Quyết định 2153/QĐ-UBND năm 2015 về Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 2153/QĐ-UBND
Ngày ban hành 25/08/2015
Ngày có hiệu lực 25/08/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Dương Ngọc Long
Lĩnh vực Thương mại,Xây dựng - Đô thị

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2153/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 25 tháng 8 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG TỈNH THÁI NGUYÊN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; Số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/02/2008 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 11/2/2006;

Căn cứ Quyết định số 228/QĐ-TTg ngày 25/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Cầu đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 260/QĐ-TTg ngày 27/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 932/NQ-UBTVQH13 ngày 15/5/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Phổ Yên và 04 phường thuộc thị xã Phổ Yên, điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên để thành lập phường Lương Sơn thuộc thị xã Sông Công và thành lập thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên;

Căn cứ Nghị quyết số 71/2015/NQ-HĐND ngày 12/5/2015 của HĐND tỉnh Thái Nguyên về việc thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 652/SXD-TTr ngày 08/6/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chính như sau:

I. Tên quy hoạch: Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

II. Phạm vi quy hoạch: Quy hoạch được lập dựa trên sự liên kết giữa tỉnh Thái Nguyên với vùng Thủ đô Hà Nội, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Phạm vi lập quy hoạch: Toàn bộ tỉnh Thái Nguyên có vị trí tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Bắc Kạn, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Bắc Giang.

III. Mục tiêu tổng quát

Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung của tỉnh, giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, đồng thời từng bước xây dựng và hoàn thiện các hạ tầng khác nhằm hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tương đối đồng bộ đảm bảo khai thác hiệu quả các thế mạnh của địa phương, tận dụng tốt các cơ hội phát triển để tăng trưởng nhanh, bền vững, mở rộng các liên kết kinh tế vùng và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển tỉnh Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

IV. Tầm nhìn đến năm 2030

Đến năm 2030, Thái Nguyên là tỉnh công nghiệp có nền kinh tế tiên tiến, hiện đại gắn với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, liên hoàn, hợp lý, hiện đại, kết nối với hệ thống giao thông quốc gia và quốc tế. Từng bước áp dụng vận tải đa phương thức, vận tải hành khách công cộng theo hướng hiện đại, văn minh, tiện lợi và an toàn. Hệ thống cấp điện, cấp nước, thủy lợi an toàn, hiện đại, đồng bộ đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Kết cấu hạ tầng các khu vực kinh tế trọng điểm như Khu công nghiệp, Khu công nghiệp – đô thị, Khu dân cư tập trung đạt trình độ quốc tế tại thời điểm hiện tại. Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông hiện đại, an toàn và có dung lượng lớn, tốc độ cao, phủ sóng rộng đến vùng sâu, vùng xa. Phát triển hạ tầng phục vụ các hoạt động du lịch, đặc biệt quan tâm đến các địa bàn tập trung. Hệ thống hạ tầng xã hội được quy hoạch bài bản và xây dựng có trật tự, đảm bảo chức năng là trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao của vùng.

V. Mục tiêu phát triển hạ tầng đến năm 2020

1. Mục tiêu phát triển các ngành và lĩnh vực hạ tầng then chốt

1.1. Hạ tầng giao thông: Phát triển hạ tầng giao thông đi trước một bước làm tiền đề và làm động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông toàn vùng phía Bắc, tạo huyết mạch thông suốt kết nối hiệu quả với vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Chú trọng các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Đồng thời đầu tư xây dựng hệ thống trung chuyển để điều hòa lưu lượng hàng hóa, giảm tải lưu lượng xe trên các tuyến.

1.2. Hạ tầng ngành nước: Phát triển hạ tầng ngành nước theo hướng tăng dự trữ nguồn nước cho mùa khô, thông qua việc cải tạo nâng cấp một số hồ đập trọng yếu. Tăng cường công tác điều hòa nguồn nước cho hạ du, thông qua việc xây mới các hồ chứa có tầm quan trọng đối với khu vực; cải thiện việc điều hòa bằng cách nâng cao mực nước dâng bình thường của hồ Núi Cốc; sửa đổi quy trình vận hành đơn hồ (Núi Cốc) thành liên hồ (Núi Cốc + Nghinh Tường) điều hòa nguồn nước cho hạ du. Phát huy các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, cải thiện hệ thống kênh mương, thay thế thiết bị trạm bơm và tăng cường sự tham gia của người dân trong quản lý tưới.

1.3. Hạ tầng khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực: Tăng cường cơ sở vật chất, đồng bộ hoá, chuẩn hoá mạng lưới giáo dục và dạy nghề theo hướng hiện đại. Xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Đầu tư chiều sâu để nâng cấp Đại học Thái Nguyên trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao. Xây dựng và phát triển 3-5 trường dạy nghề chất lượng cao (trong đó có 3-4 Trường cao đẳng nghề) để đào tạo công nhân kỹ thuật có đủ năng lực tiếp nhận công nghệ tiên tiến về lĩnh vực công nghệ sinh học, điện tử, công nghệ thông tin ... Khuyến khích phát triển đào tạo nghề trong các doanh nghiệp.

1.4. Hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp - đô thị

* Hạ tầng đô thị

- Ưu tiên đầu tư xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành đô thị cấp vùng, có hệ thống hạ tầng tương xứng với hạ tầng đô thị loại I; xây dựng hệ thống hạ tầng thành phố Sông Công tương xứng với cấp thành phố và thị xã Phổ Yên tương xứng với cấp thị xã công nghiệp; hình thành thị xã Núi Cốc, Khu đô thị Yên Bình (Tổ hợp khu công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và dịch vụ Yên Bình). Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang các đô thị cấp huyện trong đó các thị trấn Hùng Sơn, Đu, Chùa Hang - Hóa Thượng, Hương Sơn lên đô thị loại IV trước năm 2020. Quy hoạch phát triển hạ tầng các đô thị mới: Đô thị La Hiên - Quang Sơn, thị xã Núi Cốc, Yên Lãng và Trung Hội. Hoàn chỉnh hệ thống giao thông đô thị, đảm bảo kết nối tốt với các quốc lộ thuộc địa bàn các tỉnh cận kề. Đường đô thị đấu nối hợp lý vào các tuyến đường đối ngoại.

- Đảm bảo đáp ứng nhu cầu về nước sạch của đô thị toàn tỉnh về số lượng và chất lượng, hạn chế khai thác nước ngầm. Các đô thị và khu đô thị tại các huyện kết hợp sử dụng nước ngầm và nước mặt của mạng lưới cấp nước khu vực. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nằm trong vị trí đất đô thị được cấp nước chung với mạng lưới cấp nước đô thị.

[...]