QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ, KHAI
THÁC VÀ BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ ĐỊA PHƯƠNG TỈNH LẠNG SƠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33 /2015/QĐ-UBND
ngày 18/11/2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn)
Chương
I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy
định này quy định việc quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ địa
phương tỉnh Lạng Sơn, bao gồm: Đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường chuyên dùng, đường
tuần tra biên giới, đường nội bộ khu vực cửa khẩu,
các khu chức năng của khu kinh tế cửa khẩu và các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.
Việc quản
lý, vận hành khai thác đường giao thông nông thôn thực hiện theo Thông tư số
12/2014/TT-BGTVT ngày 29/4/2014 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn về quản lý,
vận hành khai thác cầu trên đường giao thông nông thôn và Thông tư số
32/2014/TT-BGTVT ngày 08/8/2014 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn về quản lý,
vận hành khai thác đường giao thông nông thôn.
2. Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá
nhân có liên quan đến công tác quản lý, khai thác và bảo trì mạng lưới đường
tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường chuyên dùng, đường tuần tra
biên giới, đường nội bộ khu vực cửa khẩu, các khu chức
năng của khu kinh tế cửa khẩu và các khu, cụm công nghiệp của tỉnh trên địa
bàn tỉnh Lạng Sơn.
Điều 2. Yêu cầu, nội dung về quản lý, bảo trì công
trình đường bộ
1. Yêu cầu về quản lý, bảo trì công trình đường bộ thực hiện theo quy
định tại Điều 3 Thông tư số 52/2013/TT-BGTVT ngày 12/12/2013 của Bộ Giao thông
vận tải quy định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ (sau đây
viết tắt là Thông tư số 52/2013/TT-BGTVT).
2. Nội dung bảo trì công trình đường bộ bao gồm một, một số hoặc
toàn bộ các công việc sau: Kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, bảo dưỡng
và sửa chữa công trình đường bộ thực hiện theo
quy định tại Điều 4, Thông tư số 52/2013/TT-BGTVT.
Chương
II
QUẢN LÝ, BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ
Điều 3. Phân cấp về công tác quản lý, bảo trì
1. Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý, bảo
trì hệ thống đường tỉnh, đường tuần tra biên giới.
2. Ban Quản lý
khu kinh tế của khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì đường nội bộ khu vực cửa
khẩu, các khu chức năng của khu kinh tế cửa khẩu và các khu, cụm công nghiệp
của tỉnh.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì hệ thống đường đô thị;
hệ thống đường huyện trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
4. Ủy ban nhân dân
xã, phường, thị trấn (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì hệ thống
đường xã trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
5. Chủ sở hữu
đường chuyên dùng có trách nhiệm quản lý, bảo trì đối với đường chuyên dùng đảm
bảo an toàn giao thông cho hoạt động chuyên dùng và phục vụ chung cho nhu cầu
đi lại của nhân dân địa phương.
Điều 4. Quy
trình bảo trì và quy trình khai thác công trình đường bộ
1. Việc lập, điều chỉnh Quy trình
bảo trì công trình đường bộ thực hiện theo quy
định tại các Điều 6, 7, 9, 10, 11 Thông tư số 52/2013/TT-BGTVT.
2. Việc thẩm định, phê duyệt Quy
trình bảo trì công trình đường bộ đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình
đường bộ thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP.
3. Trách nhiệm thẩm định, phê
duyệt Quy trình bảo trì công trình đường bộ đối với các công trình đã đưa vào
khai thác nhưng chưa có quy trình bảo trì:
a) Sở Giao thông vận tải tổ
chức thẩm định, phê duyệt đối với hệ thống đường tỉnh, đường tuần tra biên giới
do Sở Giao thông vận tải quản lý.
b) Ban quản lý khu kinh tế cửa
khẩu Đồng Đăng – Lang Sơn tổ chức thẩm định, phê duyệt đối với đường nội bộ khu vực cửa khẩu,
các khu chức năng của khu kinh tế cửa khẩu và các khu, cụm công nghiệp của tỉnh
do Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn quản lý.
