QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ KHU VỰC, ĐƯỜNG PHỐ, ĐỊA ĐIỂM SẢN XUẤT,
KINH DOANH VẬT LIỆU XÂY DỰNG, NƠI ĐỂ PHẾ THẢI VẬT LIỆU XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN
HUYỆN CẦN GIỜ
ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN CẦN GIỜ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15
tháng 11 năm 2008 của Quốc hội khóa XII về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội
đồng nhân dân huyện, quận, phường;
Căn cứ Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 ngày
16 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh sách huyện, quận,
phường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm không tổ
chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
Căn cứ Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 ngày
16 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền
hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ủy ban nhân dân huyện,
quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26
tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14
tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số
59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật
Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh
doanh có điều kiện;
Căn cứ Nghị định số
124/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;
Căn cứ Nghị định số
23/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành
chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất,
kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát
triển nhà và công sở;
Căn cứ Thông tư số
11/2007/TT-BXD ngày 11 tháng 12 năm 2007 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện
một số điều của Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Chính
phủ về quản lý vật liệu xây dựng;
Căn cứ Chỉ thị số
17/2008/CT-UBND ngày 08 tháng 9 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về quản
lý Nhà nước về vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quyết định số
200/2004/QĐ-UB ngày 18 tháng 8 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố về công bố
danh sách các ngành nghề sản xuất, kinh doanh không cấp mới giấy chứng nhận
dăng ký kinh doanh, không cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư trong khu
dân cư tập trung;
Xét đề nghị của Trưởng Phòng Quản
lý đô thị tại Tờ trình
số 498/TTr-QLĐT ngày 29 tháng 8 năm 2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này là Quy định
về khu vực, đường phố, địa điểm sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, nơi để
phế thải vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Cần Giờ.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực
thi hành sau 07 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban
nhân dân huyện, Trưởng Phòng Quản lý đô thị, Trưởng Phòng Tư pháp, Trưởng Phòng
Kinh tế, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Phòng Lao động - Thương
binh và Xã hội, Chánh Thanh tra Xây dựng huyện, Chi Cục trưởng Chi Cục Thống kê
huyện, Chi Cục trưởng Chi Cục Thuế huyện, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường huyện,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân hoạt động
trong lĩnh vực vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Cần Giờ có trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
QUY ĐỊNH
VỀ KHU VỰC, ĐƯỜNG PHỐ, ĐỊA ĐIỂM SẢN XUẤT, KINH DOANH VẬT LIỆU
XÂY DỰNG, NƠI ĐỂ PHẾ THẢI VẬT LIỆU XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CẦN GIỜ
(Kèm theo Quyết định số 20/2011/QĐ-UBND ngày 31 tháng 8 năm 2011 của Ủy ban
nhân dân huyện Cần Giờ)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục
đích
Quy định này là cơ sở pháp lý để thống
nhất thực hiện công tác quản lý Nhà nước về hoạt động sản xuất, kinh doanh vật
liệu xây dựng, nơi để phế thải vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Cần Giờ (gọi
tắt là hoạt động lĩnh vực vật liệu xây dựng), nhằm mục đích hạn chế những tác hại
đến môi trường, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội,
phòng chống cháy nổ, giữ gìn cảnh quan đô thị, đồng thời bảo vệ lợi ích chính
đáng của tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp mặt hàng vật liệu xây dựng và người
tiêu dùng.
Điều 2. Đối
tượng và phạm vi áp dụng
1. Đối tượng áp dụng: Tổ chức, cá
nhân được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư hoạt động trong lĩnh vực
vật liệu xây dựng, các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước có liên quan.
2. Phạm vi áp dụng: Hoạt động sản
xuất (bao gồm gia công và chế biến), kinh doanh vật liệu xây dựng; hoạt động để
phế thải vật liệu xây dựng.
