Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 276/KH-UBND năm 2014 về thực hiện cánh đồng lớn sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2014 - 2020

Số hiệu 276/KH-UBND
Ngày ban hành 01/12/2014
Ngày có hiệu lực 01/12/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Lê Văn Nghĩa
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 276/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 01 tháng 12 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÁNH ĐỒNG LỚN SẢN XUẤT LÚA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

Căn cứ Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT ngày 29/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án Tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”;

Căn cứ Quyết định số 2231/QĐ-UBND ngày 11/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất lúa tỉnh Tiền Giang đến năm 2020,

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện cánh đồng lớn sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2014 - 2020 như sau:

I. THỰC TRẠNG SẢN XUẤT VÀ LIÊN KẾT TIÊU THỤ LÚA CỦA TỈNH TIỀN GIANG

1. Thực trạng sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh

Tiền Giang là tỉnh đi đầu trong phong trào xây dựng vùng lúa cao sản ngay từ những năm đầu của thập kỷ 80, phần lớn diện tích đất canh tác lúa đã trở thành những cánh đồng lúa chất lượng cao, đặc sản. Sản lượng lúa gạo không những đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của địa phương, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và còn tham gia xuất khẩu.

- Về diện tích và sản lượng: năm 2013, diện tích sản xuất 235.625 ha, năng suất 57,24 tạ/ha, sản lượng 1.348.716 tấn. Cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm 61,1% (lúa chất lượng cao 38,2%; lúa đặc sản, lúa thơm 22,9%); lúa thường (IR 50404, OM 576) chiếm 38,9%.

- Về giá trị xuất khẩu: kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2013 đạt 94,6 triệu USD, với sản lượng xuất khẩu đạt 214.712 tấn gạo.

- Về giá trị sản xuất: giá trị sản xuất cây lúa (giá cố định 2010) đạt 6.150 tỷ đồng năm 2013, chiếm 27,8% giá trị sản xuất ngành trồng trọt và 20,6% ngành nông nghiệp; giá trị tăng thêm trên cây lúa (giá hiện hành) đạt 4.085 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 29,75% giá trị tăng thêm ngành trồng trọt và 23,12% giá trị tăng thêm Ngành Nông nghiệp.

- Phân vùng sản xuất lúa: hiện trên địa bàn tỉnh có 2 vùng sản xuất lúa chính: vùng sản xuất lúa phía Tây gồm các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước và thị xã Cai Lậy với diện tích là 43.290 ha, chiếm 55% diện tích canh tác lúa toàn tỉnh; vùng sản xuất lúa phía Đông gồm các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông, thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công với diện tích là 35.251 ha, chiếm 45% diện tích canh tác lúa toàn tỉnh.

- Về cơ cấu mùa vụ:

+ Vùng sản xuất lúa phía Tây: gồm các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, thị xã Cai Lậy và một phần huyện Châu Thành, sản xuất lúa 3 vụ: Đông Xuân - Xuân Hè - Hè Thu;

+ Vùng sản xuất lúa phía Đông: gồm các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và một phần huyện Châu Thành, sản xuất lúa 3 vụ Đông Xuân - Hè Thu - Thu Đông;

+ Riêng huyện Tân Phú Đông chỉ sản xuất 1 - 2 vụ: Hè Thu - Thu Đông hoặc 01 vụ Thu Đông.

- Về quy mô sản xuất: diện tích bình quân 0,3 - 0,5 ha/hộ (vùng sản xuất lúa phía Đông) và 0,5 - 0,8 ha/hộ (vùng sản xuất lúa phía Tây). Với quy mô sản xuất như trên, rất khó trong quá trình phát triển cơ giới hóa.

- Về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới: nông hộ đã ứng dụng các biện pháp kỹ thuật cơ bản: kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, “công nghệ sinh thái” áp dụng đạt khoản 65% diện tích; sản xuất theo hướng GAP; ứng dụng công nghệ Laser san phẳng mặt ruộng, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất và tưới tiêu 100%, sạ thưa, sạ theo hàng chiếm 85%, trong đó sạ thưa: 34%, sạ hàng 51%; gặt đập bằng máy 72% và sấy 85%.

- Về hạ tầng thủy lợi: vùng lúa 3 vụ của tỉnh cơ bản đã hoàn chỉnh đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, trước tình hình biến đổi khí hậu, cần phải quan tâm các công tác:

+ Vùng sản xuất lúa phía Tây: củng cố các ô bao, nâng cấp bờ bao lững và cải tạo các tuyến kênh thủy lợi nội đồng.

+ Vùng sản xuất lúa phía Đông: triển khai thực hiện và hoàn thiện Dự án ngọt hóa Gò Công.

- Về thất thoát sau thu hoạch: hiện nay, mức tổn thất về sản lượng chất lượng trong và sau thu hoạch của tỉnh khoảng 11,5%, tương ứng với giá trị tổn thất là 707 tỷ đồng/năm. Tổn thất tập trung ở các khâu: thu hoạch, phơi sấy, bảo quản, xay xát và chế biến. Nguyên nhân chủ yếu là do quy mô sản xuất nhỏ, cơ giới hóa chưa đáp ứng nhất là khâu thu hoạch và phơi sấy; hệ thống kho bảo quản vừa thiếu, vừa lạc hậu…

2. Tình hình liên kết sản xuất tiêu thụ lúa trên địa bàn tỉnh

Việc thu mua lúa hàng hóa chủ yếu thông qua hệ thống thương lái và được tạm trữ trong kho của các cơ sở xay xát, một phần do các hộ nông dân tự bảo quản nên tỷ lệ hao hụt cao, chất lượng lúa xuống cấp nhanh và thời gian bảo quản ngắn. Qua rà soát nhu cầu tạm trữ để chờ giá là rất lớn nhưng do không đủ thiết bị sấy, nhà kho nên tỷ lệ lúa tạm trữ chỉ từ 8 đến 10% trên tổng sản lượng lúa (khoảng 130.000 tấn). Doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ yếu thu mua từ thương lái hoặc doanh nghiệp cấp 1.

Thực hiện chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xây dựng mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long và Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, qua 03 năm (2011 - 2013) triển khai thực hiện, kết quả đạt được như sau:

Chủ yếu là xây dựng mô hình tại các huyện sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh, thực hiện tại 23 xã thuộc 04 huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Tây và Gò Công Đông; các doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa với tổng diện tích thực hiện: 7.031,2 ha; tổng sản lượng thu mua 15.438 tấn đạt tỉ lệ 38,3% so với sản lượng thu hoạch, diện tích thu mua 2.520ha đạt tỉ lệ 36,8% so với diện tích ký hợp đồng. Các hình thức liên kết chủ yếu như: Không đầu tư vật tư - thu mua sản phẩm; đầu tư giống - thu mua sản phẩm; đầu tư toàn bộ vật tư - thu mua sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế ký kết với hợp tác xã hoặc tổ hợp tác với mức giá đảm bảo cho nông dân có lãi trên 30%.

Hiệu quả mô hình cánh đồng lớn: mô hình cánh đồng lớn áp dụng các biện pháp kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, “công nghệ sinh thái”; ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa; sản xuất theo hướng GAP đã giảm chi phí so với sản xuất theo tập quán.

[...]