THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 197/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 21 tháng 01
năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT ĐỀ ÁN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI THỂ THAO HỌC SINH ĐÔNG NAM Á LẦN THỨ 5 NĂM 2013 TẠI
VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật thể dục, thể thao ngày
29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày
03 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát
triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020;
Căn cứ vào văn bản chính thức phân
công nhiệm vụ tổ chức Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á 5 - 2013 của Hội đồng
thể thao học sinh Đông Nam Á (ASSC) ngày 16 tháng 12 năm 2011;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt
Đề án tổ chức Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 5 năm 2013, với những
nội dung chính sau:
1. Mục đích, yêu cầu:
- Đẩy mạnh phát triển phong trào giáo
dục thể chất và thể thao trường học, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực cho học
sinh. Phát triển, nâng cao trình độ cho lực lượng vận động viên là học sinh, lực
lượng cán bộ ngành giáo dục về quản lý, điều hành, tổ chức sự kiện thể thao quốc
tế.
- Chủ động huy động các nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước; đảm bảo đầy đủ các điều kiện về
cơ sở vật chất trên tinh thần tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả.
- Chủ động, tích cực chuẩn bị lực lượng vận động viên, huấn luyện viên tham gia Đại hội. Phấn đấu có thành tích cao ở một số môn học sinh Việt
Nam có thế mạnh, như: Điền kinh, Thể
dục, Bóng bàn, Pencak Silat; phấn đấu giành được từ 20 - 25 huy chương vàng, đạt
thứ hạng từ 3 - 4 trong tổng số 9 quốc gia tham dự Đại hội.
- Giới thiệu, quảng bá hình ảnh
đất nước, con người, những nét đặc trưng văn hóa của Việt Nam tuyên truyền giới
thiệu về giáo dục Việt Nam, về học sinh Việt Nam, tạo cơ hội cho học sinh Việt
Nam giao lưu, gặp gỡ học sinh trong khu vực.
2. Nội dung tổ chức Đại hội:
a) Quy mô:
- Số lượng Đoàn Thể thao học sinh
Đông Nam Á tham dự Đại hội lần thứ 5 - 2013: 8 nước trong
Hội đồng (Việt Nam, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Brunei, Philipin,
Campuchia) và 01 nước mời (Lào) với 1500 vận động viên, huấn luyện viên và cán bộ đoàn, 200 quan chức, khách mời, phóng viên, 1000 trọng tài, an ninh phục vụ, thanh niên tình nguyện.
- Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam
Á lần thứ 5 - 2013 sẽ tổ chức thi đấu
9 môn: Điền kinh, Cầu mây, Bơi, Cầu
lông, Bóng rổ, Thể dục, Bóng bàn, Bóng chuyền, Pencak Silat.
b) Thời gian:
Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á
dự kiến diễn ra trong 9 ngày từ ngày 22 đến ngày 30 tháng 6 năm 2013.
c) Địa điểm: Thành phố Hà Nội.
3. Các nhiệm vụ chính:
- Thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức
và các Tiểu ban chuyên môn của Ban tổ chức.
- Xây dựng kế hoạch tổ chức Đại hội.
- Xây dựng và ban hành Điều lệ từng
môn trong chương trình thi đấu của Đại hội.
- Chuẩn bị lực lượng vận động viên
Đoàn Thể thao học sinh Việt Nam tham dự Đại hội đạt thành
tích cao.
- Chuẩn bị địa điểm, trang thiết bị
thi đấu, tập luyện đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn tổ chức Đại hội Thể thao học
sinh Đông Nam Á.
- Chuẩn bị các địa điểm, phương tiện
phục vụ nhu cầu ăn, ở, đi lại của các đối tượng tham dự Đại hội; bảo đảm các dịch
vụ y tế; thông tin, truyền thông và công nghệ thông
tin; giao thông vận tải; giao lưu văn hóa, tham quan, và các dịch
vụ công cộng khác.
- Bảo đảm an ninh, trật tự trước,
trong và sau thời gian diễn ra Đại hội.
- Thực hiện các quy định về lễ tân
theo đúng nghi thức Việt Nam và thông lệ quốc tế.
- Tổ chức lễ Khai mạc, lễ Bế mạc Đại
hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 5 - 2013.
- Tổ chức các cuộc thi đấu tại Đại hội.
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch thông
tin, tuyên truyền quảng bá về đất nước và con người Việt Nam.
- Vận động tài trợ cho Đại hội.
4. Kinh phí thực hiện:
- Kinh phí chuẩn bị và tổ chức Đại hội
Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 5 - 2013 được bảo đảm từ các nguồn ngân
sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương); đóng góp lệ phí của
các đoàn thể thao, tài trợ và các nguồn thu hợp pháp khác.
- Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ
trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân
dân thành phố Hà Nội xây dựng dự toán chi tiết các khoản
kinh phí chi phục vụ tổ chức Đại hội trình Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt.
