TÒA ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 213/QĐ-TANDTC
|
Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC LA HAY NĂM 1970 VỀ THU THẬP CHỨNG
CỨ Ở NƯỚC NGOÀI TRONG LĨNH VỰC DÂN SỰ HOẶC THƯƠNG MẠI TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN
CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ Luật tổ chức Tòa án nhân
dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật điều ước quốc tế ngày
09 tháng 04 năm 2016;
Căn cứ Quyết định số
70/2020/QĐ-CTN ngày 13/01/2020 của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước La
Hay về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại;
Căn cứ Quyết định số 924/QĐ-TTg
ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện
Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự
hoặc thương mại của Việt Nam;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hợp
tác quốc tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước La Hay năm
1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại tại
Tòa án nhân dân kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Tòa án nhân dân
tối cao, Chánh án các Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương và các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chánh án TANDTC (để báo cáo);
- Các Phó Chánh án TANDTC (để phối hợp chỉ đạo);
- Các Thẩm phán TANDTC (để biết);
- Bộ Tư pháp (để phối hợp);
- Bộ Ngoại giao (để phối hợp);
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao (để phối hợp);
- Trang Tương trợ tư pháp, Cổng TTĐT của TANDTC (để đăng);
- Trang TTĐT của các TAND cấp tỉnh, TAND cấp cao (để đăng);
- Tạp chí Tòa án nhân dân (để đăng);
- Lưu: VT, PLQT, VHTQT (TANDTC).
|
KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN
Nguyễn Văn Du
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC LA HAY NĂM 1970 VỀ THU THẬP CHỨNG CỨ Ở NƯỚC NGOÀI
TRONG LĨNH VỰC DÂN SỰ HOẶC THƯƠNG MẠI TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN
(Kèm theo Quyết định số 213/QĐ-TANDTC ngày 10 tháng 8 năm 2020 của Chánh án
Tòa án nhân dân tối cao)
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Mục tiêu
- Nâng cao năng lực công tác ủy thác
thu thập chứng cứ của Tòa án nhân dân theo quy định của Công ước để giải quyết
hiệu quả, chất lượng các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.
- Chú trọng thực hiện các yêu cầu ủy
thác thu thập chứng cứ của các nước thành viên Công ước để thúc đẩy mở rộng
quan hệ hợp tác quốc tế của Tòa án nhân dân trong lĩnh vực tố tụng dân sự.
- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo,
kiểm tra, giám sát, đôn đốc của Tòa án nhân dân tối cao đối với các Tòa án nhân
dân trong việc ủy thác cho nước ngoài thu thập chứng cứ khi giải quyết các vụ
việc dân sự và thực hiện yêu cầu ủy thác thu thập chứng cứ của các nước thành
viên Công ước;
- Chủ động, tích cực, kịp thời tổng kết
thực tiễn, đề xuất các giải pháp hiệu quả, khả thi để giải quyết các khó khăn,
hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Công ước; góp phần hoàn thiện pháp
luật trong nước về tương trợ tư pháp, thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong tố tụng
dân sự.
2. Yêu cầu
- Việc thực hiện Kế hoạch phải phù hợp
với nhiệm vụ, thẩm quyền của Tòa án nhân dân đã được quy định tại Luật tổ chức
Tòa án nhân dân, các bộ luật, luật liên quan và Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày
30 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước
La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc
thương mại của Việt Nam.
- Các đơn vị trực thuộc Tòa án nhân
dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương (sau đây viết tắt là Tòa án cấp cao và Tòa án cấp tỉnh) phải tích cực,
chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Công ước, bảo đảm đúng chức
năng, nhiệm vụ, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công tác.
- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa
Tòa án nhân dân tối cao với các cơ quan nhà nước khác có liên quan trong quá
trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Kế hoạch này.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG
TÂM VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
1. Lãnh đạo, chỉ
đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Công ước tại các Tòa án cấp cao
và Tòa án cấp tỉnh
- Tham mưu, đề xuất Tòa án nhân dân tối
cao ban hành văn bản chỉ đạo, quán triệt các Tòa án cấp cao và Tòa án cấp tỉnh
thực hiện Công ước.
- Giúp Tòa án nhân dân tối cao theo
dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các Tòa án cấp cao và Tòa án cấp tỉnh thực hiện
Công ước.
