Quyết định 22/2010/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá của thành phố giai đoạn 2009 - 2015 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 22/2010/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/03/2010
Ngày có hiệu lực 08/04/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thành Tài
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 22/2010/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 3 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO, TĂNG HỘ KHÁ CỦA THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2009 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010;
Căn cứ Công văn số 8186/VPCP-KGVX ngày 28 tháng 11 năm 2008 của Văn phòng Chính phủ về nghiên cứu điều chỉnh chuẩn nghèo;
Căn cứ Công văn số 2647/LĐTBXH-BTXH ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về góp ý tên gọi chương trình giảm nghèo thành phố giai đoạn 2009 - 2015;
Căn cứ Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần thứ 13 khóa VIII (tháng 10 năm 2008) đã thống nhất thông qua đề án Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá của thành phố giai đoạn 2009 - 2015;
Xét đề nghị của Ban Chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo và Việc làm thành phố tại Tờ trình số 02/TTr-XĐGNVL ngày 12 tháng 01 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá của thành phố giai đoạn 2009 - 2015 kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá của thành phố giai đoạn 2009 - 2015, được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Giảm nghèo, tăng hộ khá của thành phố, Thủ trưởng các sở - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Thành Tài

 

CHƯƠNG TRÌNH

GIẢM NGHÈO, TĂNG HỘ KHÁ CỦA THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2009 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 22/2010/QĐ-UBND ngày 29 tháng 3 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Trong hơn hai thập niên qua, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã liên tục nỗ lực, phấn đấu, kiên trì thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Nhờ triển khai đồng bộ các chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng với việc đạt được những thành tựu quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, thành phố đã hoàn thành các chương trình, mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giúp người nghèo dần được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản, giải quyết tình trạng thiếu việc làm, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn; góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2001 - 2005 và 2006 -2010 theo hướng “toàn diện hơn, công bằng hơn, bền vững và hội nhập”.

Tính đến cuối năm 2008, Chương trình đã trải qua 2 giai đoạn (1992 - 2003 và 2004 - 2010), với 6 lần điều chỉnh nâng mức chuẩn nghèo cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Từ 121.722 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 17% tổng số hộ dân thành phố vào năm 1992, đến năm 1995, thành phố đã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 13,5%. Năm 2003, khi kết thúc giai đoạn 1, số hộ nghèo chỉ còn 1.655 hộ, chiếm 0,15%; hoàn thành mục tiêu trước thời hạn 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VII. Năm 2004, thành phố tiếp tục triển khai Chương trình Xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2 theo lộ trình 2 bước, tiêu chí hộ nghèo cũng được nâng cao hơn - thu nhập bình quân dưới 6 triệu đồng/người/năm không phân biệt khu vực nội thành và ngoại thành; với mục tiêu là cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm 2010. Qua 5 năm triển khai giai đoạn 2, tổng số hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm từ 89.090 hộ vào đầu năm 2004 chỉ còn 2.754 hộ vào cuối năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,72% xuống chỉ còn 0,2%; đưa thành phố hoàn thành mục tiêu “cơ bản không còn hộ nghèo” trước hạn 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần VIII đề ra. Cùng với việc nâng cao thu nhập, điều kiện sống của người nghèo nói riêng và nhân dân thành phố nói chung ngày càng được cải thiện thông qua các chương trình, công trình, dự án đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các chế độ, chính sách an sinh xã hội khác.