Chương II
QUY ĐỊNH KHU VỰC, ĐƯỜNG PHỐ, ĐỊA ĐIỂM SẢN XUẤT, KINH DOANH VẬT LIỆU XÂY
DỰNG, NƠI ĐỂ PHẾ THẢI VẬT LIỆU XÂY DỰNG
Điều 3. Địa
điểm sản xuất vật liệu xây dựng
Địa điểm sản xuất vật liệu xây dựng
là nơi đặt nhà xưởng và trang thiết bị, máy móc được sử dụng để sản xuất hoặc
chế biến nguyên liệu, bán thành phẩm ra sản phẩm.
Cơ quan quản lý các tổ chức, cá
nhân sản xuất vật liệu xây dựng thực hiện theo Quyết định
số 200/2004/QĐ-UB ngày 18 tháng 8 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố về
công bố danh sách các ngành nghề sản xuất, kinh doanh không cấp mới giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh, không cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư trong
khu dân cư tập trung.
Điều 4. Địa điểm
kinh doanh vật liệu xây dựng
Địa điểm kinh doanh vật liệu xây dựng
bao gồm trạm tiếp nhận, kho, bãi tồn trữ, bến thủy bốc dỡ, trung tâm thương mại,
siêu thị, chợ, cửa hàng buôn bán, cửa hàng giới thiệu sản phẩm.
Địa điểm kinh doanh là nơi hoạt động
giao dịch, trao đổi, thỏa thuận việc mua bán hàng hóa vật liệu xây dựng của tổ
chức, cá nhân. Việc bày bán vật liệu xây dựng phải phù hợp với quy định khu vực,
đường phố được phép kinh doanh vật liệu xây dựng của huyện Cần Giờ; phải bảo đảm
các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan, trật tự an toàn giao thông, không
xâm phạm chỉ giới giao thông, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, bảo đảm các
quy định về hành lang bảo vệ đê, hành lang bảo vệ công trình đường bộ, đường
sông và hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, khu vực di tích lịch sử văn
hóa, khu vực danh lam thắng cảnh; phải có trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ và tuân thủ theo quy định của cơ
quan chuyên ngành phòng cháy, chữa cháy.
Các tổ chức, cá nhân hoạt động
trong lĩnh vực vật liệu xây dựng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về địa
điểm sản xuất, kinh doanh. Việc bày bán vật liệu xây dựng chỉ được thực hiện tại
các tuyến đường được quy định cụ thể theo Phụ lục 1 đính kèm Quy định này.
Điều 5. Nơi để
phế thải vật liệu xây dựng
Phế thải vật liệu xây dựng là sản
phẩm, vật liệu bị loại ra từ quá trình sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng
hoặc sử dụng trong các công trình xây dựng.
Chủ nguồn thải chịu trách nhiệm và
thực hiện đúng quy định về nơi để phế thải vật liệu xây dựng tại Nghị định số
59/2007/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn.
Chương III
KIỂM TRA, THANH TRA VÀ XỬ
LÝ VI PHẠM
Điều 6. Kiểm
tra, thanh tra
Định kỳ 06 tháng, năm tổ chức kiểm
tra hoạt động lĩnh vực vật liệu xây dựng. Kiểm tra đột xuất khi có đơn khiếu nại,
tố cáo hoặc phản ảnh từ các phương tiện thông tin đại chúng.
Thanh tra theo kế hoạch hoặc thanh
tra đột xuất khi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, để phế
thải vật liệu xây dựng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc đơn khiếu nại, tố
cáo.
Tổ chức, cá nhân hoạt động lĩnh vực
vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Cần Giờ phải chấp hành việc kiểm tra, thanh tra của Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ
và các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành theo Quy định này.
Điều 7. Xử lý
vi phạm
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm
hành chính trong hoạt động lĩnh vực vật liệu xây dựng bị xử phạt theo tính chất,
mức độ vi phạm, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc truy cứu trách nhiệm
hình sự theo quy định của pháp luật.
Ngoài việc áp dụng các hình thức xử
phạt và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định, tên các tổ chức, cá nhân có
hành vi vi phạm hành chính, nội dung vi phạm, hình thức xử phạt được công bố
trên Trang tin điện tử (Website) của Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ và Sở Xây dựng
thành phố.
