ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 21/2016/QĐ-UBND
|
Thành
phố Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 06 năm
2016l
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT BƯỚC ĐẦU CÁC CUỘC ĐÌNH CÔNG KHÔNG
ĐÚNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18
tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Bộ luật Tố tụng dân sự ngày
25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi
tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 12111/TTr-SLĐTBXH ngày 23 tháng 5 năm
2016 và của Sở Tư pháp tại Công văn số 3138/STP-VB ngày 18 tháng 5 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo
Quyết định này Quy chế phối hợp giải quyết bước đầu các cuộc đình công không
đúng quy định pháp luật lao động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 35/2006/QĐ-UBND ngày 07
tháng 3 năm 2006 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Quy chế phối hợp giải
quyết bước đầu các vụ đình công không đúng quy định pháp luật lao động trên địa
bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban
nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Kế
hoạch và Đầu tư, Trưởng Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố,
Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Giám đốc Công an Thành phố, Chủ tịch Liên
đoàn Lao động Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Thủ trưởng
các Sở - ngành có liên quan, người sử dụng lao động và người lao động làm việc
tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư
pháp;
- Thường trực
Thành ủy;
- Thường trực
HĐND Thành phố;
- TTUB: CT, các PCT;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành
phố;
- Phòng TM&CNVN chi
nhánh TPHCM;
- VPUB: các PVP;
- Các Phòng CV, TTCB;
- Lưu VT (VX-TC) T.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Thành Phong
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT BƯỚC ĐẦU CÁC CUỘC ĐÌNH CÔNG KHÔNG ĐÚNG QUY ĐỊNH
PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/2016/QĐ-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Mục
đích của việc ban hành Quy chế
Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp, chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao
động; đồng thời góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn Thành phố
Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân Thành phố quy định việc phối hợp giải quyết bước đầu
các cuộc đình công không đúng quy định pháp luật lao động ở các tổ chức sản xuất,
kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế (gọi chung là doanh nghiệp) hoạt động
trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Phạm vi
và đối tượng điều chỉnh
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này
quy định cơ chế phối hợp và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận, huyện, các Sở
- ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan trong việc giải quyết bước đầu
các cuộc đình công không đúng quy định pháp luật lao động trên địa bàn Thành phố
Hồ Chí Minh.
2. Đối tượng điều chỉnh: Ủy ban nhân
dân quận, huyện, các Sở - ngành, người sử dụng lao động, người lao động, các tổ
chức, cá nhân khác có liên quan đến cuộc đình công xảy ra tại doanh nghiệp.
Chương II
TỔ CHỨC XỬ LÝ
Điều 3. Thành lập
Tổ công tác
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện
có trách nhiệm thành lập Tổ công tác giải quyết bước đầu các cuộc đình công
không đúng quy định pháp luật lao động (sau đây gọi tắt là Tổ công tác) xảy ra tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận, huyện quản
lý.
2. Tổ công tác gồm các thành viên như
sau:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện
- Tổ trưởng;
b) Trưởng Phòng Lao động - Thương
binh và Xã hội quận, huyện - Thành viên;
c) Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận,
huyện - Thành viên;
d) Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp quận,
huyện - Thành viên;
đ) Trưởng Công an quận, huyện - Thành
viên;
e) Đại diện Ban Quản lý các Khu Chế
xuất và Công nghiệp Thành phố và Công đoàn các Khu Chế xuất và Công nghiệp
Thành phố (nếu doanh nghiệp đóng trong khu chế xuất, khu công nghiệp) - Thành
viên;
g) Đại diện Ban Quản lý Khu công nghệ
cao và Công đoàn Khu công nghệ cao Thành phố (nếu doanh nghiệp đóng trong khu
công nghệ cao) - Thành viên;
h) Hòa giải viên lao động quận, huyện
- Thành viên;
i) Đại diện Ban Dân vận Quận ủy, Huyện
ủy - Thành viên;
k) Đại diện Bảo hiểm xã hội quận, huyện
- Thành viên;
l) Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường,
xã, thị trấn - Thành viên;
m) Trưởng Công an phường, xã, thị trấn
- Thành viên;
n) Các thành viên khác là đại diện
các đoàn thể, đơn vị, cá nhân có liên quan.
3. Căn cứ tính chất và quy mô của cuộc
đình công, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện đề nghị các Sở - ngành sau đây
tham gia Tổ công tác:
a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư;
c) Sở Ngoại vụ;
d) Liên đoàn Lao động Thành phố;
đ) Công an Thành phố;
e) Bảo hiểm xã hội Thành phố;
g) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt
Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh;
h) Các Sở - ngành, đơn vị khác có
liên quan.
