Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 1941/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt dự án quy hoạch phát triển cây lúa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020

Số hiệu 1941/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/09/2014
Ngày có hiệu lực 19/09/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Nguyễn Xuân Tiến
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1941/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 19 tháng 09 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CÂY LÚA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội và Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất lúa;

Căn cứ Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp đến 2020 và tầm nhìn đến 2030;

Căn cứ Quyết định số 3367/QĐ-BNN-TT ngày 31/7/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2014 - 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 55/TTr-SNN ngày 04/4/2014 và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 75/KHĐT-TH ngày 22/4/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt dự án quy hoạch phát triển cây lúa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến 2020 với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Thực trạng ngành sản xuất lúa gạo của tỉnh đến năm 2013:

Tổng diện tích canh tác lúa trên địa bàn tỉnh đạt 21.784 ha trải rộng trên địa bàn 10 huyện, thành phố Đà Lạt; trong đó, diện tích lúa 2-3 vụ là 12.211 ha, diện tích lúa 01 vụ là 9.573 ha, có khoảng 4.500 ha lúa chất lượng cao và 300 ha lúa giống.

Vùng trọng điểm về sản xuất lúa hàng hóa tập trung tại các huyện: Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh và Lâm Hà; đối với các địa phương còn lại chủ yếu là canh tác nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu tại chỗ của dân cư.

Hệ số sử dụng đất trồng lúa bình quân đạt 1,52 lần, tổng diện tích gieo trồng đạt khoảng 33.200 ha với cơ cấu mùa vụ: lúa mùa 16.080 ha, lúa đông xuân 10.860 ha, lúa hè thu 6.260 ha; năng suất bình quân đạt 4,9 tấn/ha/vụ, sản lượng đạt 163.000 tấn; có 80% diện tích gieo trồng sử dụng giống lúa thuộc các dòng có năng suất cao, chất lượng tốt như IR, OM, OMCS, MTL, tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong các khâu làm đất, thu hoạch đạt 85% (trong đó có 50% diện tích gieo sạ áp dụng cơ giới hóa).

Tại địa bàn huyện Cát Tiên và Đạ Tẻh thường xảy ra tình trạng hạn hán ở vụ đông xuân, các loại sâu bệnh hại trên lúa như rầy nâu, đạo ôn, vàng lùn - lùn xoắn lá, ốc bươu vàng thường xuất hiện tại các khu vực trọng điểm trồng lúa ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lúa của tỉnh.

Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất lúa cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, hiện nay có 75% diện tích lúa chủ động được nước tưới, tuy nhiên nhiều công trình thủy lợi bồi lấp, xuống cấp, khả năng cung cấp nước thấp hơn so với công suất thiết kế, nhiều khu vực cần tiếp tục đầu tư công trình thủy lợi để chủ động nguồn nước tưới, chuyển đổi từ đất lúa 1 vụ sang đất lúa 2 vụ; giao thông nội đồng chủ yếu là đường đất, gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa, nhất là trong mùa mưa; các cơ sở chế biến và bảo quản lúa gạo chưa đáp ứng được nhu cầu, sản phẩm lúa sau thu hoạch chủ yếu được phơi thủ công, không đạt độ ẩm theo quy định (13-14%), tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch còn cao từ (13-16%), các cơ sở chế biến lúa gạo có quy mô nhỏ lẻ, công suất thấp, công nghệ lạc hậu, tỷ lệ thu hồi gạo thành phẩm thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Thị trường tiêu thụ lúa gạo chủ yếu đáp ứng nhu cầu nội tiêu trong tỉnh, một phần bán ra các tỉnh lân cận một số vùng chuyên canh lúa.

2. Mục tiêu của Quy hoạch đến năm 2020:

a) Ổn định diện tích canh tác lúa đến năm 2020 đạt khoảng 20.200 ha, trong đó lúa 02 vụ trở lên đạt 15.000 ha; năng suất bình quân đạt 5,4 - 5,5 tấn/ha/vụ, sản lượng lúa khoảng 200.000 tấn/năm.

b) Đến năm 2020, có trên 85% diện tích gieo trồng sử dụng giống lúa xác nhận có năng suất, chất lượng và khả năng kháng sâu bệnh cao; có từ 38 - 40% diện tích canh tác lúa chất lượng cao và lúa giống được sản xuất theo quy trình VietGAP.

3. Nội dung quy hoạch phát triển cây lúa đến năm 2020:

a) Quy hoạch sử dụng đất cho cây lúa: Khuyến khích đầu tư chiều sâu các giải pháp kỹ thuật để khai thác tối đa hiệu quả diện tích đất trồng lúa, cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa nước; bảo vệ và nâng cao chất lượng đất trồng lúa, đối với diện tích lúa một vụ chuyển đổi thành lúa 2 vụ hoặc cây hàng năm khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến năm 2020, tổng diện tích đất trồng lúa đạt khoảng 20.200 ha, chia thành 02 vùng:

- Xây dựng và phát triển vùng chuyên canh lúa hàng hóa tại 06 huyện trọng điểm về trồng lúa: huyện Cát Tiên (4.680 ha), huyện Đạ Tẻh (3.700 ha), huyện Đức Trọng (3.220 ha), huyện Di Linh (2.538 ha), huyện Đơn Dương (2.501 ha) và huyện Lâm Hà (2.072 ha).

- Ổn định vùng sản xuất lúa nhỏ lẻ để cung cấp lương thực, đáp ứng nhu cầu tại chỗ tại thành phố Đà Lạt (19 ha), huyện Lạc Dương (70 ha), huyện Đạ Huoai (300 ha), huyện Đam Rông (1.100 ha).

b) Quy hoạch sản xuất lúa chất lượng cao, lúa giống: Tập trung chuyển đổi diện tích canh tác lúa thương phẩm sang lúa chất lượng cao, lúa giống. Đến năm 2020, có 7.630 ha sản xuất lúa chất lượng cao và lúa giống, bao gồm:

- Lúa chất lượng cao 7.150 ha, năng suất bình quân đạt 6 - 6,2 tấn/ha/vụ, sản lượng khoảng 95.000 tấn, phân bố tại huyện Cát Tiên (3.400 ha), huyện Đạ Tẻh (2.200 ha), huyện Đơn Dương (600 ha), huyện Di Linh (600 ha), huyện Lâm Hà (300 ha).

- Lúa giống 480 ha sản lượng khoảng 6.200 tấn, phân bố tại huyện Cát Tiên (420 ha), huyện Đơn Dương (60 ha).

[...]