Nghị quyết 71/2015/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 71/2015/NQ-HĐND
Ngày ban hành 12/05/2015
Ngày có hiệu lực 17/05/2015
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Vũ Hồng Bắc
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 71/2015/NQ-HĐND

Thái Nguyên, ngày 12 tháng 5 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG TỈNH THÁI NGUYÊN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
KHÓA XII, KỲ HỌP THỨ 12 (KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/02/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 11/02/2006;

Căn cứ Quyết định số 260/QĐ-TTg ngày 27/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét Tờ trình số 22/TTr-UBND ngày 25/3/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Có tóm tắt quy hoạch kèm theo).

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Kinh tế và Ngân sách, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XII, kỳ họp thứ 12 (Kỳ họp chuyên đề) thông qua ngày 07 tháng 5 năm 2015./.

 

 

Nơi nhận:
- UBTV Quốc hội (báo cáo);
- Chính phủ (báo cáo);
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Bộ Tài chính (báo cáo);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh Thái Nguyên
- Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên;
- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên
- Các vị ĐB HĐND tỉnh khóa XII;
- Tòa án nhân dân tỉnh;
- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh;
- Kiểm toán Nhà nước khu vực X;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- Ban chỉ đạo GPMB tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Văn phòng Điều phối CT XD NTM tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Các phòng nghiệp vụ thuộc VP;
- Các CV phòng công tác HĐND;
- Báo T.Nguyên, TT. Thông tin tỉnh (để đưa tin);
- Lưu VT.

CHỦ TỊCH




Vũ Hồng Bắc

 

TÓM TẮT

QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG TỈNH THÁI NGUYÊN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Nghị quyết số: 71/2015/NQ-HĐND ngày …/5/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên)

I. Mục tiêu tổng quát

Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung của tỉnh, giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, đồng thời từng bước xây dựng và hoàn thiện các hạ tầng khác nhằm hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tương đối đồng bộ đảm bảo khai thác hiệu quả các thế mạnh của địa phương, tận dụng tốt các cơ hội phát triển để tăng trưởng nhanh, bền vững, mở rộng các liên kết kinh tế vùng và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển tỉnh Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

II. Tầm nhìn đến năm 2030

Đến năm 2030, Thái Nguyên là tỉnh công nghiệp có nền kinh tế tiên tiến, hiện đại gắn với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, liên hoàn, hợp lý, hiện đại, kết nối với hệ thống giao thông quốc gia và quốc tế. Từng bước áp dụng vận tải đa phương thức, vận tải hành khách công cộng theo hướng hiện đại, văn minh, tiện lợi và an toàn. Hệ thống cấp điện, cấp nước, thủy lợi an toàn, hiện đại, đồng bộ đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Kết cấu hạ tầng các khu vực kinh tế trọng điểm như Khu công nghiệp, khu công nghiệp - Đô thị, Khu dân cư tập trung đạt trình độ quốc tế tại thời điểm hiện tại. Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông hiện đại, an toàn và có dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ sóng rộng đến vùng sâu, vùng xa. Phát triển hạ tầng phục vụ các hoạt động du lịch, đặc biệt quan tâm các địa bàn tập trung. Hệ thống hạ tầng xã hội được quy hoạch bài bản và xây dựng có trật tự, đảm bảo chức năng là trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao của vùng.

III. Mục tiêu phát triển hạ tầng đến năm 2020

1. Mục tiêu phát triển các ngành và lĩnh vực hạ tầng then chốt

1.1. Hạ tầng giao thông: Phát triển hạ tầng giao thông đi trước một bước làm tiền đề và làm động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội tỉnh, đảm bảo các kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông toàn vùng phía Bắc, tạo huyết mạch thông suốt kết nối hiệu quả với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Chú trọng các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Đồng thời, đầu tư xây dựng hệ thống trung chuyển để điều hòa lưu lượng hàng hóa, giảm tải lưu lượng xe trên các tuyến.

1.2. Hạ tầng ngành nước: Phát triển hạ tầng ngành nước theo hướng tăng dự trữ nguồn nước cho mùa kiệt thông qua việc cải tạo nâng cấp một số hồ đập trọng yếu. Tăng cường công tác điều hòa nguồn nước cho hạ du thông qua việc xây mới các hồ chứa có tầm quan trọng đối với khu vực; cải thiện việc điều hòa bằng nâng cao mực nước dâng bình thường hồ Núi Cốc; sửa đổi quy trình vận hành đơn hồ (Núi Cốc) thành liên hồ (Núi Cốc + Nghinh Tường) điều hòa nguồn nước cho hạ du. Phát huy các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, cải thiện hệ thống kênh mương, thay thế thiết bị trạm bơm và tăng cường sự tham gia của người dân trong quản lý tưới.

1.3. Hạ tầng khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực: Tăng cường cơ sở vật chất, đồng bộ hóa, chuẩn hóa mạng lưới giáo dục và dạy nghề theo hướng hiện đại. Xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Vùng trung du miền núi Bắc bộ. Đầu tư chiều sâu để nâng cấp Đại học Thái Nguyên trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao. Xây dựng và phát triển 3-5 trường dạy nghề chất lượng cao (trong đó có 3 - 4 Trường cao đẳng nghề) để đào tạo công nhân kỹ thuật có đủ năng lực tiếp nhận công nghệ tiên tiến về lĩnh vực công nghệ sinh học, điện tử, công nghệ thông tin... Khuyến khích phát triển đào tạo nghề trong các doanh nghiệp.

[...]