THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
20/2004/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 18 tháng 2 năm 2004
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 20/2004/QĐ-TTG NGÀY 18 THÁNG 02
NĂM 2004 VỀ VIỆC THÀNH LẬP TỔ CHỨC ĐIỀU PHỐI PHÁT TRIỂN CÁC VÙNG KINH TẾ TRỌNG
ĐIỂM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) ở cấp
Trung ương để phối hợp các hoạt động phát triển giữa các ngành, các địa phương
nhằm tạo ra sự thống nhất trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đồng bộ trong triển
khai đầu tư để đạt hiệu quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội của các vùng
KTTĐ.
Tổ chức điều phối không phải là
một cấp quản lý; không ra quyết định hành chính; có nhiệm vụ giúp Thủ tướng
Chính phủ phối hợp các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng KTTĐ nhằm phát
triển có hiệu quả các vùng kinh tế trọng điểm của nước ta.
Điều 2.
Cơ cấu, bộ máy của Tổ chức điều phối phát triển các vùng KTTĐ
Cơ cấu, bộ máy của Tổ chức điều
phối phát triển các vùng KTTĐ bao gồm: Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các
vùng KTTĐ và các Tổ điều phối của các Bộ, ngành và địa phương trong vùng KTTĐ.
Điều 3.
Nhiệm vụ, quyền hạn và thành phần của Ban Chỉ đạo điều phối phát triển vùng
KTTĐ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo)
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban
Chỉ đạo:
a) Chỉ đạo phối hợp thực hiện
theo đúng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, vùng, trước mắt rà soát
các quy hoạch cho phù hợp thực tế và yêu cầu phát triển. Chỉ đạo thực hiện các
vấn đề có ý nghĩa vùng như đầu tư xây dựng hạ tầng, môi trường, phát triển nguồn
nhân lực, đối ngoại, liên kết vùng.
b) Đề xuất với Chính phủ ban
hành các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội của
các vùng KTTĐ.
c) Xây dựng chương trình phối hợp
phát triển của các Bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng
KTTĐ.
d) Đề xuất các giải pháp thúc đẩy
phối hợp phát triển giữa các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương trong các vùng KTTĐ.
đ) Theo dõi, đôn đốc và giải quyết
các vấn đề điều phối thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành và các địa phương là
thành viên Ban Chỉ đạo trong quá trình thực hiện phối hợp phát triển.
e) Tổ chức phối hợp giữa các
vùng KTTĐ với các vùng khác.
g) Tổng hợp báo cáo Thủ tướng
Chính phủ theo định kỳ 06 tháng và cả năm về tình hình phát triển và phối hợp
phát triển của các vùng KTTĐ.
2. Thành phần của Ban Chỉ đạo:
a) Trưởng ban: 01 Phó Thủ tướng
Chính phủ, chỉ đạo và điều hành chung.
b) Phó Trưởng ban thường trực: Bộ
trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Phó Trưởng ban thường trực có
nhiệm vụ:
- Giúp Trưởng ban chuẩn bị
chương trình và nội dung hoạt động của Ban Chỉ đạo, chủ trì các cuộc giao ban của
tổ chuyên viên các Bộ, ngành của Ban Chỉ đạo.
- Thay mặt Trưởng ban chủ trì
các cuộc họp, các hội nghị giao ban khi được Trưởng ban uỷ quyền.
- Thay mặt Trưởng ban chủ trì
các buổi làm việc với các Bộ, ngành, các địa phương trong vùng KTTĐ để giải quyết
các vấn đề cụ thể có liên quan đến tổ chức phối hợp phát triển trong các vùng
KTTĐ.
- Ký các văn bản điều hành chung
của Ban Chỉ đạo, các báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo giải
quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do
Trưởng ban giao.
c) Các thành viên Ban Chỉ đạo là
Thứ trưởng hoặc tương đương của các Bộ và cơ quan ngang Bộ: Xây dựng, Giao
thông vận tải, Bưu chính, Viễn thông, Tài nguyên và Môi trường, Thương mại,
Công nghiệp, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ,
Văn hoá - Thông tin, Công an, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính
phủ; Phó Tổng cục trưởng các Tổng cục, Cục: Du lịch, Hàng không Dân dụng Việt
Nam, Hàng hải Việt Nam; Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương thuộc các vùng KTTĐ.
