ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 21/2021/QĐ-UBND
|
Bắc Kạn, ngày 10
tháng 11 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ MỨC ĐỘ KHÔI PHỤC LẠI TÌNH TRẠNG BAN ĐẦU CỦA ĐẤT ĐỐI
VỚI TỪNG LOẠI VI PHẠM QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 91/2019/NĐ-CP NGÀY 19/11/2019 CỦA
CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng
11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 91/2019/NĐ-CP
ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực đất đai;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài
nguyên và Môi trường.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Quy định về mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với từng
loại vi phạm quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính
phủ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực kể từ ngày 20 tháng 11 năm 2021.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND dân
tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố;
Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
Gửi bản giấy:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra Văn bản QPPL- Bộ Tư pháp;
Gửi bản điện tử:
- Như Điều 3;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- LĐVP;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NCTH.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Đăng Bình
|
QUY ĐỊNH
VỀ MỨC ĐỘ KHÔI PHỤC LẠI TÌNH TRẠNG BAN ĐẦU CỦA ĐẤT ĐỐI VỚI TỪNG LOẠI VI
PHẠM QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 91/2019/NĐ-CP NGÀY 19/11/2019 CỦA CHÍNH PHỦ TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/2021/QĐ-UBND ngày 10/11/2021 của UBND tỉnh
Bắc Kạn)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Quy định về mức độ khôi phục lại tình
trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm quy định tại: Điều 9, 10, 11, 12, 13,
14, khoản 1 Điều 15 và Điều 16 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của
Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh
Bắc Kạn.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Người sử dụng đất bị xử phạt vi phạm
hành chính về đất đai và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục
lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
2. Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt,
tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định
tại Điều 2 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP.
Điều 3. Tình trạng
ban đầu của đất trước khi vi phạm được xác định như sau:
1. Theo giấy tờ về quyền sử dụng đất
hợp pháp hoặc hồ sơ địa chính, các thông tin khác có liên quan: Ảnh chụp, các
thông tin, bằng chứng do người dân nơi có đất, người sử dụng đất liền kề, tổ chức,
cá nhân khác cung cấp.
2. Đối với trường hợp chưa có hồ sơ địa
chính thì căn cứ nguồn gốc sử dụng đất, đối chiếu với các thửa đất cùng mục
đích sử dụng liền kề hoặc trên cùng địa bàn xã, phường, thị trấn, UBND cấp xã
xác định tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ
THỂ
Điều 4. Mức độ
khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp sử
dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền
cho phép (Quy định tại Điều 9 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP)
Trường hợp tự ý chuyển mục đích đất
trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản;
tự ý chuyển mục đích đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp thì phải thực hiện
cải tạo, phục hồi lại mặt bằng để đảm bảo sử dụng đất vào mục đích trồng lúa.
Điều 5. Mức độ
khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp sử
dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác
không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (Quy định tại Điều 10 Nghị định
số 91/2019/NĐ-CP)
1. Trường hợp chuyển các loại đất rừng
đặc dụng rừng, phòng hộ, rừng sản xuất sang mục đích khác trong nhóm đất nông
nghiệp hoặc sang đất phi nông nghiệp thì phải khôi phục lại tình trạng ban đầu
của đất rừng như trước khi vi phạm. Việc trồng lại rừng thực hiện theo quy định
của Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Trường hợp việc cải tạo lại mặt bằng
có thể gây nguy hiểm cho con người, có nguy cơ ảnh hưởng đến các thửa đất liền
kề, các công trình xây dựng xung quanh thì buộc phải thực hiện các biện pháp và
xây dựng các công trình bảo vệ để đưa toàn bộ diện tích đất về trạng thái an
toàn.
Điều 6. Mức độ
khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp sử
dụng đất nông nghiệp không phải là các loại: đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ,
đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà
nước có thẩm quyền cho phép (Quy định tại Điều 11 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP)
1. Trường hợp chuyển đất trồng cây
hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm thì phải
thực hiện cải tạo, phục hồi lại mặt bằng để đảm bảo sử dụng đất vào mục đích trồng
cây hàng năm khác.