Mười sáu năm qua, nhờ có Chương trình này, hơn 200 nghìn hộ nghèo của thành phố (gồm 127.856 hộ trong giai đoạn 1 và 75.818 hộ trong giai đoạn 2) đã được hỗ trợ trực tiếp, tự vươn lên thoát khỏi đói nghèo và tiếp cận cơ hội làm ăn khá giả; bộ mặt của các xã - phường nghèo ngày càng được đổi thay theo hướng tích cực hơn. Hiệu quả của Chương trình Xóa đói giảm nghèo của thành phố không chỉ đơn thuần mang tính an sinh xã hội mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trên nhiều lĩnh vực, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Chương trình đã thể hiện rõ nét bản chất tốt đẹp và tính ưu việt của chế độ ta, là minh chứng cụ thể về phẩm chất chính trị của Đảng bộ và chính quyền thành phố, kiên định và nhất quán trong mục tiêu chăm lo cho nhân dân, vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho sự phát triển chung của thành phố. Những kết quả và kinh nghiệm thực tiễn của 16 năm thực hiện Chương trình Xóa đói giảm nghèo càng cho thấy vai trò quan trọng của công cuộc giảm nghèo trong việc thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy có hiệu quả các nguồn lực trong nước và nước ngoài, đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh đồng thời với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, khuyến khích làm giàu hợp pháp, tạo công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, có thể nói những thành tựu giảm nghèo đạt được trong thời gian qua cũng mới chỉ ở bước đầu. Chuẩn nghèo theo tiêu chí của thành phố với mức bình quân thu nhập dưới 6 triệu đồng/người/năm (500 nghìn đồng/người/tháng; 16 nghìn đồng/người/ngày), mặc dù cao gấp 2 lần mức chuẩn nghèo của cả nước (thu nhập bình quân dưới 2,4 triệu đồng/người/năm ở khu vực nông thôn và dưới 3,12 triệu đồng/người/năm ở khu vực thành thị), nhưng so với thời điểm hiện nay, cũng chỉ có thể đáp ứng nhu cầu của một người ở mức tối thiểu, tức là chỉ đủ trang trải cho nhu cầu ăn; không đủ trang trải các chi phí khác, kể cả ốm đau, bệnh tật, học hành. Các cơ chế chính sách để hỗ trợ cho người nghèo tuy đã và đang được triển khai thực hiện, song có nơi có lúc còn chưa thống nhất, đồng bộ; chưa thích ứng với điều kiện cụ thể của một số địa phương trong từng giai đoạn và cũng chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Những tác động xã hội ảnh hưởng đến công cuộc giảm nghèo sau khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cùng với mặt trái của kinh tế thị trường đang dần bộc lộ và tác động trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân thành phố. Đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế, cùng những hệ quả tiêu cực từ cuối năm 2007, trong năm 2008 và năm 2009 sẽ tiếp tục ảnh hưởng không thuận lợi đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, đời sống của nhân dân; thu nhập của một bộ phận đáng kể người dân đang ở mức cận nghèo và dễ bị tác động do thiên tai, dịch bệnh, mất việc làm. Sức khỏe kém, trình độ học vấn thấp càng làm cho người nghèo khó có khả năng vươn lên thoát nghèo. Việc sắp xếp, củng cố, đổi mới doanh nghiệp nhà nước cùng với quá trình cạnh tranh trong kinh tế thị trường, điều chuyển thị trường lao động sẽ tiếp tục tạo ra nhiều lao động dôi dư, tăng sức ép việc làm. Vấn đề tái nghèo, phát sinh hộ nghèo mới và thất nghiệp sẽ tăng lên; diện chính sách và cán bộ công nhân viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang và người lao động làm công ăn lương sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trước.

Chính vì thế, việc chăm lo cho dân nghèo trong bối cảnh hiện nay không đơn thuần chỉ là thực hiện “một cam kết có tính lịch sử”, mà còn là việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của Đảng ta, một “Đảng cách mạng luôn nhận mình đứng về phía nhân dân, tất cả vì nhân dân lao động”. Thực hiện cam kết này không chỉ căn cứ vào những chính sách trực tiếp, trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá thấu đáo những tác động của cơ chế, chính sách đó đối với các tầng lớp dân nghèo; mà còn phải xuất phát từ tình dân tộc, nghĩa đồng bào; đòi hỏi cả tấm lòng và trách nhiệm, sự chung tay góp sức của toàn Đảng bộ, chính quyền và tất cả các tầng lớp nhân dân.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII đã đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 5 năm 2006 - 2010 là “Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế”, “Phát huy thành quả các chương trình xã hội”, “phấn đấu đến năm 2010 cơ bản xóa hộ nghèo theo tiêu chí mới của thành phố”. Đến nay, thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ này. Tuy nhiên, thực tế công cuộc giảm nghèo của thành phố đang đòi hỏi chương trình phải được tiếp tục nâng cao hơn một bước về chất lượng và hiệu quả, đảm bảo phù hợp với thực tiễn thành phố, nhất là trong điều kiện phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ những kết quả và kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chương trình Xóa đói giảm nghèo thành phố 16 năm qua (1992 - 2008); ngay sau khi về trước 2 năm các mục tiêu xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2004 - 2010 vào cuối năm 2008, thành phố Hồ Chí Minh chuyển sang tổ chức triển khai ngay Chương trình Giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015. Đây là Chương trình kế thừa và phát huy những thành quả tích cực đạt được từ Chương trình Xóa đói giảm nghèo những năm qua, đồng thời nâng mục tiêu Chương trình Xóa đói giảm nghèo lên một bước tiến mới cao hơn, xa hơn; đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giảm hộ nghèo, tăng dần hộ khá giả trên tổng số hộ dân toàn thành phố; phấn đấu hoàn thành với kết quả cao nhất các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố 5 năm 2006 - 2010 và 2011 - 2015; góp phần giành nhiều thắng lợi hơn nữa trong mục tiêu vì sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