Các thành viên Ban Chỉ đạo có
nhiệm vụ:
- Tham gia chỉ đạo chung theo
chương trình của Ban Chỉ đạo.
- Đại diện cho Bộ, ngành, địa
phương mình trong Ban Chỉ đạo.
- Tổ chức triển khai thực hiện
chương trình phối hợp phát triển của các Bộ và các địa phương trong các vùng
KTTĐ đã được Ban Chỉ đạo thông qua.
- Đề xuất các cơ chế, chính sách
tháo gỡ khó khăn có liên quan đến ngành mình, địa phương mình để tạo điều kiện
cho phát triển của các vùng KTTĐ.
- Báo cáo theo định kỳ (06
tháng, cả năm) và đột xuất về tình hình phát triển và phối hợp phát triển của
ngành mình, địa phương mình với các ngành và các địa phương khác trong các vùng
KTTĐ.
- Đề xuất ý kiến của Bộ, ngành
và các địa phương về các vấn đề có liên quan đến phát triển và phối hợp phát
triển trong các vùng KTTĐ.
- Tham gia đầy đủ các cuộc họp
và các công việc chung của Ban Chỉ đạo. Trường hợp thuyên chuyển công tác, phải
báo cáo và đề nghị người thay thế với Trưởng Ban Chỉ đạo.
Điều 4. Thành
lập bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo
Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định
thành lập bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo và ban hành Quy chế hoạt động của bộ phận
giúp việc Ban Chỉ đạo theo nguyên tắc: thành lập Văn phòng Ban Chỉ đạo bao gồm
Chánh Văn phòng, 01 Phó Chánh Văn phòng và một số cán bộ chuyên trách theo dõi
các vùng KTTĐ thuộc biên chế Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu
tư. Văn phòng Ban Chỉ đạo đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Điều 5.
Nhiệm vụ, quyền hạn và thành phần của Tổ điều phối của các Bộ, ngành và địa
phương trong vùng KTTĐ (gọi tắt là Tổ điều phối)
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ điều
phối (danh sách ở Điều 3 mục 2 khoản c):
a) Tổ điều phối là tổ chức giúp
việc cho các Bộ, ngành và địa phương thực hiện nhiệm vụ phối hợp giữa Ban Chỉ đạo
với các Bộ, ngành và địa phương.
b) Có sự phối hợp chặt chẽ giữa
các Bộ, ngành và địa phương trong việc lập, tổ chức thực hiện quy hoạch; xây dựng
báo cáo các vấn đề về quy hoạch, kế hoạch và tình hình phát triển của ngành, địa
phương trình Ban Chỉ đạo gửi về Văn phòng Ban Chỉ đạo (trừ những vấn đề thuộc
bí mật quốc gia).
c) Phát hiện các khó khăn, vướng
mắc trong phát triển và phối hợp phát triển của ngành mình, địa phương mình và
các giải pháp tháo gỡ.
d) Cung cấp thông tin liên quan
tới chủ trương phát triển ngành, tác động của các cơ chế, chính sách đang thực
thi tới ngành, địa phương.
đ) Trên cơ sở các cơ chế điều
hành, cơ chế phối hợp chung, các Bộ, ngành, địa phương có kế hoạch triển khai
thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo.
2. Tổ chức của Tổ điều phối:
a) Mỗi Bộ, ngành và địa phương
trong vùng KTTĐ có một Tổ điều phối giúp Bộ trưởng, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố thực hiện nhiệm vụ điều phối trong phạm vi chức năng.
b) Tổ điều phối do 01 đồng chí
Thứ trưởng hoặc Phó Chủ tịch tỉnh, thành phố tham gia thành viên Ban Chỉ đạo
làm Tổ trưởng và một số thành viên có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm công
tác. Số lượng thành viên của Tổ điều phối do Tổ trưởng Tổ điều phối quyết định
trên cơ sở khối lượng công việc của mỗi Bộ, ngành, địa phương.