- Tham mưu, đề xuất Tòa án nhân dân tối
cao chỉ đạo tổ chức sơ kết, tổng kết thực tiễn thi hành Công ước tại Tòa án
nhân dân.
- Đơn vị chủ trì: Vụ Hợp tác quốc tế
- Đơn vị phối hợp: Văn phòng, Vụ Tổng
hợp, các Tòa án cấp cao và Tòa án cấp tỉnh.
- Thời gian thực hiện: Từ quý III năm
2020 trở đi.
- Kết quả đầu ra:
+ Văn bản của Tòa án nhân dân tối cao
chỉ đạo các Tòa án cấp cao và Tòa án cấp tỉnh quán triệt, tổ chức thực hiện
Công ước;
+ Văn bản của Tòa án nhân dân tối cao
chỉ đạo, đôn đốc các Tòa án cấp cao và Tòa án cấp tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết
thực tiễn thi hành Công ước;
+ Kế hoạch kiểm tra của Tòa án nhân
dân tối cao về công tác thực hiện Công ước tại các Tòa án cấp cao và Tòa án cấp
tỉnh;
+ Các báo cáo, thông báo định kỳ hàng
năm hoặc đột xuất của Tòa án nhân dân tối cao về tình hình và kết quả thực hiện
Công ước tại Tòa án nhân dân.
2. Tuyên truyền,
phổ biến nâng cao nhận thức về Công ước
- Giúp Tòa án nhân dân tối cao tổ chức
tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của các thư ký, thẩm tra viên, thẩm phán
Tòa án các cấp về Công ước.
- Đơn vị chủ trì: Vụ Hợp tác quốc tế
- Đơn vị phối hợp: Vụ Tổng hợp, Tạp
chí Tòa án nhân dân, Báo Công lý.
- Thời gian thực hiện: Từ quý III năm
2020 trở đi.
- Kết quả đầu ra:
+ Bài viết, chuyên đề, tin tức, phóng
sự giới thiệu về nội dung và việc thực thi Công ước tại Tòa án nhân dân trên
các báo, tạp chí, bản tin truyền hình, trang Tương trợ tư pháp, Cổng thông tin
điện tử của Tòa án nhân dân tối cao;
+ Một số cuộc tọa đàm được Tòa án
nhân dân tối cao tổ chức cho các thư ký, thẩm tra viên, Thẩm phán của Tòa án
các cấp để cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức chung về vai trò của Công ước
đối với công tác giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài và mở rộng quan
hệ hợp tác quốc tế với nước ngoài trong lĩnh vực tố tụng dân sự.
3. Tổ chức thực
hiện Công ước
3.1. Gửi yêu cầu ủy thác thu thập
chứng cứ ra nước ngoài và thực hiện yêu cầu ủy thác thu thập chứng cứ của các
nước thành viên Công ước
a) Gửi yêu cầu ủy thác thu thập chứng
cứ cho nước thành viên Công ước thông qua Bộ Tư pháp
- Đơn vị thực hiện: các Tòa án cấp
cao và Tòa án cấp tỉnh.
- Thời gian thực hiện: Khi phát sinh
yêu cầu thu thập chứng cứ ở nước ngoài.
- Kết quả đầu ra:
+ Yêu cầu ủy thác thu thập chứng cứ của
Tòa án được lập theo đúng quy định của Công ước và các văn bản quy phạm pháp luật
về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.
b) Thực hiện yêu cầu ủy thác thu
thập chứng cứ của nước thành viên Công ước
- Đơn vị thực hiện: các Tòa án cấp tỉnh.
- Thời gian thực hiện: theo yêu cầu của
nước thành viên Công ước.
- Kết quả đầu ra: Các yêu cầu ủy thác
thu thập chứng cứ của các nước thành viên Công ước được thực hiện kịp thời,
đúng pháp luật, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
3.2. Hướng dẫn nghiệp vụ ủy thác
thu thập chứng cứ theo quy định của Công ước cho thư ký, thẩm tra viên các Tòa
án cấp cao và Tòa án cấp tỉnh
- Giúp Tòa án nhân dân tối cao tổ chức
hướng dẫn nghiệp vụ ủy thác thu thập chứng cứ theo quy định của Công ước cho
thư ký, thẩm tra viên của các Tòa án cấp cao và Tòa án cấp tỉnh.
a) Tổ chức tọa đàm hướng dẫn nghiệp
vụ về thu thập chứng cứ ở nước ngoài theo quy định của Công ước
- Đơn vị chủ trì: Vụ Hợp tác quốc tế.
