Quyết định 203/2006/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Số hiệu 203/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/08/2006
Ngày có hiệu lực 26/08/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Nguyễn Hoàng Sơn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 203/2006/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 16 tháng 8 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÂU LẠC BỘ PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 138/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại văn bản số 299/STP-VBPQ ngày 07/8/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Điều 2. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, Chủ nhiệm các Câu lạc bộ phòng chống tội phạm chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÂU LẠC BỘ PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 203/2006/QĐ-UBND ngày 16/8/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ.

Câu lạc bộ phòng chống tội phạm (sau đây gọi tắt là Câu lạc bộ) là tổ chức xã hội của quần chúng tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Uỷ ban nhân dân cấp xã; có nhiệm vụ động viên và tập hợp những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, có tâm huyết trong việc bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng nếp sống mới; cùng nhau vận động, giáo dục, cảm hóa những người có hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội; trực tiếp và phối hợp với tổ chức, đơn vị có liên quan để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của phong trào phòng chống tội phạm ở cơ sở, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm nhằm ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Điều 2. Mục đích hoạt động.

1. Giúp hội viên và nhân dân hiểu biết và thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy ước khu dân cư; hạn chế và từng bước loại trừ những hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội ra khỏi cộng đồng dân cư.

2. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và đổi mới phương thức hoạt động của Câu lạc bộ để ngày càng phong phú, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia, phát huy phong trào phòng chống tội phạm ở địa phương; giúp đỡ và tạo điều kiện cho các đối tượng thuộc diện giáo dục tại xã, phường, thị trấn, những người đang chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo, những người mới chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương, những người vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sớm hòa nhập vào cộng đồng.

Điều 3. Nguyên tắc làm việc.

Câu lạc bộ làm việc tập thể theo nguyên tắc tập trung, dân chủ; nêu gương tốt để cảm hóa các hành vi xấu; lấy truyền thống, đạo đức tốt đẹp để giáo dục người lầm lỗi; phổ biến pháp luật để thuyết phục, răn đe người vi phạm.

Chương II

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÂU LẠC BỘ PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM

Điều 4. Cơ cấu tổ chức.

[...]