Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 2042/QĐ-BCT năm 2020 về Quy chế xây dựng và thực hiện Kế hoạch kiểm tra của Bộ Công thương

Số hiệu 2042/QĐ-BCT
Ngày ban hành 04/08/2020
Ngày có hiệu lực 04/08/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Trần Tuấn Anh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2042/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 04 tháng 8 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KIỂM TRA CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Theo đề nghị của Chánh thanh tra Bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về xây dựng và thực hiện Kế hoạch kiểm tra của Bộ Công Thương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1412/QĐ-BCT ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Quy chế xây dựng và thực hiện Kế hoạch kiểm tra của Bộ Công Thương.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng Cục trưởng, Cục trưởng và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, TTB.

BỘ TRƯỞNG




Trần Tuấn Anh

 

QUY CHẾ

VỀ XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KIỂM TRA CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG
(Kèm theo Quyết định số 2042/QĐ-BCT ngày 04 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về xây dựng và thực hiện Kế hoạch kiểm tra của Bộ Công Thương bao gồm xây dựng Kế hoạch kiểm tra, kiểm tra đột xuất, chuẩn bị kiểm tra, tiến hành kiểm tra, kết thúc kiểm tra và kiểm tra lại.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Quy chế này áp dụng đối với các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Tổng cục, Thanh tra Bộ (sau đây gọi chung là các đơn vị trực thuộc Bộ) có kế hoạch kiểm tra được Bộ trưởng phê duyệt và kiểm tra đột xuất của Bộ Công Thương.

2. Quy chế này không áp dụng đối với hoạt động kiểm tra theo dõi tình hình thi hành pháp luật; hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính theo Chương trình; Kế hoạch của lực lượng Quản lý thị trường.

3. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có quy định về quy trình kiểm tra đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương thì áp dụng theo quy định đó.

4. Quy chế này áp dụng đối với các Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì và ban hành Quyết định kiểm tra.

Điều 3. Nguyên tắc kiểm tra

1. Tuân theo các quy định của pháp luật và bảo đảm tính khách quan, chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch; kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm.

2. Trong trường hợp các đơn vị trực thuộc Bộ cùng xây dựng Kế hoạch và tiến hành kiểm tra với một đơn vị phải được kết hợp trong một Đoàn kiểm tra, tránh chồng chéo, trùng lặp.

3. Đoàn kiểm tra chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người ra Quyết định kiểm tra về kết quả kiểm tra.

4. Không cản trở hoạt động bình thường của đối tượng được kiểm tra.

[...]