4. Các cơ quan là thành viên của Tổ
công tác quy định tại Khoản 3 Điều này cử cán bộ, công chức có trách nhiệm, thẩm
quyền tham gia Tổ công tác và thực hiện nhiệm vụ theo quy
định tại Quy chế này.
Điều 4. Nhiệm vụ
của Tổ công tác
1. Ổn định tình hình an ninh, trật tự
tại doanh nghiệp và địa bàn nơi doanh nghiệp hoạt động xảy ra tranh chấp lao động.
2. Hướng dẫn, giải thích và yêu cầu
các bên tranh chấp lao động thực hiện đúng quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ theo
quy định của pháp luật về lao động.
3. Ghi nhận các yêu cầu, kiến nghị,
nguyện vọng của các bên tranh chấp lao động.
4. Khuyến nghị các phương án giải quyết
để giúp các bên tranh chấp lao động tiến hành thương lượng,
thỏa thuận trên tinh thần nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động.
5. Trong quá trình giải quyết, nếu Tổ
công tác phát hiện một trong các bên tranh chấp có hành vi vi phạm pháp luật
thì Tổ công tác kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử
lý theo quy định của pháp luật.
6. Tổ công tác báo cáo kết quả giải
quyết với Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Hội đồng Trọng tài lao động Thành
phố và các cơ quan có liên quan.
Điều 5. Quy trình
xử lý
Tổ công tác thực hiện các bước để giải
quyết các cuộc đình công không đúng quy định pháp luật lao động:
1. Nhanh chóng tiếp cận hiện trường xảy
ra cuộc đình công không đúng pháp luật lao động.
2. Tiếp xúc với người sử dụng lao động
hoặc người có thẩm quyền đại diện cho người sử dụng lao động.
3. Tiếp xúc với Ban Chấp hành Công
đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp (nơi chưa thành lập
Công đoàn cơ sở).
4. Đề nghị người sử dụng lao động và
người lao động cung cấp hồ sơ và các thông tin có liên quan đến vụ việc.
5. Xác định nguyên nhân xảy ra tranh
chấp lao động, yêu cầu, nguyện vọng của tập thể người lao động và ý kiến của
người sử dụng lao động.
6. Khuyến nghị các phương án giải quyết
tranh chấp lao động phù hợp với quy định pháp luật lao động và tình hình thực tế
xảy ra tại doanh nghiệp.
7. Hướng dẫn, giải thích, vận động
người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng, thống nhất
phương án giải quyết trên cơ sở thiện chí, tôn trọng quyền và lợi ích của mỗi
bên.
a) Trường hợp các bên tự hòa giải
thành hoặc chấp thuận phương án hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động, Tổ
công tác hướng dẫn các bên lập biên bản thỏa thuận. Các bên có
trách nhiệm thực thi các thỏa thuận ghi trong biên bản.
b) Trường hợp các bên không tự thỏa
thuận hoặc thương lượng không đạt kết quả, Tổ công tác hướng dẫn các bên tiến
hành giải quyết tranh chấp lao động đúng trình tự quy định pháp luật lao động.
Điều 6. Nhiệm vụ
của các thành viên Tổ công tác
1. Đối với các thành viên của quận,
huyện:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện:
- Chịu trách nhiệm chỉ đạo, giám sát,
phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Tổ công tác.
- Tổ chức tiếp xúc với người sử dụng
lao động, đại diện tập thể người lao động để nắm chắc tình
hình, tâm tư, nguyện vọng của các bên tranh chấp; chỉ đạo lực lượng để đảm bảo
an ninh trật tự, hỗ trợ doanh nghiệp sớm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh
bình thường.
- Chủ trì họp Tổ công tác để thảo luận,
quyết định phương án xử lý các tình huống có thế xảy ra và các kịch bản ứng phó
để đảm bảo tình hình an ninh, trật tự tại doanh nghiệp và trên địa bàn quản lý.
Xem xét các nội dung thông báo của doanh nghiệp trước khi thông báo rộng rãi đến
người lao động.
- Trường hợp tranh chấp lao động về
quyền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện giải quyết theo quy định tại Điều
205 Bộ luật Lao động năm 2012.
- Trường hợp tranh chấp lao động về lợi
ích, nếu xét thấy cuộc đình công không đúng trình tự, thủ
tục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện thực hiện theo quy định tại Điều 222
Bộ luật Lao động năm 2012, Điều 35 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01
năm 2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung
của Bộ luật Lao động.
- Báo cáo xin ý kiến Quận ủy, Huyện ủy,
Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo, xử lý kịp thời khi phát sinh các tình huống
phức tạp, vượt thẩm quyền.
