Quyết định 22/2010/QĐ-UBND ban hành Đề án hỗ trợ đào tạo đại học, sau đại học dành cho học sinh, sinh viên, học viên tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2010-2015

Số hiệu 22/2010/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/04/2010
Ngày có hiệu lực 02/05/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký Nguyễn Văn Nên
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2010/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 22 tháng 4 năm 2010

BAN HÀNH ĐỀ ÁN HỖ TRỢ ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC, SAU ĐẠI HỌC DÀNH CHO HỌC SINH, SINH VIÊN, HỌC VIÊN TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2010-2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP, ngày 06/6/2003 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 54/2006/NĐ-CP, ngày 26/5/2006 của Chính phủ Quy định về chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ;

Căn cứ Nghị quyết số 06/2010/NQ-HĐND, ngày 23/3/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh về chính sách hỗ trợ đào tạo đại học, sau đại học dành cho học sinh, sinh viên, học viên tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2010-2015;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 119/TTr-SNV, ngày 16 tháng 4 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án hỗ trợ đào tạo đại học, sau đại học dành cho học sinh, sinh viên, học viên tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2010-2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Nên

 

ĐỀ ÁN

HỖ TRỢ ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC, SAU ĐẠI HỌC DÀNH CHO HỌC SINH, SINH VIÊN, HỌC VIÊN TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2010 – 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số22/2010/QĐ-UBND, Ngày 22/4/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh

A. THỰC TRẠNG VỀ NGUỒN HỌC SINH, SINH VIÊN VÀ CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO THU HÚT NHÂN TÀI CỦA TỈNH

I. Về học sinh phổ thông

Theo số liệu thống kê trong 05 năm trở lại đây, hàng năm tỉnh có khoảng trên dưới một trăm học sinh tốt nghiệp loại khá, giỏi hoặc trúng tuyển vào các trường đại học trọng điểm như Đại học Bách Khoa, Đại học Y dược, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Xã hội đạt từ 24 điểm trở lên.

II. Về đội ngũ sinh viên của tỉnh

Có nhiều học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông trúng tuyển đại học ở các ngành mà tỉnh có nhu cầu đã được gia đình tạo điều kiện về vật chất, Nhà nước không ngừng quan tâm khuyến khích về mặt tinh thần và có kết quả học tập khá, giỏi trong các trường đại học nhưng khi tốt nghiệp ra trường rất ít trường hợp về địa phương công tác.

III. Về chính sách:

Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có nhiều giải pháp để thu hút đội ngũ sinh viên của tỉnh về địa phương công tác, cụ thể đã ban hành Quyết định 167/2001/QĐ-UB, ngày 28/3/2001 về việc ban hành Quy định tạm thời về chính sách đào tạo và thu hút nhân tài; Quyết định 09/2007/QĐ-UBND, ngày 14/5/2007, Quyết định số 48/2007/QĐ-UBND, ngày 20/12/2007 và Quyết định số 01/2010/QĐ-UBND, ngày 15/01/2010 ban hành Quy định về chính sách đào tạo và thu hút nhân tài; hàng năm tổ chức họp mặt giữa lãnh đạo tỉnh và đội ngũ sinh viên của tỉnh đang học trong các trường đại học trong và ngoài nước, tiếp nhận những sinh viên có trình độ đại học tạo nguồn ở các cơ quan của tỉnh, huyện và các xã, phường, thị trấn.

IV. Đánh giá chung:

Trong những năm qua Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có sự quan tâm, đầu tư thích đáng cho công tác giáo dục và đào tạo, tạo được những điều kiện thuận lợi nhất trong học tập của học sinh. Các thầy, cô giáo không quản ngại khó khăn ra sức giảng dạy cùng với sự nỗ lực học tập của học sinh nên số học sinh của tỉnh trúng tuyển và tốt nghiệp đại học ra trường hàng năm đều tăng và nhiều trường hợp có năng lực tốt, ngang tầm đội ngũ này ở các thành phố lớn và đạt cấp quốc gia. Xét về nguồn nhân lực này thì tỉnh ta không thiếu và tỉnh cũng đã có chính sách để thu hút nhưng do các điều kiện kinh tế riêng của cá nhân hoặc do môi trường làm việc ở thành phố có sức hấp dẫn hơn nên số sinh viên tốt nghiệp ra trường về tỉnh công tác còn ít.

B. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nói chung, việc đào tạo, tạo nguồn cho cán bộ, công chức, viên chức để bổ sung nguồn nhân lực có trình độ cho khu vực quản lý công, đáp ứng nhu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà cũng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách.

[...]