- Đơn vị phối hợp: Văn phòng, Cục Kế
hoạch - Tài chính, các Tòa án cấp cao và Tòa án cấp tỉnh.
- Thời gian thực hiện: Từ Quý IV năm
2020 trở đi.
- Kết quả đầu ra:
+ Quý IV năm 2020: Tổ chức một số cuộc
Tọa đàm hướng dẫn nghiệp vụ ủy thác thu thập chứng cứ theo quy định của Công ước
cho công chức các Tòa án cấp cao và Tòa án cấp tỉnh.
+ Những năm tiếp theo: Tiếp tục tổ chức
các cuộc tọa đàm nâng cao, định kỳ hàng năm hướng dẫn nghiệp vụ, kịp thời xử lý
những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện Công ước.
+ Thư ký, thẩm tra viên của các Tòa
án cấp cao và Tòa án cấp tỉnh trực tiếp thực hiện công tác ủy thác tư pháp về
dân sự được trang bị đầy đủ kỹ năng, nghiệp vụ về thu thập chứng cứ ở nước
ngoài theo quy định của Công ước.
b) Soạn thảo, phổ biến Sổ tay nghiệp
vụ về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong tố tụng dân sự
- Đơn vị chủ trì: Vụ Hợp tác quốc tế.
- Đơn vị phối hợp: Văn phòng, Cục Kế
hoạch - Tài chính, các Tòa án cấp cao và Tòa án cấp tỉnh.
- Thời gian thực hiện: Năm 2021-2022
- Kết quả đầu ra:
+ Năm 2021: dự thảo Sổ tay nghiệp vụ về thu thập chứng
cứ ở nước ngoài trong tố tụng dân sự (Sổ tay nghiệp vụ) được xây dựng;
+ Năm 2021: một số cuộc tọa đàm được Tòa án nhân
dân tối cao tổ chức để lấy ý kiến đóng góp đối với Sổ tay nghiệp vụ;
+ Năm 2022: Sổ tay nghiệp vụ được Tòa án nhân dân tối
cao phê duyệt và phổ biến cho các Tòa án các cấp.
3.3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong
công tác ủy thác tư pháp
a) Xây dựng, triển khai ứng dụng tin học để quản lý
hồ sơ ủy thác tư pháp tại Tòa án nhân dân, kết nối với Chuyên trang về Tương trợ
tư pháp trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao; chuẩn bị các điều
kiện kỹ thuật để kết nối cơ sở dữ liệu của phần mềm này với cơ sở dữ liệu của
các cơ quan có liên quan (Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại
giao, Bộ Công an...)
- Đơn vị chủ trì: Vụ Tổng hợp, Vụ Hợp tác quốc tế.
- Đơn vị phối hợp: Văn phòng, Vụ Pháp chế và Quản
lý khoa học, các Tòa án cấp cao và Tòa án cấp tỉnh.
- Thời gian thực hiện:
+ Năm 2021-2022: Xây dựng phần mềm nội bộ dùng
chung quản lý hồ sơ ủy thác tư pháp tại Tòa án nhân dân, kết nối với Chuyên
trang về Tương trợ tư pháp trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao.
+ Năm 2023-2025: thực hiện kết nối với phần mềm của
Bộ Tư pháp và các phần mềm của các đơn vị có liên quan (Viện kiểm sát nhân dân
tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an...).
- Kết quả đầu ra:
+ Phần mềm quản lý hồ sơ ủy thác tư pháp tại Tòa án
nhân dân đáp ứng các yêu cầu về nghiệp vụ và quản lý chung.
+ Kết nối phần mềm của Tòa án nhân dân với phần mềm
của Bộ Tư pháp và các phần mềm của các đơn vị có liên quan (Viện kiểm sát nhân
dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an...).
b) Cập nhật thông tin về các nước thành viên
Công ước và thực hiện Công ước
- Đơn vị chủ trì: Vụ Tổng hợp, Vụ Hợp tác quốc tế.
- Đơn vị phối hợp: Văn phòng, các Tòa án cấp cao và
Tòa án cấp tỉnh.
