UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
21/2008/QĐ-UBND
|
Lạng
Sơn, ngày 29 tháng 8 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH DÂN SỐ
VÀ KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH ÁP DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh Dân số ngày 09/01/2003;
Nghị định số 104/2003/ NĐ-CP ngày 16/9/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số;
Căn cứ Nghị quyết số 08/2008/
NQ-HĐND ngày 21/7/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn khoá XIV, kỳ họp thứ
12 về một số chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình áp dụng trên địa bàn tỉnh
Lạng Sơn;
Căn cứ Chỉ thị số
23/2008/CT-TTg ngày 04/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh
công tác dân số kế hoạch hoá gia đình;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y
tế về việc ban hành Quy định về một số chính sách dân số và kế hoạch hoá gia
đình áp dụng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về một
số chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình áp dụng trên địa bàn tỉnh Lạng
Sơn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ
ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở,
ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3 (T/h);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Y tế; Cục KTVB Bộ TP; (B/C)
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMT TQVN tỉnh Lạng Sơn;
- Các Ban của đảng và HĐND tỉnh;
- PVP, các phòng thuộc VPUBND tỉnh;
- Công báo tỉnh, Báo Lạng Sơn;
- Lưu: VT, (s).
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Vy Văn Thành
|
QUY ĐỊNH
VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HOÁ
GIA ĐÌNH ÁP DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
( Ban hành kèm theo Quyết định số 21/2008/QĐ-UBND ngày29/8/2008 của Uỷ ban
nhân dân tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm
vi và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định
này quy định về chế độ khuyến khích, khen thưởng và xử lý vi phạm chính sách
dân số và kế hoạch hoá gia đình (viết tắt là KHHGĐ); trách nhiệm của các cơ
quan, tổ chức có liên quan, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong việc
thực hiện chính sách dân số -KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
2. Đối tượng áp dụng: Quy định này
áp dụng đối với các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã
hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị lực
lượng vũ trang nhân dân và mọi công dân cư trú trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (sau
đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, cá nhân).
Điều 2. Mục
tiêu của chính sách dân số - KHHGĐ
Thực hiện chính sách dân số -
KHHGĐ nhằm duy trì vững chắc xu thế giảm sinh, tiến tới ổn định quy mô dân số,
nâng cao chất lượng dân số, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã
hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ
THỂ
Điều 3.
Trách nhiệm của công dân Việt Nam cư trú trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
1. Thực hiện mục tiêu chính sách
dân số trên cơ sở chuẩn mực gia đình ít con (có một hoặc hai con) no ấm, bình đẳng,
tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.
2. Thực hiện các quy định của pháp
luật về dân số; quy chế, điều lệ của cơ quan, tổ chức; quy ước, hương ước của cộng
đồng.
Điều 4. Những
người trong độ tuổi sinh đẻ phải thực hiện các quy định sau đây
1. Mỗi cặp vợ chồng có trách nhiệm
thực hiện quy mô gia đình ít con (có một hoặc hai con).
2. Những cặp vợ chồng tái hôn mà một
trong hai người hoặc cả hai người đã có con riêng chỉ được sinh một con chung.
Nếu tái hôn với vợ hoặc chồng cũ mà trước đó đã có hai con thì không được sinh
thêm con.
3. Những cặp vợ chồng mà bản thân
vợ hoặc chồng hoặc cả hai người mắc bệnh tâm thần, mắc bệnh di truyền ảnh hưởng
đến nòi giống và không đảm bảo sức khoẻ cho con sau khi sinh ra, bị nhiễm chất
độc hoá học, bị nhiễm HIV/AIDS... khả năng sinh con để lại hậu quả xấu, nếu có
nhu cầu sinh con phải được kiểm tra và tư vấn của ngành Y tế để có sự chỉ dẫn
thích hợp.
4. Người phụ nữ muốn thực hiện quyền
làm mẹ được sinh một con trừ trường hợp trong lần sinh đầu mà sinh đôi trở lên,
hoặc trong lần sinh đầu đứa con bị bệnh hiểm nghèo, dị tật mất khả năng lao động
thì được sinh thêm một con.
Điều 5. Những
trường hợp dưới đây được coi là không vi phạm và không áp dụng hình thức xử lý
vi phạm theo quy định này
1. Cặp vợ chồng sinh con thứ 3 nếu:
- Có hai con đều bị tàn tật do tai
nạn không có khả năng lao động, không phát triển bình thường, có xác nhận của bệnh
viện cấp huyện trở lên.
