che dấu việc bị bạo lực, thầy thuốc và nhân viên y tế cần động viên để người bệnh tiết lộ.

4. Người bệnh được phỏng vấn khi không có các thành viên trong gia đình để bảo đảm sự riêng tư, tính khách quan và an toàn khi cung cấp thông tin. Nếu người bệnh được thành viên gia đình đi kèm, thầy thuốc và nhân viên y tế cần tách riêng người bệnh khỏi thành viên gia đình khi sàng lọc để thành viên đó không gây ảnh hưởng tới việc sàng lọc. Trường hợp người bệnh cấp cứu không thể tự trả lời phỏng vấn, việc phỏng vấn được tiến hành sau khi người bệnh đã được điều trị ổn định.

5. Lập Phiếu sàng lọc và Phiếu ghi chép thông tin nạn nhân bạo lực gia đình:

a) Thầy thuốc và nhân viên y tế ghi chép kết quả vào Phiếu sàng lọc nạn nhân bạo lực gia đình theo mẫu quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm Thông tư này.

b) Trường hợp người bệnh tiết lộ hoặc xác nhận là nạn nhân bạo lực gia đình, sau khi ghi Phiếu sàng lọc, thầy thuốc và nhân viên y tế phải ghi chép các thông tin liên quan vào Phiếu ghi chép thông tin nạn nhân bạo lực gia đình theo mẫu quy định tại Phụ lục số 2 ban hành kèm Thông tư này.

c) Phiếu sàng lọc và Phiếu ghi chép thông tin nạn nhân bạo lực gia đình được lưu tách riêng với hồ sơ bệnh án nhưng được đánh mã số và ghi mã số đó trong hồ sơ bệnh án để phục vụ cho theo dõi người bệnh và thống kê, báo cáo về bạo lực gia đình.

6. Thầy thuốc và nhân viên y tế thực hiện tư vấn đối với người bệnh theo quy định tại Điều 5 Chương II của Thông tư này và hướng dẫn, giải thích cho người bệnh về việc sàng lọc phát hiện nạn nhân bạo lực gia đình, quyền được bảo vệ khi bị bạo lực gia đình để người bệnh hợp tác với thầy thuốc và nhân viên y tế trong quá trình sàng lọc.

Điều 3. Phát hiện hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm

1. Trong quá trình tiếp nhận và chăm sóc y tế cho người bệnh, nếu phát hiện hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm, ngay khi phát hiện, thầy thuốc và nhân viên y tế có trách nhiệm báo cáo người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm trình báo bằng văn bản, điện thoại hoặc cử người trực tiếp đi trình báo cho cơ quan công an nơi gần nhất về hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm và đề nghị cơ quan công an có biện pháp hỗ trợ, bảo đảm an toàn cho nạn nhân bạo lực gia đình.

Chương II

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