c) Ủy ban nhân dân cấp huyện
thẩm định, phê duyệt đối với hệ thống đường huyện, đường xã, đường đô thị do Ủy
ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quản lý.
d) Đối với đường chuyên dùng,
chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng chịu trách nhiệm tổ chức lập, thẩm
định và phê duyệt Quy trình bảo trì công trình đường bộ theo quy định của Nghị
định số 114/2010/NĐ-CP và Quy định này.
e) Đối với Quy trình bảo trì
công trình đường bộ thuộc trách nhiệm thẩm định, phê duyệt của Ban quản lý khu
kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lang Sơn và Ủy ban nhân dân cấp huyện, trước khi
phê duyệt phải có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Sở Giao thông vận tải.
f) Tổ chức có trách nhiệm phê
duyệt Quy trình bảo trì công trình đường bộ có thể thuê tư vấn thẩm tra một
phần hoặc toàn bộ Quy trình bảo trì công trình, trước khi phê duyệt.
Điều 5. Nội dung công tác quản lý công trình đường
bộ
Nội dung công tác quản lý công trình đường bộ thực hiện theo quy định tại các Điều 12, 13, 14,
15, 16, 17 Thông tư số 52/2013/TT-BGTVT.
Chương III.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ
Điều 6. Lập, phê duyệt và điều chỉnh kế hoạch bảo
trì công trình đường bộ
1. Lập kế hoạch bảo trì công trình đường bộ có sử dụng vốn Ngân sách nhà nước:
a) Sở Giao thông vận tải là cơ quan đầu mối
tổng hợp, lập kế hoạch bảo trì đường bộ hàng năm, trình Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét, quyết định; chịu trách nhiệm lập kế hoạch bảo trì hệ thống đường tỉnh,
đường tuần tra biên giới.
b) Ban Quản lý khu
kinh tế của khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn chịu trách nhiệm lập kế hoạch bảo trì đối
với hệ thống đường nội bộ khu vực cửa khẩu, các khu chức năng của khu kinh tế cửa khẩu và các
khu, cụm công nghiệp của tỉnh gửi Sở Giao thông vận tải tổng hợp.
c) Ủy ban nhân dân
cấp huyện
chịu trách nhiệm lập kế hoạch bảo trì đối với hệ thống đường huyện, đường đô thị, gửi Sở Giao thông vận tải tổng hợp.
d) Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm lập kế hoạch bảo trì đối với hệ
thống đường xã, gửi Phòng
Kinh tế - hạ tầng huyện (Phòng Quản
lý đô thị thành phố) tổng
hợp.
e) Chủ sở hữu công trình
đường bộ chuyên dùng chịu trách nhiệm lập kế hoạch bảo trì công trình đường bộ
thuộc phạm vi quản lý.
f) Nội dung kế hoạch bảo
trì công trình đường bộ hàng năm bao gồm: Kế hoạch bảo dưỡng thường xuyên công
trình; kế hoạch sửa chữa công trình đường bộ theo từng tuyến
(đoạn tuyến) và các công tác khác (nếu có).
Kế hoạch bảo trì công trình đường bộ phải nêu được đầy
đủ các thông tin sau: Tên công trình, hạng mục công trình chủ yếu; đơn vị, khối
lượng, kinh phí thực hiện; thời gian thực hiện; phương thức thực hiện và mức độ
ưu tiên.
2. Phê duyệt kế hoạch bảo trì:
a) Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch bảo trì đối với hệ thống đường
tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường tuần tra biên giới, đường nội bộ khu vực cửa khẩu, các khu chức năng của khu kinh tế cửa khẩu và
các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.
b) Ủy ban nhân dân huyện, thành phố phê duyệt kế hoạch bảo trì hệ
thống đường xã.
c) Chủ
sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng phê duyệt kế hoạch bảo trì hệ thống
đường thuộc phạm vi quản lý.