- Trường hợp cả hai con đều bị dị
tật sau khi sinh, không có khả năng lao động, không phát triển bình thường, có
xác nhận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc sinh con không bị bệnh di truyền.
- Trường hợp một hoặc hai con bị
chết do rủi ro thì được sinh thêm.
2. Cặp vợ chồng sinh con lần thứ
nhất mà sinh ba trở lên.
3. Cặp vợ chồng đã có một con, lần
thứ hai sinh đôi trở lên.
Điều 6. Tuyên
truyền, vận động tuổi sinh con của phụ nữ
Tuyên truyền, vận động phụ nữ từ
22 tuổi trở lên mới sinh con và khoảng cách lần sinh con thứ hai cách con thứ
nhất từ 3 năm đến 5 năm để đảm bảo sức khoẻ cho người mẹ và trẻ em.
Điều 7. Chế độ
chính sách khuyến khích thực hiện KHHGĐ
Những người có nhu cầu thực hiện
các biện pháp tránh thai đều được các cơ sở y tế tạo điều kiện thuận lợi và được
hưởng các chế độ ưu tiên như sau:
1. Người sử dụng biện pháp đặt dụng
cụ tử cung (đặt vòng) được khám phụ khoa, cấp dụng cụ tử cung và một số loại
thuốc theo quy định của Bộ Y tế.
2. Người sử dụng biện pháp tránh
thai triệt sản, được phẫu thuật miễn phí, được cấp một số loại thuốc, được hưởng
một khoản tiền bồi dưỡng và một thẻ bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ theo quy định hiện
hành.
3. Người sử dụng thuốc uống tránh
thai, bao cao su, thuốc tiêm, thuốc cấy tránh thai được hướng dẫn và tiếp nhận
các phương tiện tránh thai đó qua hệ thống cộng tác viên dân số - KHHGĐ và nhân
viên Y tế cơ sở.
4. Người đang thực hiện các biện
pháp tránh thai lâm sàng (Đình sản, đặt dụng cụ tử cung, tiêm thuốc, cấy thuốc)
nếu có thai thì được hưởng dịch vụ nạo phá thai, hút điều hoà kinh nguyệt theo
quy định của Bộ Y tế.
Chương III
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ
LÝ VI PHẠM
Điều 8. Khen
thưởng
1. Đối với tập thể.
a) UBND tỉnh khen: Đối với các xã,
phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức trong 3 năm liên tục không có người sinh con
thứ 3 trở lên; thôn, bản, khối phố trong 5 năm liên tục không có người sinh con
thứ 3 trở lên.
b) UBND huyện, thành phố khen: Đối
với các xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức trong 2 năm không có người sinh
con thứ 3 trở lên; thôn, bản, khối phố trong 3 năm liên tục không có người sinh
con thứ 3 trở lên.
2. Đối với cá nhân.
a) Cán bộ, công chức, viên chức,
người lao động; cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên lực lượng vũ trang (sau đây gọi
chung là cán bộ, công chức, viên chức), thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ
được coi là một trong những tiêu chuẩn làm căn cứ để xét thi đua- khen thưởng.
b) UBND tỉnh khen: Cán bộ làm công
tác dân số xã, phường, thôn, bản có thành tích xuất sắc trong việc vận động thực
hiện công tác dân số - KHHGĐ trong 5 năm liên tục xã không có người sinh con thứ
3 trở lên.
c) UBND huyện, thành phố khen: Cán
bộ làm công tác dân số xã, phường, thôn, bản, khối, phố có thành tích xuất sắc
trong việc vận động thực hiện công tác dân số - KHHGĐ từ 3 năm đến dưới 5 năm
liên tục xã không có người sinh con thứ 3 trở lên.
Điều 9. Xử lý
vi phạm
Người vi phạm các quy định về
chính sách dân số - KHHGĐ đều phải xem xét xử lý:
1. Cán bộ, công chức, viên chức
sinh con thứ 3 trở lên thì bị xử lý như sau:
a) Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo
nếu vi phạm lần đầu đối với cán bộ công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh
đạo. Nếu tái phạm thì xử lý hình thức kỷ luật với mức cao hơn.
b) Kỷ luật bằng hình thức cách chức,
bãi nhiệm nếu vi phạm lần đầu đối với cán bộ công chức giữ chức vụ lãnh đạo
(cách chức đối với người do bổ nhiệm, bãi nhiệm đối với người do bầu cử). Nếu
tái phạm thì xử lý hình thức kỷ luật với mức cao hơn.
c) Vợ và chồng là cán bộ, công chức,
viên chức đều xử lý theo quy định tại khoản 1 điều này đối với cả vợ và chồng.