Điều 6.
Nội dung và Quy chế điều phối
1. Nội dung điều phối:
a) Tổ chức các cuộc tiếp xúc,
các cuộc gặp mặt bàn bạc hoặc thông tin về kết quả phát triển và phối hợp phát
triển trong các vùng KTTĐ:
- Mỗi quý họp giao ban vùng một
lần, luân phiên tổ chức tại các tỉnh.
- Định kỳ hàng năm tổ chức tổng
kết, đánh giá hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương trong
vùng để có giải pháp phù hợp, nâng cao hiệu quả phối hợp, hợp tác trong năm tiếp
theo.
b) Nội dung phối hợp:
Các địa phương, các ngành căn cứ
vào chương trình phối hợp của Ban Chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động cụ thể
của Bộ, ngành, địa phương theo các hướng phối hợp chủ yếu sau đây:
- Phối hợp sử dụng tài nguyên,
nhất là tài nguyên nước.
- Phối hợp xây dựng kết cấu hạ tầng,
nhất là trong việc xây dựng các tuyến trục giao thông huyết mạch, các cảng biển
và phát triển đô thị.
- Phối hợp sử dụng lao động cho
các khu công nghiệp.
- Phối hợp ban hành cơ chế,
chính sách, nhất là đối với chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, chính sách
thu hút vốn đầu tư,...
- Phối hợp quảng bá và thu hút đầu
tư nước ngoài.
- Phối hợp triển lãm, hội chợ và
xuất khẩu.
- Phối hợp đào tạo nguồn nhân lực,
nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kể cả công nhân kỹ thuật cao.
- Phối hợp phòng bệnh, khám, chữa
bệnh.
2. Quy chế điều phối:
a) Điều phối theo Chương trình
hành động đã được Trưởng Ban Chỉ đạo thông qua.
Phó Trưởng ban thường trực Ban
Chỉ đạo điều hành trực tiếp việc điều phối thông qua Văn phòng Ban Chỉ đạo.
Các thành viên Ban Chỉ đạo chịu
trách nhiệm cụ thể về nội dung phối hợp và thực hiện nhiệm vụ điều phối theo phân
công của Trưởng ban.
b) Nội dung điều phối, phương thức
điều phối và trách nhiệm điều phối được bàn bạc và thống nhất ở các hội nghị
giao ban vùng.
c) Mỗi thành viên trong Ban Chỉ
đạo, mỗi Bộ, ngành và địa phương chịu trách nhiệm phối hợp giữa Bộ, ngành, địa
phương mình với Bộ, ngành và địa phương khác theo sự chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ
đạo.
d) Trong quá trình phối hợp có vấn
đề gì nảy sinh và có vấn đề gì không thống nhất được giữa các bên phối hợp thì Văn
phòng Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo lên Phó Trưởng ban thường trực
Ban Chỉ đạo để xin ý kiến của Trưởng ban và nếu cần thì báo cáo lên Thủ tướng
Chính phủ.
Điều 7. Kinh
phí hoạt động
1. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ
đạo và của Văn phòng Ban Chỉ đạo được bố trí chung vào dự toán chi ngân sách
hàng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và được quản lý, thanh quyết toán theo quy định
của Luật Ngân sách Nhà nước.
2. Kinh phí hoạt động được cấp về
Văn phòng Ban Chỉ đạo. Văn phòng được phép sử dụng tài khoản và bộ máy tài vụ của
Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Kinh phí hoạt động của các Tổ
điều phối ở các Bộ, ngành và địa phương được cấp từ ngân sách của Bộ, ngành và
địa phương.
Điều 8.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 9.
Tổ chức thực hiện
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong các vùng KTTĐ có trách nhiệm tạo điều
kiện thuận lợi cho Tổ chức điều phối phát triển các vùng KTTĐ hoạt động có hiệu
quả và chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.