ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1987/2004/QĐ-UBND
|
Hải
Dương, ngày 19 tháng 05 năm 2004
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ XẾP HẠNG VÀ QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA – DANH LAM THẮNG
CẢNH CẤP TỈNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND – UBND ngày 26 tháng 11
năm 2003;
Căn cứ Luật Di sản Văn hóa ngày 29 tháng 6 năm
2001; Nghị định 92/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa – Thông
tin,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế xếp hạng và quản
lý di tích lịch sử văn hóa – Danh lam thắng cảnh cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Hải
Dương”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng HĐND, UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa
– Thông tin, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các cấp
và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ VHTT (để b/c)
- Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư Pháp.
- Thường trực Tỉnh ủy.
- Thường trực HĐND tỉnh.
- Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
- Như Điều 3.
- Lưu.
|
TM.
UBND TỈNH HẢI DƯƠNG
CHỦ TỊCH
Nguyễn Trọng Nhưng
|
QUY CHẾ
XẾP
HẠNG VÀ QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA – DANH LAM THẮNG CẢNH CẤP TỈNH TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1987/2004/QĐ-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2004
của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương)
Chương 1.
NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Di tích lịch sử văn hóa – danh lam thắng cảnh (sau đây gọi
tắt là di tích – danh thắng) là những công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan
thiên nhiên có giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ gắn liền với các
danh nhân, sự kiện tiêu biểu cho một hoặc nhiều giai đoạn lịch sử. Di tích –
danh thắng cấp tỉnh là di tích – danh thắng có giá trị, nhưng chưa đủ tiêu chí
xếp hạng cấp quốc gia.
Điều 2. Quy chế quản lý và xếp hạng di tích – danh thắng cấp tỉnh
trên địa bàn tỉnh Hải Dương được xây dựng trên cơ sở những qui định của Luật Di
sản văn hóa và những văn bản pháp luật hiện hành.
Qui chế này bao gồm những quy định cụ thể về xếp hạng
và quản lý đối với các di tích – danh thắng và áp dụng cho các tổ chức, cá nhân
hoạt động trong lĩnh vực có liên quan đến di tích tại địa phương.
Chương 2.
NGUYÊN TẮC VÀ QUY TRÌNH
XẾP HẠNG
Điều 3. Di tích – danh thắng xếp hạng cấp tỉnh có một trong các
tiêu chí sau:
a. Công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu ấn những sự
kiện lịch sử quan trọng hoặc gắn với những nhân vật tiêu biểu, với một hoặc nhiều
giai đoạn lịch sử, có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của địa phương;
b. Công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị của địa
phương;
c. Địa điểm khảo cổ học có giá trị trong phạm vi địa
phương;
d. Cảnh quan thiên nhiên có giá trị, hấp dẫn du
khách hoặc những địa điểm có sự kết hợp giữa thiên nhiên với các sự kiện lịch sử
hoặc kiến trúc nghệ thuật trong phạm vi địa phương.
Điều 4. Di tích – danh thắng xếp hạng cấp tỉnh đảm bảo nguyên tắc
sau:
a. Không có sự tranh chấp về lý lịch di tích và
ranh giới bảo vệ.
b. Nằm trong quy hoạch bảo vệ di tích – danh thắng
của UBND các cấp.
c. Di tích – danh thắng xếp hạng cấp tỉnh, sau khi
tiếp tục phục hồi, tu bổ, tôn tạo, nếu đủ điều kiện, được xem xét đề nghị Bộ
Văn hóa – Thông tin quyết định cấp Bằng xếp hạng quốc gia.
Điều 5. Quy trình và thể thức xét duyệt xếp hạng di tích cấp tỉnh
a. Căn cứ đơn đề nghị của tổ chức, cá nhân là chủ sở
hữu hoặc được giao quản lý di tích – danh thắng, UBND xã, phường, thị trấn có ý
kiến xác nhận trình UBND huyện, thành phố.
b. Trên cơ sở đề nghị của UBND xã, phường, thị trấn,
UBND huyện, thành phố có văn bản đề nghị Sở Văn hóa – Thông tin lập hồ sơ xếp hạng
di tích – danh thắng.
c. Sở Văn hóa – Thông tin tổ chức nghiên cứu, khảo
sát, thẩm định, lập hồ sơ khoa học trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định và cấp Bằng
xếp hạng di tích – danh thắng.
d. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày công tác, kể từ
ngày tiếp nhận đề nghị lập hồ sơ xếp hạng di tích – danh thắng của UBND huyện,
thành phố, Sở Văn hóa – Thông tin phải xem xét giải quyết, nếu chưa đủ điều kiện
trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 6. Hồ sơ xếp hạng di tích – danh thắng cấp tỉnh bao gồm:
a. Đơn đề nghị của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu
hoặc được giao quản lý di tích – danh thắng;
b. Lý lịch di tích – danh thắng;
c. Bản vẽ mặt bằng tổng thể, các mặt cắt ngang, dọc
di tích; Những kết cấu và chi tiết kiến trúc tiêu biểu của di tích theo tỷ lệ
1/50;
d. Tập ảnh mầu khảo tả di tích và cổ vật;
đ. Bản dập, dịch tài liệu hán nôm và các văn bản
liên quan đến di tích;
e. Biên bản và bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích có
dấu xác nhận của UBND các cấp, Sở Tài nguyên – Môi trường và Sở Văn hóa – Thông
tin;
g. Tờ trình của Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin.
Điều 7. Việc quản lý, quy hoạch khoanh vùng bảo vệ, phát huy giá trị
di tích – danh thắng được thực hiện theo quy định của Luật Di sản Văn hóa và
các văn bản pháp luật khác có liên quan, nhưng phải phù hợp với đặc điểm thực
tiễn, quy mô của từng di tích.
Điều 8. Kinh phí chi cho việc lập hồ sơ xếp hạng di tích – danh thắng,
được bố trí hàng năm trong kế hoạch được duyệt theo phân cấp ngân sách.
Chương 3.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC
NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG TRONG VIỆC QUẢN LÝ, BẢO VỆ DI TÍCH – DANH THẮNG
Điều 9. Trách nhiệm của Sở Văn hóa – Thông tin:
Sở Văn hóa – Thông tin có trách nhiệm giúp Ủy ban
nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về di tích – danh thắng trên địa bàn tỉnh,
có nhiệm vụ:
a. Căn cứ giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di
tích đã được phân loại theo tiêu chí quy định tại Điều 3 của Quy chế, để xây dựng
kế hoạch xếp hạng di tích – danh thắng cấp tỉnh hàng năm, lập hồ sơ khoa học
trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xếp hạng di tích.
b. Phối hợp với UBND huyện, thành phố và các ngành
có liên quan xây dựng kế hoạch tu bổ, tôn tạo và phát động phong trào toàn dân
tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di tích – danh thắng.
c. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm di
tích – danh thắng theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố
Thực hiện theo quy định tại Điều 50 Nghị định số
92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ, đồng thời có kế hoạch phối hợp với
Sở Văn hóa – Thông tin trong việc xây dựng quy hoạch, quản lý, kiểm kê, đăng
ký, phân loại di tích – danh thắng cũng như các di vật, cổ vật, bảo vật; Đồng
thời thực hiện các công việc có liên quan đến quản lý di tích – danh thắng trên
địa bàn, theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Trách nhiệm của Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường,
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh và các Sở, ngành liên quan:
Căn cứ nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Văn hóa
– Thông tin trong việc đảm bảo nguồn kinh phí, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử
dụng đất, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, nhằm phát huy giá trị di
tích – danh thắng phục vụ lợi ích của nhân dân.
Điều 12. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:
Thực hiện theo quy định tại Điều 51 Nghị định số 92/2002/NĐ-CP
ngày 11/11/2002 của Chính phủ, có kế hoạch chỉ đạo các thôn, khu dân cư tổ chức
bảo vệ, phát huy giá trị di tích; Tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt
Luật Di sản văn hóa, Quy chế tổ chức lễ hội, Quy chế bảo quản, tu bổ, phục hồi
di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh của Bộ Văn hóa – Thông tin và
Quy chế này. Đồng thời lập kế hoạch đề nghị các cấp có thẩm quyền trong việc
quy hoạch, tu bổ, tôn tạo di tích – danh thắng thuộc trên địa bàn quản lý.
Chương 4.
KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 13. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ, phát huy
giá trị di tích và danh thắng được khen thưởng theo qui định của pháp luật.
Điều 14. Tổ chức, cá nhân có hành vi hủy hoại, xâm lấn hoặc làm giảm
giá trị của di tích – danh thắng và các quy định khác của pháp luật về bảo tồn,
tu bổ, phát huy giá trị di tích, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử
lý, kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường
theo qui định của pháp luật.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Những vấn đề liên quan đến việc quản lý và xếp hạng di tích
lịch sử văn hóa quốc gia không đề cập ở Quy chế này, được thực hiện theo Luật
Di sản văn hóa và Nghị định 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ.
Điều 16. Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin giúp Ủy ban nhân dân tỉnh
hướng dẫn, giám sát thực hiện Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có những nội dung cần
sửa đổi, bổ sung, Sở Văn hóa –Thông tin có trách nhiệm tổng hợp, trình UBND tỉnh
xem xét điều chỉnh cho phù hợp./.