2. Trường hợp chuyển đất trồng cây
hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp
khác sang đất phi nông nghiệp thì phải thực hiện cải tạo, phục hồi lại mặt bằng
để đảm bảo sử dụng đất vào mục đích ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Điều 7. Mức độ
khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp sử
dụng đất trong nhóm đất phi nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan
nhà nước có thẩm quyền cho phép (Quy định tại Điều 12 Nghị định số
91/2019/NĐ-CP)
Trường hợp sử dụng đất trong nhóm đất
phi nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho
phép thì buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Điều 8. Mức độ
khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với chuyển đổi
cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa không đúng quy định (Quy định tại Điều 13
Nghị định số 91/2019/NĐ-CP)
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất
trồng lúa vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày
13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về
giống cây trồng và canh tác thì phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất để
tiếp tục trồng lúa.
Điều 9. Mức độ
khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với hành vi lấn,
chiếm đất (Quy định tại Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ CP)
Trường hợp lấn, chiếm đất quy định tại
khoản Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP thì buộc khôi phục
lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Điều 10. Mức độ
khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với hành vi hủy
hoại đất (Quy định tại Điều 15 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP)
1. Trường hợp làm biến dạng địa hình:
a) Buộc thực hiện cải tạo, phục hồi lại
mặt bằng đảm bảo sử dụng đất theo mục đích thửa đất trước khi vi phạm.
Trường hợp làm thay đổi độ dốc bề mặt
đất; hạ thấp bề mặt đất do lấy đất dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất
thấp hơn so với thửa đất liền kề: Nếu việc thực hiện san lấp lại độ cao ban đầu
có thể gây nguy hiểm cho con người, có nguy cơ ảnh hưởng đến các thửa đất liền
kề, các công trình xây dựng xung quanh thì buộc phải thực hiện các biện pháp và
xây dựng các công trình bảo vệ để đưa toàn bộ diện tích đất về trạng thái an
toàn.
b) Buộc phải thực hiện thu hồi vật liệu
đã san lấp, trả lại tình trạng ban đầu khi thực hiện hành vi san lấp đất có mặt
nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước; buộc phải hạ thấp, trả lại mặt bằng
ban đầu và cải tạo, phục hồi đất khi thực hiện hành vi san lấp nâng cao bề mặt
của đất sản xuất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề.
2. Trường hợp làm suy giảm chất lượng
đất:
a) Trường hợp làm mất hoặc giảm độ dầy
tầng đất đang canh tác: Buộc phải thực hiện phục hồi độ dầy tầng đất canh tác,
cải tạo đất đảm bảo sử dụng đất theo mục đích thửa đất trước khi vi phạm.
b) Trường hợp làm thay đổi lớp mặt của
đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn sỏi, đá
hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng: Buộc thu hồi toàn bộ
các vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác đã
đưa vào bề mặt đất và thực hiện cải tạo đất để đảm bảo sử dụng đất theo mục
đích thửa đất trước khi vi phạm.
c) Trường hợp gây xói mòn, rửa trôi đất
nông nghiệp: Buộc thực hiện các biện pháp chống xói mòn, rửa trôi và san lấp, cải
tạo đất để đảm bảo sử dụng đất theo mục đích thửa đất trước khi vi phạm.
Điều 11. Mức độ
khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với hành vi gây
cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác (Quy định tại Điều
16 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP)
1. Trường hợp đưa vật liệu xây dựng
hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình mà gây cản
trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác; đào bới, xây tường, làm
hàng rào gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác: Buộc
di dời công trình xây dựng trên thửa đất, di chuyển các vật liệu xây dựng, các
vật khác ra khỏi diện tích đất vi phạm; san lấp diện tích đất đã đào bới, thực
hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và không ảnh hưởng đến việc sử dụng
đất của người khác.
2. Trường hợp đưa chất thải, chất độc
hại lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình gây cản trở hoặc thiệt hại
cho việc sử dụng đất của người khác: Buộc thu hồi toàn bộ các chất thải, chất độc
hại đã đưa vào bề mặt đất và thực hiện cải tạo đất, xử lý các chất thải, chất độc
hại đó đảm bảo theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo đưa đất
vào sử dụng theo mục đích thửa đất trước khi vi phạm.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Tổ chức
thực hiện
1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ
trì, tổ chức triển khai và phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh
giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định này.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn phối hợp hướng dẫn việc trồng lại rừng quy định tại khoản 1 Điều 5 Quy định
này khi có đề nghị của cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
3. UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp
với các cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: Xác định tình
trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thi
hành biện pháp khắc phục hậu quả do cá nhân, tổ chức thực hiện.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu phát
sinh bất cập, vướng mắc, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, các Sở, Ban, Ngành có
trách nhiệm phản ánh đầy đủ, kịp thời đến Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp,
báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung./.