2. Cán bộ, công chức, viên chức là
đảng viên ngoài các hình thức kỷ luật như khoản 1 điều này còn bị xử lý kỷ luật
theo quy định của Đảng.
3. Cán bộ, công chức, viên chức đã
bị xử lý kỷ luật bằng hình thức quy định tại điểm a,b khoản 1 điều này thì bị
kéo dài thời gian nâng bậc lương thêm một năm; không giới thiệu đề cử vào các
cơ quan dân cử và các tổ chức chính trị - xã hội, không bổ nhiệm vào các chức vụ
lãnh đạo các cơ quan nhà nước, lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp nhà nước trong thời
hạn 5 năm kể từ khi có quyết định kỷ luật.
4. Đảng viên sinh con thứ 3 trở
lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng.
5. Các đối tượng khác nếu vi phạm
đều phải xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành và các quy định của Quyết
định này. Các thành viên của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội sinh con thứ 3 trở
lên còn bị xử lý theo quy định của quy chế, quy định của đoàn thể, tổ chức đó.
Người dân sinh con thứ 3 trở lên thì bị xử lý theo quy định của hương ước, quy
ước của làng, bản, thôn, xóm, cụm dân cư nơi cư trú.
6. Những gia đình trong năm có người
sinh con thứ ba trở lên sẽ không xét công nhận gia đình văn hoá trong 5 năm
liên tục.
7. Chính quyền xã, phường, thị trấn
và cơ quan, tổ chức hằng năm nếu để tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng so với
năm trước thì không được công nhận đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đơn vị
văn hoá.
8. Những trường hợp vi phạm chính
sách dân số, kế hoạch hoá gia đình trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi
hành thì xử lý vi phạm theo các văn bản quy phạm pháp luật như: Pháp lệnh Dân số;
Nghị định 104/NĐ- CP ngày 16/9/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn
thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số; Nghị định 114/NĐ-CP ngày 03/10/2006
của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dân số và
trẻ em và các văn bản có liên quan.
Điều 10. Các
hành vi vi phạm khác
Các hành vi cản trở, cưỡng bức việc
thực hiện kế hoạch hoá gia đình; hành vi lựa chọn giới tính thai nhi; sản xuất,
kinh doanh, nhập khẩu và cung cấp phương tiện tránh thai không đúng tiêu chuẩn,
chất lượng; hành vi tuyên truyền, phổ biến thông tin về dân số trái với đường lối,
chính sách của Đảng, Nhà nước thì xử lý theo pháp luật hiện hành.
Điều 11. Nguồn
kinh phí đầu tư cho chương trình dân số
1. Hằng năm Sở Y tế chủ trì phối hợp
với Sở Tài chính và các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể trình duyệt
ngân sách hỗ trợ công tác tuyên truyền, chỉ đạo, khen thưởng về dân số - KHHGĐ.
2. Ngoài nguồn bố trí từ ngân sách
tỉnh, các huyện thành phố căn cứ vào nhu cầu thực tế để xem xét bổ sung kinh
phí hằng năm cho công tác dân số - KHHGĐ của địa phương theo quy định của luật
ngân sách Nhà nước.
3. Nguồn kinh phí thực hiện chính
sách dân số-KHHGĐ do Trung ương cấp.
4. Huy động các nguồn lực khác.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12.
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác dân số - KHHGĐ
Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm
vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm:
1. Tổ chức thực hiện các quy định
của pháp luật về dân số.
a) Xây dựng và tổ chức thực hiện
quy chế, điều lệ của cơ quan, tổ chức phù hợp với quy định của pháp luật về dân
số - KHHGĐ.
b) Tạo điều kiện để các thành viên
của cơ quan, tổ chức thực hiện quy chế, điều lệ, các hương ước, quy ước của cộng
đồng về dân số - KHHGĐ. Tạo điều kiện giúp đỡ cá nhân thực hiện mục tiêu chính
sách dân số phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khoẻ, điều kiện học tập, lao động
công tác, thu nhập, nuôi dạy con phù hợp với chương trình kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội của địa phương và nhà nước. Mọi người có trách nhiệm thực hiện
và vận động con, cháu, anh em, bạn bè đồng nghiệp và những người khác trong cộng
đồng thực hiện KHHGĐ.
c) Thực hiện xã hội hoá về công
tác dân số, tăng cường các hoạt động về thông tin, tuyên truyền - giáo dục về
lĩnh vực dân số và phát triển, đảm bảo cho mọi người dân được cung cấp đầy đủ
các thông tin về dân số - KHHGĐ.
d) Cung cấp dịch vụ dân số đa dạng,
chất lượng, thuận tiện và an toàn đến tận người dân.