- Thời gian thực hiện: từ quý IV năm 2020.
- Kết quả đầu ra:
+ Tài liệu hướng dẫn thực hiện thu thập chứng theo
quy định của Công ước; thông tin pháp luật của các nước thành viên Công ước về
thu thập chứng cứ được đăng tải, cập nhật, đăng tải tại trang Tương trợ tư pháp
trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao.
3.4. Tăng cường tham gia các hoạt động hợp tác
quốc tế có liên quan đến việc thực hiện Công ước
- Đề xuất Tòa án nhân dân tối cao cử công chức tham
gia các phiên họp của Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế và các hội nghị, hội
thảo quốc tế khác có nội dung liên quan đến việc thực hiện Công ước.
- Đề xuất Tòa án nhân dân tối cao tổ chức một số cuộc
tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế để cung cấp thông tin, trao
đổi kinh nghiệm về thực hiện Công ước.
- Đơn vị chủ trì: Vụ Hợp tác quốc tế.
- Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức - Cán bộ, Văn phòng,
Cục Kế hoạch - Tài chính.
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2021 trở đi.
- Kết quả đầu ra:
+ Các công chức được cử tham gia các phiên họp của
Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế tiếp thu và áp dụng được những kiến thức,
kinh nghiệm tốt của các nước thành viên Công ước;
+ Các báo cáo kết quả phiên họp, tọa đàm và tài liệu
về kinh nghiệm của các nước thành viên Công ước được soạn thảo, phổ biến cho
Tòa án các cấp.
3.5. Rà soát, đánh giá, tổng kết tình hình thực
hiện Công ước
- Đề xuất Tòa án nhân dân tối cao tổ chức rà soát,
đánh giá, tổng kết thực tiễn thực hiện Công ước tại Tòa án nhân dân.
- Đơn vị chủ trì: Vụ Hợp tác quốc tế
- Đơn vị phối hợp: Vụ Tổng hợp, các Tòa án cấp cao
và Tòa án cấp tỉnh.
- Thời gian thực hiện: Định kỳ hàng năm, 5 năm.
- Kết quả dầu ra:
+ Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao để lồng ghép
trong Báo cáo của Chính phủ về tình hình và kết quả thực hiện công tác tương trợ
tư pháp trình Quốc hội hàng năm.
+ Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao rà soát kết
quả thực hiện Công ước.
3.6. Phối hợp với Bộ Tư pháp trong công tác hoàn
thiện pháp luật về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tố tụng dân sự
Giúp Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Bộ Tư
pháp trong công tác hoàn thiện pháp luật về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tố tụng
dân sự.
- Đơn vị chủ trì: Vụ Hợp tác quốc tế.
- Đơn vị phối hợp: các Tòa án cấp cao và Tòa án cấp
tỉnh.
- Thời gian thực hiện: từ năm 2021 trở đi.
- Kết quả đầu ra:
+ Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao về thực trạng
công tác ủy thác thu thập chứng cứ ra nước ngoài theo quy định của pháp luật tố
tụng dân sự và tương trợ tư pháp;
+ Tham gia các hoạt động phối hợp khác theo đề nghị
của Bộ Tư pháp.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Vụ Hợp tác quốc tế
Vụ Hợp tác quốc tế là đơn vị đầu mối của Tòa án
nhân dân tối cao trong tổ chức thực hiện Kế hoạch này và Kế hoạch được ban hành
theo Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Các đơn vị trực thuộc của Tòa án nhân dân tối
cao, Tòa án cấp cao và Tòa án cấp tỉnh
Các đơn vị trực thuộc của Tòa án nhân dân tối cao,
Tòa án cấp cao và Tòa án cấp tỉnh có trách nhiệm chủ động tổ chức thực hiện các
nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này; phối hợp chặt chẽ với Vụ Hợp tác quốc
tế trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, đảm bảo thực hiện
Công ước đồng bộ, kịp thời và có hiệu quả.
3. Kinh phí thực hiện Kế hoạch
Căn cứ Nghị định số 74/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7
năm 2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm
cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế, các đơn vị trực
thuộc Tòa án nhân dân tối cao được giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ trong Kế
hoạch này lập dự toán kinh phí thực hiện gửi Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao
để tổng hợp vào dự toán hàng năm gửi Cục Kế hoạch - Tài chính thẩm định, trình
cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước./.