- Có trách nhiệm trả lời cơ quan truyền
thông về tình hình đình công đang xảy ra tại địa phương.
b) Phòng Lao động - Thương binh và Xã
hội quận, huyện:
- Hướng dẫn người lao động và người sử
dụng lao động thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động;
- Phối hợp với Liên đoàn Lao động quận,
huyện tuyên truyền, vận động người lao động, người sử dụng lao động thương lượng,
thống nhất phương án giải quyết tranh chấp để nhanh chóng ổn định hoạt động sản
xuất kinh doanh bình thường, đảm bảo việc làm cho người
lao động.
- Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện kiểm tra việc tổ chức và lãnh đạo đình công;
báo cáo kết quả kiểm tra trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được chỉ đạo.
- Đối với trường hợp cuộc đình công
không đúng trình tự, thủ tục thì trong thời hạn 12 giờ thực hiện chỉ đạo của Chủ
tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động quận,
huyện hoặc Công đoàn các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố, Công đoàn Khu
công nghệ cao nơi xảy ra cuộc đình công và các cơ quan, tổ chức có liên quan trực
tiếp gặp gỡ người sử dụng lao động, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Công
đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (nơi chưa thành lập Công đoàn cơ sở) để nghe ý kiến
và hỗ trợ các bên giải quyết.
- Kịp thời tổng hợp, báo cáo tình
hình cho Ủy ban nhân dân quận, huyện và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
c) Công an quận, huyện:
- Ổn định tình hình an ninh, trật tự
nơi xảy ra đình công.
- Phối hợp với các thành viên của Tổ
công tác vận động người lao động đình công trong ôn hòa, trật tự, không quá
khích dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật.
d) Liên đoàn Lao động quận, huyện,
Công đoàn các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố, Công đoàn Khu công nghệ
cao:
- Thực hiện vai trò đại diện cho người
lao động để đàm phán, thương lượng với người sử dụng lao động.
Xác định yêu cầu, đòi hỏi của người lao động, tiến tới thành lập và làm Trưởng
nhóm đàm phán trong trường hợp doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn cơ sở,
chuẩn bị phương án đàm phán và tiến hành đàm phán.
- Khi đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với
người sử dụng lao động: họp với toàn thể người lao động hoặc đại biểu (nơi có số
lượng người lao động lớn) để thông qua dự thảo thỏa thuận. Sau khi thông qua thỏa
thuận đề nghị tất cả người lao động trở lại làm việc.
- Trường hợp thỏa thuận không thành
hoặc người sử dụng lao động không thực hiện các thỏa thuận thì thực hiện theo
quy định tại Khoản 2, Điều 204 Bộ luật Lao động năm 2012.
- Đối với trường hợp cuộc đình công
không đúng trình tự, thủ tục, Liên đoàn Lao động quận, huyện, Công đoàn các Khu
Chế xuất và Công nghiệp Thành phố, Công đoàn Khu công nghệ cao phối hợp với
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện, nơi xảy
ra cuộc đình công, các cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp gặp gỡ người sử
dụng lao động, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở để nghe ý kiến
và hỗ trợ các bên giải quyết.
đ) Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp quận,
huyện:
Hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình
thương lượng, hòa giải với tập thể người lao động.
e) Hòa giải viên lao động của quận,
huyện:
- Thực hiện chức năng trung gian hòa
giải từ giai đoạn hỗ trợ trước khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công; chủ động tham gia cùng Tổ công tác giải quyết tranh chấp
lao động tập thể, đình công và tiếp tục theo dõi tình hình quan hệ lao động của
doanh nghiệp sau tranh chấp, đình công.
- Thực hiện quy trình tác nghiệp hòa
giải theo quy định tại Quyết định số 06/2016/QĐ-UBND ngày 04 tháng 3 năm 2016 của
Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hòa giải
viên lao động
g) Các cơ quan, đơn vị khác tại địa
phương:
Thực hiện theo chỉ đạo, phân công nhiệm
vụ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện.
2. Đối với các thành viên là Sở -
ngành Thành phố:
a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Hỗ trợ Tổ công tác tiếp xúc với chủ
doanh nghiệp và đại diện tập thể người lao động để xác định
nguyên nhân xảy ra tranh chấp lao động.
- Hỗ trợ Tổ công tác trong việc đề xuất
phương án giải quyết, nhanh chóng ổn định tình hình.
- Hỗ trợ Tổ công tác hướng dẫn người
lao động và người sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định của pháp luật
lao động.
b) Liên đoàn Lao động Thành phố:
- Chỉ đạo Liên đoàn Lao động quận,
huyện, Công đoàn các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố, Công đoàn Khu công
nghệ cao làm việc với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở và tiếp xúc với người lao động
để tìm hiểu nguyên nhân xảy ra tranh chấp lao động, xác định loại tranh chấp
lao động.
