Quyết định 1003/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án Phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối an ninh trật tự của người lao động trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2017-2020

Số hiệu 1003/QĐ-UBND
Ngày ban hành 03/04/2017
Ngày có hiệu lực 03/04/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Nguyễn Đình Xứng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1003/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 03 tháng 4 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÒNG NGỪA, GIẢI QUYẾT ĐÌNH CÔNG, TẬP TRUNG ĐÔNG NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT, PHÁ RỐI AN NINH TRẬT TỰ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HOÁ, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18/6/2012;

Căn cứ Luật Công đoàn ngày 20/6/2012;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26/11/2014;

Căn cứ Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 18/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 05/6/2008 của Ban Bí thư TW Đảng khóa X;

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khoá XVIII nhiệm kỳ 2015-2020 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh;

Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 92/TTr-CAT- PV11 ngày 15 tháng 3 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Phòng ngừa, giải quyết đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối an ninh trật tự của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2017 - 2020”.

Điều 2. Giao Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án này; thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ về UBND tỉnh để chỉ đạo.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 QĐ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an;
- BTL QK IV; BTL BĐ Biên phòng;
- Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Xứng

 

ĐỀ ÁN

PHÒNG NGỪA, GIẢI QUYẾT ĐÌNH CÔNG, TẬP TRUNG ĐÔNG NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT, PHÁ RỐI AN NINH TRẬT TỰ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HOÁ, GIAI ĐOẠN 2017 – 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1003/QĐ-UBND ngày 03/4/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ PHÁP LÝ VÀ CĂN CỨ THỰC TIỄN XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh, số lượng doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, sản xuất tăng lên cả về quy mô và số lượng, tạo nhiều việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, tại một số doanh nghiệp đã xảy ra nhiều cuộc đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT của người lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, môi trường thu hút đầu tư và sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Hiện nay, các chủ trương, giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT của người lao động trên địa bàn tỉnh còn quy định ở nhiều văn bản khác nhau, không thống nhất, chưa có các giải pháp đồng bộ.

Thực hiện Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa đề ra mục tiêu đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có ít nhất 20.000 doanh nghiệp, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2015; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII xác định trong 5 năm 2016 - 2020 tạo ra việc làm mới cho 330.000 người lao động. Quá trình thu hút đầu tư, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá trên địa bàn tỉnh, số lượng các doanh nghiệp và người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, Khu công nghiệp, Khu kinh tế dự báo sẽ tăng nhanh; ngành dệt may, da giày sẽ tiếp tục phát triển và thu hút đông người lao động tham gia. Trong khi đó, nhận thức, hiểu biết pháp luật và tác phong lao động công nghiệp của người lao động còn hạn chế; việc quản lý lao động, giải quyết chế độ cho người lao động tại các doanh nghiệp còn nhiều vấn đề bất cập chưa được khắc phục nên dễ nảy sinh mâu thuẫn trong mối quan hệ lao động, dẫn đến nguy cơ đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động luôn triệt để lợi dụng những vụ việc phức tạp, nhạy cảm; sơ hở, thiếu sót, yếu kém trong quản lý kinh tế, quản lý lao động để tác động hướng lái, phá hoại kinh tế, chuyển hoá chính trị nội bộ; lôi kéo, kích động người lao động đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT; liên kết giữa người lao động với học sinh, sinh viên, đối tượng cực đoan trong tôn giáo, dân tộc để tiến hành “Cách mạng màu”, “Cách mạng đường phố”, lật đổ chính quyền; gây sức ép để Nhà nước ta thông qua các luật “mang màu sắc dân chủ”, tạo hành lang pháp lý cho sự hình thành, ra đời các tổ chức chính trị đối lập, tổ chức công đoàn độc lập ngay trong lòng các doanh nghiệp, thoát ly khỏi sự quản lý của Nhà nước, tiến hành hoạt động chống phá, gây mất ổn định ANTT trên địa bàn.

Tình hình trên nếu không có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền; sự vào cuộc của các cấp, các ngành; không tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, loại bỏ những điều kiện, nguyên nhân để xảy ra tình hình trên, thì thời gian tới tình hình đình công, tập trung đông người trái pháp luật, phá rối ANTT sẽ diễn biến rất phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

[...]