3. Trình tự, thủ tục lập, phê duyệt kế hoạch bảo trì:
a) Đối với hệ thống đường tỉnh, đường
huyện, đường đô thị, đường tuần tra biên giới, đường nội bộ khu vực cửa khẩu, các khu chức năng của khu kinh tế cửa khẩu và các
khu, cụm công nghiệp của tỉnh:
Hàng năm, Sở Giao thông vận tải tổng hợp, lập kế hoạch
bảo trì đường bộ trình Ủy ban
nhân dân tỉnh phê duyệt.
Trên cơ sở kế
hoạch bảo trì đường bộ được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt,
Sở Tài chính cân đối ngân sách trình Ủy ban nhân dân tỉnh giao
dự toán chi ngân sách cho Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý
khu kinh tế của khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn
và Ủy ban nhân dân cấp huyện triển khai thực hiện.
b) Đối với hệ thống đường xã:
Hàng năm, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện (Phòng Quản lý đô thị thành phố) tổng
hợp, lập kế hoạch bảo trì hệ thống đường
xã trên địa bàn trình Ủy
ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.
Trên cơ sở kế
hoạch bảo trì đường bộ được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, Phòng Tài
chính - Kế hoạch cân đối ngân sách trình Ủy ban nhân dân cấp huyện giao
dự toán chi ngân sách cho Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai thực hiện.
4. Điều chỉnh kế hoạch bảo trì công trình đường bộ:
a) Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc điều chỉnh kế hoạch bảo trì công trình
đường bộ đối với hệ thống đường tỉnh, đường
huyện, đường đô thị, đường tuần tra biên giới, đường nội bộ khu vực cửa khẩu, các khu chức năng của khu kinh tế cửa khẩu và
các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện điều chỉnh kế hoạch bảo trì hệ thống đường xã.
Điều 7. Thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường
bộ
1. Căn cứ vào kế hoạch bảo trì
công trình đường bộ hàng năm được phê duyệt, Sở
Giao thông vận tải, Ban Quản lý khu kinh tế của khẩu Đồng Đăng – Lạng
Sơn, Ủy ban nhân dân cấp huyện,
Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức triển khai thực hiện theo quy định
tại Nghị định số 114/2010/NĐ-CP và các quy định của pháp luật về quản
lý đầu tư xây dựng.
2. Hội đồng Quản lý quỹ bảo trì đường bộ tỉnh tổ chức kiểm
tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường bộ đối với các
trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này có sử dụng nguồn vốn từ Quỹ
bảo trì đường bộ.
Điều 8. Tổ chức thực hiện bảo trì công trình đường
bộ
1. Tổ chức thực hiện bảo trì
công trình đường bộ thực hiện theo quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25 Thông tư số 52/2013/TT-BGTVT.
2. Công tác bảo dưỡng thường
xuyên:
a) Phương thức thực hiện:
- Đối với
đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường tuần tra biên giới, đường nội bộ khu vực cửa
khẩu, các khu chức năng của khu kinh tế cửa khẩu và các khu, cụm công nghiệp
của tỉnh thực hiện theo phương thức đặt hàng hoặc đấu thầu
dịch vụ công ích. Thời gian thực hiện:
+ Đặt hàng: 01
năm;
+ Đấu thầu: 03
năm đến 05 năm (phê duyệt trong kế hoạch đấu thầu).
- Đối với hệ thống đường xã thực
hiện theo kế hoạch được lập theo quy định tại điểm b, Khoản 3, Điều 6 của Quy định
này.
b) Lập, thẩm định, phê
duyệt dự toán dịch vụ công ích quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đối với đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường tuần tra biên giới, đường nội bộ khu vực cửa khẩu, các khu chức năng của khu kinh tế cửa khẩu và
các khu, cụm công nghiệp của tỉnh:
- Đơn vị được giao quản lý, bảo trì công trình
đường bộ có trách nhiệm lập Dự toán dịch vụ công ích quản lý,
bảo dưỡng thường xuyên đối với hệ thống đường được giao
quản lý.
Dự toán dịch vụ công ích được
lập trên cơ sở hư hỏng thực tế, hạn mức kinh phí được cấp hàng
năm và định mức kinh tế - kỹ thuật hiện
hành.