I. DỰ BÁO TÌNH HÌNH, NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC:

1. Dự báo tình hình và bối cảnh tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020:

- Dự báo tăng trưởng GDP của thành phố có khả năng đạt mức tăng bình quân 12%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010, 11%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015; tổng kim ngạch xuất khẩu (không kể dầu thô) đạt 11 tỷ USD (năm 2010) và 26 tỷ USD (năm 2015). Thành phố phấn đấu đạt mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.500 USD/người/năm vào năm 2010 và 6.000 USD/người/năm vào năm 2020.

- Cơ cấu lao động trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng, thương mại dịch vụ lần lượt là 2%; 36% và 62%; bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 230.000 - 240.000 lao động; trong đó có 120.000 - 150.000 việc làm mới. Tỷ lệ lao động chưa có việc làm giảm từ 5,5% vào năm 2008 giảm xuống còn 5% vào năm 2010 và 4% vào năm 2020.

- Thành phố đang tập trung đầu tư, chỉnh trang đô thị hiện hữu và mở rộng đô thị mới nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng một đô thị cấp quốc gia với quy mô dân số khoảng 7,2 triệu người vào năm 2010 và 10 triệu người vào năm 2020 (chưa tính vãng lai, trong đó hơn 90% là dân số đô thị); cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội văn minh hiện đại, bảo đảm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/BCT và Nghị quyết số 53-NQ/TW của Bộ Chính trị; tạo tiền đề mở rộng không gian đô thị thành phố theo quy mô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020. Đã hình thành các khu đô thị vệ tinh như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị Tây Bắc, Khu Công nghệ cao thành phố, Khu Nam thành phố. Hiện thành phố đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm và triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị khối lượng lớn như các tuyến metro, monorail, tramway nhằm giảm bớt áp lực giao thông khu vực nội đô. Về nguồn nhân lực, thành phố có lợi thế trên cả 3 lực lượng đội ngũ khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề và đội ngũ doanh nhân. Các nguồn vốn huy động thông qua thị trường vốn trên địa bàn thành phố chiếm 1/3 tổng nguồn vốn huy động của cả nước.

- Thành phố Hồ Chí Minh có truyền thống năng động, sáng tạo, nhạy bén với cơ chế thị trường, là nơi khởi xướng và đi đầu trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, kể cả các phong trào có tính chất xã hội, từ thiện. Từ thực tiễn của thành phố Hồ Chí Minh, nhiều kinh nghiệm, nhiều sáng kiến về cơ chế quản lý và chính sách trong tiến trình đổi mới đã được thử nghiệm, vận dụng và tiếp tục nhân rộng, được đúc kết để xây dựng thành chính sách, cơ chế chung. Những đóng góp về tìm tòi, sáng tạo, thí điểm cơ chế mới của thành phố Hồ Chí Minh cũng đã góp phần hình thành đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng, đồng thời rút kinh nghiệm cho cả nước.

- Mặc dù vậy, bên cạnh đó, điều kiện hạ tầng kỹ thuật và xã hội của thành phố còn bất cập so với yêu cầu tăng trưởng kinh tế và cải thiện dân sinh, đang đòi hỏi nguồn đầu tư rất lớn, nhất là lĩnh vực giao thông, cấp thoát nước, xử lý rác và bảo vệ môi trường; việc tăng nhanh dân số cơ học, tệ nạn xã hội, trình độ văn hóa của thị dân cũng là vấn đề lớn trong phát triển đô thị, đòi hỏi phải bảo đảm cân đối, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

[...]