Quyết định 2172/QĐ-UBND năm 2020 phê duyệt Kế hoạch sửa chữa đường tỉnh, đường huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn năm 2021-2025

Số hiệu 2172/QĐ-UBND
Ngày ban hành 23/10/2020
Ngày có hiệu lực 23/10/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lương Trọng Quỳnh
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2172/QĐ-UBND

Lạng Sơn, ngày 23 tháng 10 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH SỬA CHỮA ĐƯỜNG TỈNH, ĐƯỜNG HUYỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN, GIAI ĐOẠN NĂM 2021 - 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT ngày 07/06/2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường bộ;

Căn cứ Quyết định số 33/2015/QĐ-UBND ngày 18/11/2015 của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ địa phương tỉnh Lạng Sơn;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 2731/TTr- SGTVT ngày 15/10/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch sửa chữa đường tỉnh, đường huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn năm 2021 - 2025 với những nội dung sau:

1. Mục tiêu

Sửa chữa các tuyến đường tỉnh, đường huyện trên địa bàn tỉnh nhằm khôi phục lai tình trạng kỹ thuật của đường, duy trì và nâng cao khả năng khai thác của tuyến đường, đáp ứng nhu cầu cầu đi lại của Nhân dân, đảm bảo ATGT, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

2. Phương án sửa chữa

2.1. Giải pháp sửa chữa

Do tính chất công trình chỉ thực hiện sửa chữa trên nền, mặt đường cũ, nên không thực hiện giải phóng mặt bằng. Ngoài các biện pháp sửa chữa truyền thống, ưu tiên áp dụng các công nghệ mới để sửa chữa nền, mặt đường đảm bảo khôi phục lại tình trạng kỹ thuật của đường, kinh phí phù hợp. Các giải pháp cụ thể như sau:

2.1.1. Sửa chữa mặt đường bê tông nhựa:

Cắt mặt, đào bỏ mặt đường bị hư hỏng, vận chuyển đổ đi; đào khuôn đường, xây dựng lớp móng đá dăm nước hoặc cấp phối đá dăm. Thảm lớp BTNC19 hoàn trả mặt đường, sửa chữa hệ thống thoát nước, ATGT.

Suất đầu tư dự kiến: 2.200 triệu đồng/1Km.

2.1.2. Sửa chữa mặt đường láng nhựa, mặt đường cấp phối bị hư hỏng: áp dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại chỗ, sau đó láng nhựa nhũ tương mặt đường, sửa chữa hệ thống thoát nước, ATGT.

Suất đầu tư dự kiến: 1.500 triệu đồng/1Km.

2.1.3. Các tuyến đường đất: Gia cố nền đường bằng tro bay, tro xỉ, láng nhựa nhũ tương mặt đường, sửa chữa hệ thống thoát nước, ATGT.

Suất đầu tư dự kiến: 900 triệu đồng/1Km.

2.2. Về nguồn vốn

- Nguồn vốn: Ngân sách chi cho công tác bảo trì đường bộ địa phương được phân bổ từ Trung ương (trước đây là nguồn Quỹ bảo trì đường bộ), nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hằng năm từ ngân sách tỉnh, ngân sách huyện (chi sự nghiệp giao thông có tính chất đầu tư), các nguồn vốn khác.

- Cơ cấu phân bổ vốn:

+ Đối với hệ thống đường tỉnh: Ngân sách chi cho công tác bảo trì đường bộ địa phương được phân bổ từ trung ương (bố trí khoảng 70% trên tổng số được giao), nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hằng năm từ ngân sách tỉnh, (chi sự nghiệp giao thông có tính chất đầu tư), các nguồn vốn khác thuộc ngân sách tỉnh.

+ Đối với hệ thống đường huyện: Ngân sách chi cho công tác bảo trì đường bộ địa phương được phân bổ từ trung ương (bố trí khoảng 30% trên tổng số được giao), nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hằng năm từ ngân sách huyện (chi sự nghiệp giao thông có tính chất đầu tư), các nguồn vốn khác thuộc ngân sách huyện.

[...]