Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 2084/QĐ-UBND năm 2015 Chương trình hành động phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 2084/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/05/2015
Ngày có hiệu lực 05/05/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Hứa Ngọc Thuận
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2084/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 5 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tại Tờ trình số 1582/TTr-SVHTT-VHGĐ ngày 10 tháng 4 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố;
- Viện KSND Thành phố;
- Toà án nhân dân Thành phố;
- Các Sở, Ban, ngành, Đoàn thể TP;
- Đài Truyền hình Thành phố;
- Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố;
- VPUB: Các PVP;
- Phòng VX, PCNC, THKH;
- Lưu:VT, (VX/Ng.T) D.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hứa Ngọc Thuận

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2084/QĐ-UBND ngày 05 tháng 5 năm 2015 của Uỷ ban nhân dân Thành phố)

Thực hiện Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020, Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng Chương trình hành động phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:

I. BỐI CẢNH TÌNH HÌNH

Từ năm 2009, Thành phố triển khai thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở ứng dụng nội dung Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Qua hơn 5 năm thực hiện, 322 phường - xã, thị trấn đều có Ban Chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình (đạt 100%) với tổng số trên 3.000 thành viên và trong năm 2014 vừa mới chuyển đổi thành Ban Chỉ đạo công tác gia đình. Ban Chỉ đạo công tác gia đình phường - xã đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức thực hiện các giải pháp can thiệp bạo lực gia đình ở cộng đồng ở 1.976 khu phố - ấp, đã thành lập 1.313 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình (đạt tỷ lệ 66,44%), 1.704 tổ tư vấn tham gia vào công tác tư vấn về gia đình ở cơ sở; 1.438 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; huy động 8.425 tổ hoà giải cơ sở tham gia hoà giải các các mâu thuẫn tranh chấp giữa các thành viên gia đình trong cộng đồng; phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ cùng cấp đưa 2.746 câu lạc bộ gia đình tham gia hoạt động tuyên truyền phòng, chống bạo lực và giáo dục đời sống gia đình.

Qua đó, kết quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn Thành phố từ năm 2009 đến năm 2014 có nhiều tiến bộ, tỷ lệ nạn nhân bạo lực gia đình giảm dần từ 0,0068% xuống còn 0,0010%[1]; nạn nhân là nữ trên tổng số nạn nhân phát hiện năm cao nhất chiếm hơn 91%, năm thấp nhất hơn 83 %; người gây bạo lực gia đình hầu hết là nam giới. Từ các vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) đã phát hiện được các năm qua đều có ở các tầng lớp dân cư; diễn ra nhiều hơn ở khu vực nơi đông người dân nhập cư lưu trú; tỷ lệ số vụ bạo lực gia đình ở các huyện ngoại thành cao hơn so với các quận nội thành; nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bạo lực gia đình là do rượu, kinh tế khó khăn, mặc cảm tâm lý xấu hổ dẫn đến bạo lực kéo dài, từ các gia đình có tệ nạn xã hội,... Tình hình gần đây, một vài vụ bạo lực gia đình xảy ra có hành vi dã man đối với nạn nhân là phụ nữ, trẻ em và cả nam giới gây hậu quả nghiêm trọng về thể chất và tử vong; địa điểm xảy ra ở khách sạn, hoặc nơi gia đình mới chuyển đến cư trú thời gian ngắn.

Trong thời gian tới, quá trình đô thị hóa của Thành phố tiếp tục diễn ra nhanh mạnh cùng với đời sống công nghiệp, hiện đại nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn tác động ảnh hưởng đến các gia đình có thể là lý do dẫn đến bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình có nguồn gốc sâu xa từ bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình bao hàm hành vi bạo lực trên cơ sở giới bị nghiêm cấm. Do vậy, phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) phải gắn kết chặt chẽ với công tác bình đẳng giới, được xác định là công tác lâu dài, thường xuyên, là một mục tiêu phát triển gia đình Việt Nam trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân Thành phố đề ra Chương trình hành động phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung như sau:

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Các mục tiêu cụ thể:

a) Phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt trên 85% và đến năm 2020 đạt trên 95% số hộ gia đình được tiếp cận thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình.

b) Phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt trên 50% và đến năm 2020 đạt trên 90% số cán bộ tham gia phòng, chống bạo lực gia đình các cấp được tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực gia đình.

c) Phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt trên 60% và đến năm 2020 đạt trên 90% số lãnh đạo chính quyền, đoàn thể cấp xã được tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực gia đình.

d) Phấn đấu xây dựng đội ngũ báo cáo viên về phòng, chống bạo lực gia đình cấp thành phố 10 người, cấp quận - huyện 48 người vào cuối năm 2015; cấp thành phố 40 người, cấp quận - huyện 72 người vào năm 2020.

[...]