- Sở Giao thông vận tải có trách
nhiệm thẩm định Dự toán dịch vụ công ích quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, trình Ủy
ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
c) Thực hiện công tác bảo dưỡng
thường xuyên:
- Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý khu kinh tế của khẩu Đồng Đăng – Lạng
Sơn, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức đặt hàng hoặc đấu
thầu dịch công ích công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ đối với
các tuyến đường được giao quản lý
- Sở Giao thông vận tải hướng dẫn
yêu cầu kỹ thuật, chất lượng nghiệm thu, nội dung nghiệm thu theo chất lượng
thực hiện bảo dưỡng thường xuyên.
3. Công tác sửa chữa định kỳ:
Chủ đầu tư tổ chức lập, trình thẩm
định và phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc dự án
đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.
4. Công tác sửa chữa đột xuất:
a) Công tác khắc phục hậu quả
bão lũ:
Thực hiện theo quy định tại
Thông tư số 30/2010/TT-BGTVT ngày 01/10/2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định
về phòng chống và khắc phục hậu quả lụt bão trong ngành đường bộ.
b) Khắc phục hậu quả do các
nguyên nhân đột xuất khác:
Khi xảy ra thiệt hại do các
nguyên nhân đột xuất khác, đơn vị quản lý đường bộ phải thực hiện ngay việc
khắc phục, đảm bảo giao thông một cách nhanh nhất. Trình tự, thủ tục lập tương
tự như quy định về khắc phục hậu quả bão lũ bước 1 tại Thông tư số
30/2010/TT-BGTVT ngày 01/10/2010 của Bộ Giao thông vận tải.
Điều 9. Chế độ báo cáo thực hiện công tác bảo
trì
1. Sở Giao thông vận tải tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện kế hoạch bảo trì công trình
đường bộ địa phương trên địa bàn tỉnh định kỳ hàng năm trước ngày 08 tháng
01 của năm tiếp theo.
2. Đối với hệ thống đường bộ do Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng
Đăng – Lạng Sơn quản lý, việc báo cáo thực hiện như sau:
a) Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu
Đồng Đăng – Lạng Sơn báo cáo Sở Giao thông vận tải kết quả thực hiện kế hoạch
bảo trì công trình đường bộ đối với các tuyến đường trong phạm vi quản lý định
kỳ hàng năm trước ngày 05 tháng 01 của năm tiếp theo.
b) Nhà thầu quản lý, bảo dưỡng công trình báo cáo Sở
Giao thông vận tải, Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu
Đồng Đăng – Lạng Sơn kết quả thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường bộ
định kỳ báo cáo quý trước ngày 25 của tháng cuối quý, báo cáo hàng năm trước
ngày 31 tháng 12.
3. Đối với hệ thống đường
do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý:
Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện, phòng Quản
lý đô thị thành phố tổng hợp, báo cáo Sở Giao thông vận tải kết quả thực
hiện kế hoạch bảo trì công trình đường bộ đối với hệ thống đường
huyện, đường xã, đường đô thị do Ủy
ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã quản
lý định kỳ hàng năm trước ngày 05 tháng 01 của năm tiếp theo.
4. Đối với hệ thống đường
do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý:
Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện và Phòng Kinh tế – Hạ tầng, Phòng Quản lý đô thị kết quả thực hiện kế hoạch bảo trì
công trình đường bộ đối với các tuyến đường trong phạm vi quản lý định kỳ hàng
năm trước ngày 31 tháng 12;
5. Chủ sở hữu
công trình đường bộ chuyên dùng báo cáo Sở Giao thông vận tải định kỳ hàng năm về
tình hình bảo trì đường chuyên dùng trước ngày 05 tháng 01 của năm tiếp theo.
6. Ngoài báo cáo định kỳ
theo quy định, cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm báo cáo đột xuất
khi có sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đến công trình đường bộ hoặc theo yêu cầu
của cơ quan có thẩm quyền.
