Quyết định 21/2006/QĐ-BCN Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ Công tác thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học do Bộ trưởng Bộ Công Nghiệp ban hành

Số hiệu 21/2006/QĐ-BCN
Ngày ban hành 11/07/2006
Ngày có hiệu lực 30/07/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp
Người ký Đỗ Hữu Hào
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

 

BỘ CÔNG NGHIỆP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Số : 21/2006/QĐ-BCN

Hà Nội, ngày 11  tháng 7  năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CÔNG TÁC THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC CẤM VŨ KHÍ HOÁ HỌC

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 ngày 5 năm 2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Nghị dịnh số 100/2005NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về việc thực hiện Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học;
Căn cứ Quyết định số 76/2002/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác thực hiện Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng vũ khí hoá học và Phá huỷ các loại vũ khí này (Công ước Cấm vũ khí hoá học);
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế,

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về tổ chức và hoạt động của Tổ công tác thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và  thay thế Quyết định số 232/2003/QĐ-BCN ngày 24 tháng 12 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ Công tác liên ngành thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, và Tổ trưởng Tổ Công tác thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Xuân Thúy

Điều 1. Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của Tổ công tác thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học để bảo đảm tổ chức thực hiện các nghĩa vụ của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tham gia Công ước này.   

Điều 2. Những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau

Công ước được hiểu là Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng vũ khí hoá học và Phá huỷ các loại vũ khí này (Công ước Cấm vũ khí hoá học) ký ngày 13 tháng 01 năm 1993, được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định phê duyệt ngày 24 tháng 8 năm 1998 và chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 30 tháng 10 năm 1998 .

Tổ chức Công ước được hiểu là Tổ chức Cấm vũ khí hoá học do các Quốc gia thành viên của Công ước thành lập.

Tổ công tác được hiểu là Tổ công tác liên ngành thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học gồm các đại diện của các Bộ: Công nghiệp, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Tài chính, Thương mại, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Hải quan và Văn phòng Chính phủ được thành lập theo Quyết định số 76/2002/QĐ-TTg ngày 14/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ.

Thành viên Tổ công tác gồm Tổ trưởng, Tổ phó và các tổ viên.

Chương 2

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC CỦA TỔ CÔNG TÁC

Tổ Công tác có các chức năng quy định tại Điều 20 của Nghị định só 100/2005/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học (sau đây gọi là Công ước), bao gồm:

1. Tham mưu, tư vấn cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện Công ước.

2. Bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, có hiệu quả giữa các Bộ, ngành và cơ quan hữu quan trong việc thực hiện Công ước.

3. Theo dõi, kiểm tra bảo đảm việc tuân thủ Công ước.

4. Đầu mối quan hệ công tác giữa Việt Nam và Tổ chức Công ước thông qua đại diện là Bộ Công nghiệp.

Tổ công tác có tên giao dịch quốc tế là: Cơ quan quốc gia Việt Nam về thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học.

Trụ sở làm việc: Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Công nghiệp ; số 54, phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Điều 4. Nhiệm vụ của Tổ Công tác

1. Xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình, kế hoạch thực hiện Công ước; tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

2. Theo dõi, tổng hợp, xử lý và xây dựng các thông báo, khai báo quốc gia theo quy định của Công ước để trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp phê duyệt hoặc để Bộ trưởng Bộ Công nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi chính thức gửi cho Tổ chức Công ước.

[...]