- Hỗ trợ Liên đoàn Lao động quận, huyện,
Công đoàn các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố, Công đoàn Khu công nghệ
cao đưa ra giải pháp đàm phán, thương lượng với người sử dụng lao động. Tuyên
truyền, vận động người lao động tuân thủ các quy định của pháp luật lao động.
c) Ban Quản lý các Khu Chế xuất và
Công nghiệp Thành phố, Ban Quản lý Khu công nghệ cao:
- Phát hiện và thông báo kịp thời với
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện về các vụ tranh chấp lao động tập thể xảy
ra tại các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp
và khu công nghệ cao đóng trên địa bàn quận, huyện.
- Tham gia xem xét các hồ sơ có liên
quan đến nội dung tranh chấp lao động.
- Tham gia, góp ý giải pháp hòa giải, giải quyết vụ tranh chấp.
- Phối hợp với các cơ quan có thẩm
quyền trong việc bảo đảm an ninh, trật tự nơi xảy ra tranh chấp lao động thuộc
quyền quản lý.
d) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Cung cấp cho Tổ công tác các thông
tin về tình hình, đặc điểm của doanh nghiệp đang xảy ra tranh chấp lao động.
- Tham gia, góp ý đưa ra giải pháp
hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động.
đ) Sở Ngoại vụ:
Trong trường hợp vụ việc phát sinh có
liên quan đến doanh nghiệp và cá nhân người nước ngoài, trên cơ sở đề nghị của Tổ công tác, Sở Ngoại vụ là đầu mối liên hệ, trao đổi
thông tin giữa cơ quan Việt Nam với các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt
Nam để đề nghị phối hợp, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao
động liên quan đến tổ chức, cá nhân người nước ngoài.
e) Công an Thành phố:
Chỉ đạo các lực lượng chức năng thuộc
Công an Thành phố phối hợp với Công an quận, huyện thực hiện các giải pháp nghiệp
vụ để bảo đảm an ninh, trật tự tại doanh nghiệp và địa bàn nơi doanh nghiệp
đang hoạt động xảy ra đình công. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các
hành vi kích động, cưỡng ép, đe dọa người lao động ngừng việc, đình công.
g) Bảo hiểm xã hội Thành phố:
- Kiểm tra việc thực hiện đóng bảo hiểm
xã hội cho người lao động.
- Hỗ trợ Tổ công tác phương án giải
quyết trong trường hợp doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội.
h) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt
Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh:
Hỗ trợ Tổ công tác trong việc đề xuất
phương án giải quyết tranh chấp, tham gia quá trình hòa giải tranh chấp lao động.
i) Hội đồng Trọng tài lao động Thành
phố:
- Thực hiện chức năng trung gian hòa
giải trong trường hợp tranh chấp lao động về lợi ích theo quy định của pháp luật
lao động.
- Thực hiện quy trình hòa giải theo
quy định tại Điều 206 Bộ luật Lao động năm 2012.
Điều 7. Trách nhiệm
của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động hoặc đại diện
người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ
trung thực, khách quan; hợp tác với Tổ công tác tổ chức tiến
hành thương lượng, hòa giải với tập thể người lao động.
2. Cùng với Ban Chấp hành Công đoàn
cơ sở, đại diện tập thể người lao động thực hiện những thỏa thuận hai bên đã đạt
được trong quá trình thương lượng, hòa giải, giải quyết của Tổ công tác.
Điều 8. Trách nhiệm
của người lao động
1. Chấp hành các quy định của pháp luật
về an ninh, trật tự và an toàn công cộng.
2. Chấp hành sự lãnh đạo của Ban Chấp
hành Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
3. Tuân thủ pháp luật lao động, nội
quy lao động, thỏa ước lao động tập thể của đơn vị.
4. Cung cấp các thông tin trung thực,
khách quan, các tài liệu mà mình biết được; hợp tác với Tổ công tác tổ chức tiến
hành thương lượng và tham gia thương lượng.
5. Thực hiện đầy đủ các cam kết mà
hai bên thỏa thuận được.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 9. Trách nhiệm
thi hành
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận,
huyện, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu
tư, Trưởng Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố, Trưởng Ban Quản
lý Khu công nghệ cao, Giám đốc Công an Thành phố, Chủ tịch Liên đoàn Lao động
Thành phố, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan có trách nhiệm triển khai thực
hiện Quy chế này.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận,
huyện có trách nhiệm đảm bảo kinh phí, phương tiện phục vụ cho Tổ công tác thực
hiện nhiệm vụ.
3. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này
do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân Thành
phố xem xét, quyết định sau khi thống nhất ý kiến với Giám
đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp
Thành phố, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao, Chủ tịch Liên đoàn Lao động
Thành phố, Giám đốc Công an Thành phố, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan
và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện./.