đ) Lồng ghép các nội dung dân số -
KHHGĐ vào trong quy hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế xã hội.
2. Xây dựng chỉ tiêu về công tác
dân số - KHHGĐ bao gồm: Chỉ tiêu giảm sinh, chỉ tiêu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3
trở lên và chỉ tiêu người chấp nhận các biện pháp tránh thai vào kế hoạch kinh
tế xã hội hằng năm, đây là những chỉ tiêu quan trọng để xem xét công nhận hoàn
thành kế hoạch kinh tế - xã hội của các địa phương, cơ quan, tổ chức.
3. Định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo
kết quả thực hiện các mục tiêu về dân số - KHHGĐ để kịp thời chỉ đạo; xử lý
nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ.
Điều 13.
Trách nhiệm của các cấp, các ngành
1. Sở Y tế chủ trì phối hợp với
các ngành, các cấp liên quan có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quyết định này,
tham mưu cho UBND tỉnh trong việc xây dựng và giao chỉ tiêu kế hoạch về công
tác dân số - KHHGĐ; tổ chức các hoạt động giám sát, đánh giá và công bố kết quả
thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm; quản lý có hiệu quả các nguồn kinh
phí, phương tiện các chương trình dự án về dân số - KHHGĐ; tuyên truyền cung cấp
kiến thức về dân số - KHHGĐ cho mọi người dân; Phối hợp với các cơ quan thông
tin đại chúng, đẩy mạnh các hoạt động về truyền thông, giáo dục xây dựng điển
hình, tổng kết có hiệu quả công tác dân số - KHHGĐ.
Bố trí đủ cán bộ chuyên môn và đảm
bảo cung ứng đầy đủ kịp thời các phương tiện, thuốc, vật tư trang thiết bị, hướng
dẫn và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - KHHGĐ đảm bảo thuận tiện,
an toàn, chất lượng và hiệu quả.
2. Sở Nội vụ phối hợp với Sở Y tế
và các cơ quan có liên quan hướng dẫn bổ sung các chỉ tiêu thực hiện chính sách
dân số - KHHGĐ thành một tiêu chuẩn để đánh giá cán bộ, công chức, xét danh hiệu
thi đua và hình thức khen thưởng đối với tập thể và cá nhân; phối hợp kiểm tra
và thẩm định kết quả thực hiện hằng năm để khen thưởng những xã, phường, thị trấn,
huyện, thành phố thực hiện tốt chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình.
3. Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch,
Đài Phát thanh -Truyền hình, Báo Lạng Sơn:
- Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch
phối hợp với Sở Y tế đưa mục tiêu chính sách dân số - KHHGĐ là một tiêu chí bắt
buộc trong tiêu chuẩn gia đình, thôn, bản, khối, phố và các cơ quan, đơn vị văn
hoá; hướng dẫn đưa nội dung chính sách dân số - KHHGĐ vào hương ước, quy ước của
cộng đồng.
- Đài Phát thanh -Truyền hình, Báo
Lạng Sơn tổ chức thực hiện tuyên truyền kịp thời những chủ trương của Đảng,
chính sách pháp luật của Nhà nước, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong
thực hiện công tác dân số - KHHGĐ.
4. Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng
các cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ và điều kiện thực tế của
địa phương, cơ quan, tổ chức cần có các quy định cụ thể để thực hiện tốt công
tác dân số - KHHGĐ, thực hiện khen thưởng nhằm khuyến khích những tập thể và cá
nhân thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ và xem xét xử lý nghiêm những cá
nhân, tập thể vi phạm.
5. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc
tỉnh Lạng Sơn và các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội
viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện chính sách dân số -
KHHGĐ; gắn việc xây dựng thực hiện quy chế hương ước của cộng đồng nhằm thực hiện
tốt chính sách dân số - KHHGĐ với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng
đời sống văn hoá ở khu dân cư".
Điều 14. Các
quy định khác
Các nội dung không quy định tại bản
Quy định này được thực hiện theo các quy định của Pháp lệnh Dân số năm 2003,
Nghị định 104/2003/ NĐ-CP ngày 16/9/2003 quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Pháp lệnh Dân số và các văn bản có liên quan./.