7. Nội dung báo cáo phải
nêu đầy đủ các thông tin sau: Tên công trình, hạng mục công trình thực hiện;
khối lượng và kinh phí thực hiện; thời gian hoàn thành; những điều chỉnh, phát
sinh so với kế hoạch được duyệt; đánh giá kết quả thực hiện theo kế hoạch được
duyệt; đề xuất và kiến nghị trong quá trình thực hiện công tác bảo trì công
trình đường bộ.
Điều 10. Nguồn kinh phí quản lý, bảo trì công trình
đường bộ
Được hỗ trợ từ ngân sách tỉnh,
nguồn thu từ quỹ bảo trì đường bộ; được bố trí từ nguồn ngân sách huyện; nguồn
từ bán quyền thu phí sử dụng, cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời
hạn tài sản hạ tầng đường bộ; huy động đóng góp của nhân
dân và các nguồn vốn khác .
Chương
IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Khen thưởng
Những tổ chức và cá nhân được khen thưởng theo quy
định khi có các thành tích sau
đây:
1. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo trì công
trình đường bộ trong tỉnh.
2. Đóng góp công sức, của cải vật chất vào việc xây
dựng và bảo vệ công trình đường bộ trong tỉnh.
3. Phát hiện, tố giác và ngăn chặn hành vi xâm hại,
phá hoại công trình giao thông đường bộ, hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép
hành lang an toàn đường bộ.
Điều 12. Xử lý vi phạm
1. Trách nhiệm, thẩm quyền, công tác phối hợp trong xử lý vi phạm về bảo vệ
công trình đường bộ thực hiện theo Quy định về quản lý
và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng
Sơn ban hành kèm theo Quyết định số 05/2014/QĐ-UBND ngày 21/4/2014 của Ủy
ban nhân dân tỉnh.
2. Các hành
vi vi phạm về bảo vệ công trình giao thông, nếu gây thiệt hại phải bồi thường
và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Tổ chức thực hiện
1. Sở Giao thông vận tải có
trách nhiệm hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật, chất lượng nghiệm thu, nội dung nghiệm
thu theo chất lượng thực hiện bảo dưỡng thường xuyên.
2. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố:
a) Chỉ đạo, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp xã
thực hiện quản lý, bảo trì hệ thống đường xã.
b) Chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng (Phòng Quản lý đô
thị) tổng hợp tình hình quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường đô thị,
đường xã báo cáo Sở Giao thông vận tải theo quy định.
4. Ủy ban nhân dân cấp xã:
a) Tổ chức thực hiện quản lý, bảo trì các tuyến đường
xã theo phân cấp quản lý;
b) Tổng hợp tình hình quản lý, bảo trì mạng lưới giao thông đường bộ trong phạm vi quản lý báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện và
Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Quản lý đô thị theo quy định.
5. Nhà thầu quản lý, bảo trì công trình:
a) Thực hiện việc quản lý, bảo trì công trình đường bộ
được giao theo Quy định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
b) Báo cáo cơ quan quản lý đường bộ
(hoặc chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng) về tình hình thực hiện quản lý, bảo trì công trình
đường bộ theo quy định.
6. Chủ sở
hữu công trình đường bộ chuyên dùng:
a) Chịu
trách nhiệm trước cơ quan quản lý
đường bộ và các cơ quan nhà nước có
thẩm quyền trong việc tổ chức quản lý, bảo trì công
trình đường bộ do mình quản lý, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt và đúng
quy định của pháp luật.
b) Chấp
hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền và thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định này, quy định của pháp
luật có liên quan.
7. Chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng dự án cải
tạo, nâng cấp, mở rộng đường bộ đang khai thác:
a) Bảo trì công trình đường bộ kể từ ngày nhận bàn
giao đến khi hoàn thành dự án.
b) Thực hiện các biện pháp đảm bảo giao thông, trực
đảm bảo giao thông, tham gia xử lý khi có tai nạn giao thông và sự cố công
trình theo Quy định này và quy định của pháp luật có liên quan.
c) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý đường bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện quy định này và
quy định của pháp luật có liên quan.
8. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn,
vướng mắc, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan phản ánh trực tiếp về Sở Giao thông vận tải để tổng
hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, kịp
thời sửa đổi, bổ sung./.