Điều 2. Tổ chức
thực hiện
Phân công trách nhiệm
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, phối
hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân thành
phố Hà Nội xây dựng và ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức Đại
hội;
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành
xây dựng, ban hành Kế hoạch tổ chức Đại hội;
- Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
kinh phí tổ chức Đại hội;
- Là đầu mối báo cáo công tác chuẩn bị
Đại hội với ASSC;
- Chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan
báo chí tuyên truyền về Đại hội;
- Chỉ đạo, kiểm tra công tác chuẩn bị
tổ chức Đại hội;
- Chủ trì tổ chức các Hội nghị về triển
khai thực hiện Đề án;
- Kiểm tra, khảo sát công tác chuẩn bị
tổ chức Đại hội;
- Bố trí ăn ở, đi lại, tiếp đón đảm bảo thuận lợi,
an toàn cho các đối tượng tham dự Đại hội;
- Chịu trách nhiệm về cơ sở vật chất,
trang thiết bị thi đấu, địa điểm thi đấu của các trường đại học, cao đẳng;
- Chủ trì thành lập và tổ chức Đoàn
Thể thao học sinh Việt Nam tham dự Đại hội.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Chủ trì công tác điều hành chuyên
môn cho Đại hội;
- Phối hợp tuyển chọn, tập huấn cho
đoàn thể thao học sinh Việt Nam;
- Kiểm tra các điều kiện cơ sở vật chất
để tổ chức thi đấu trong Đại hội;
- Chịu trách nhiệm về cơ sở vật chất,
trang thiết bị thi đấu, địa điểm thi đấu thuộc quyền quản lý của đơn vị;
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo
xây dựng Điều lệ của Đại hội.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Xác định nguồn đầu tư của Nhà nước, cơ chế chính sách đầu tư thể thao, tín dụng ưu đãi,
cân đối vốn và nguồn lực khác cho Đại hội;
- Hỗ trợ Ban tổ chức trong việc huy động
các nguồn tài trợ của các tổ chức và cá nhân ở trong, ngoài nước để tổ chức
thành công Đại hội.
4. Tài chính
- Xây dựng, ban hành cơ chế, chính
sách về tài chính;
- Xác định tỷ lệ ngân sách nhà nước
chỉ để triển khai, thực hiện Đề án;
- Bố trí kinh phí và hướng dẫn kịp thời
để triển khai các hoạt động.
5. Bộ Ngoại giao
- Xây dựng ban hành chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhập, xuất cảnh cho các đối tượng tham dự Đại
hội;
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền
đối ngoại về Đại hội;
- Tham gia công tác lễ tân, đối ngoại
của Đại hội.
6. Bộ Công an
- Xây dựng ban hành cơ chế, chính
sách tạo thuận lợi đi lại, an ninh, an toàn cho các đối tượng tham dự Đại hội;
- Chỉ đạo việc bố trí lực lượng công
an bảo vệ trật tự, an toàn tại các địa điểm của Đại hội;
phối hợp quản lý và phân luồng giao thông trên các tuyến đường xung quanh địa
điểm tổ chức.
7. Bộ Y tế
- Xây dựng phương án bảo vệ môi trường,
phòng chống dịch bệnh; các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đo lường
chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm;
- Đảm bảo chăm sóc sức khoẻ cho các đối
tượng tham gia Đại hội.
8. Bộ Thông tin và Truyền thông
- Quản lý hệ thống công nghệ thông
tin, tuyên truyền Đại hội;
- Ứng dụng công nghệ thông tin, truyền
thông trong điều hành Đại hội;
- Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo
chí tường thuật trực tiếp và đưa tin trước, trong và sau Đại
hội;
- Hướng dẫn Đài Truyền hình Việt Nam,
Đài Tiếng nói Việt Nam truyền hình và phát thanh trực tiếp, các Đài Phát thanh
và Truyền hình địa phương tiếp sóng, đưa tin về Đại hội;
- Đảm bảo thông tin đầy đủ, liên lạc
thông suốt trong thời gian Đại hội.
9. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội
- Chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch và các sở, ban, ngành liên quan trong việc thực hiện Đề án đăng cai tổ chức
Đại hội trên địa bàn;
- Chịu trách nhiệm về cơ sở vật chất,
trang thiết bị thi đấu, địa điểm thi đấu thuộc quyền quản lý của địa phương;
- Chịu trách nhiệm về Khai mạc, Bế mạc;
- Ban hành các cơ chế chính sách theo
thẩm quyền tại địa phương để tạo điều kiện thuận lợi trong việc đăng cai tổ chức
thành công Đại hội.
Điều 3. Hiệu lực
thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày ký.
Điều 4. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực
thuộc TW;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam;
- Cơ quan Trung ương của các
đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các
PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ: KTN, KTTH, VIII;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Thiện Nhân
|