Mức xử phạt được áp dụng theo Nghị
định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm
hành chính trong hoạt động xây dựng kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất,
kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát
triển nhà và công sở và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Cán bộ, công chức có hành vi lợi dụng
chức vụ, quyền hạn để trục lợi sẽ bị xử lý kỷ luật; nếu gây thiệt hại thì phải
bồi thường hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Xử lý
chuyển tiếp
Các tổ chức,
cá nhân đang hoạt động kinh doanh bày bán, giao nhận hàng hóa,
có địa điểm kinh doanh vật liệu xây dựng tại những khu vực, đường phố, địa điểm
không thuộc Bảng danh mục của Phụ lục 1 đính kèm Quy định này được phép tồn tại
nhưng không được phép mở rộng quy mô, nâng cấp, xây mới.
Điều 9. Trách nhiệm
của đơn vị trực thuộc
1. Phòng Quản
lý đô thị chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế tham mưu đề xuất cho Thường trực Ủy
ban nhân dân huyện các điểm kinh doanh vật liệu xây dựng được tiếp tục kinh
doanh hoặc phải di dời do không đủ điều kiện về địa điểm theo Quy định.
2. Phòng Kinh
tế thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể và có
ý kiến về Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đối với các doanh nghiệp đăng ký trên
địa bàn huyện thuộc ngành nghề quy định trong Quyết định này.
3. Phòng Tài
nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý các trường hợp gia công
chế biến, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng vi phạm gây ảnh hưởng môi trường
trong khu dân cư và nơi công cộng.
4. Chi Cục Thống
kê phối hợp cung cấp thông tin báo cáo định kỳ (6 tháng, hàng năm) và đột xuất
về tình hình gia công chế biến, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng của tổ
chức, cá nhân trên địa bàn huyện.
5. Phòng Lao
động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra bảo đảm an toàn
và vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về lao động của các cơ sở, gia
công chế biến, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.
6. Thanh tra
Xây dựng huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra tất cả các
điểm gia công chế biến, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện
theo chức năng nhiệm vụ được giao.
7. Chi Cục Thuế kiểm tra việc kê
khai thuế, hoàn thuế, miễm giảm thuế, nộp thuế, quyết toán thuế và chấp hành
chính sách, pháp luật thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vật liệu xây
dựng, xử lý và kiến nghị xử lý đối với trường hợp vi phạm pháp luật thuế; giải
quyết các khiếu nại, tố cáo về thuế theo thẩm quyền.
8. Đội Quản lý thị trường huyện kiểm
tra, kiểm soát thị trường, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thương
mại đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng
trên địa bàn huyện.
9. Ủy ban
nhân dân các xã, thị trấn công bố khu vực hoặc tuyến đường đã quy định về việc
ban hành quy định khu vực, đường phố, địa điểm sản xuất, kinh doanh vật liệu
xây dựng, nơi để phế thải vật liệu xây dựng trên địa bàn mình quản lý. Tổ chức
hướng dẫn, kiểm tra các điểm kinh doanh vật liệu xây dựng cho phù hợp với quy
hoạch của địa phương, đối với các trường hợp không phù hợp quy hoạch đề nghị
các đơn vị có phương án di dời. Xử lý các điểm kinh doanh vật liệu xây dựng
không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Xử lý kiên quyết các trường hợp lấn
chiếm, sử dụng vỉa hè, lề đường làm nơi kinh doanh.
Điều 10. Tổ
chức, cá nhân hoạt động lĩnh vực vật liệu xây dựng
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh vật
liệu xây dựng phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý vật liệu
xây dựng, thương mại và các pháp luật liên quan khác.
2. Tổ chức, cá nhân khi đăng ký
kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện phải lựa chọn
ngành, nghề kinh doanh và ghi mã ngành, nghề kinh doanh vào Giấy đề nghị đăng
ký doanh nghiệp theo Hệ thống ngành kinh tế được Chính phủ quy định.
3. Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo
cáo Ủy ban nhân dân huyện về hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng
theo biểu mẫu của Tổng Cục Thống kê và Bộ Xây dựng.
Điều 11. Điều
khoản thi hành
Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ giao
Phòng Quản lý đô thị hàng năm rà soát lại Quy định này để điều chỉnh cho phù hợp
với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cần Giờ và thành phố./.