ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
193/2011/QĐ-UBND
|
Bắc Giang, ngày 31 tháng 05 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ,
CÁCH ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU SỞ, CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC
UBND TỈNH VÀ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN, THÀNH PHỐ TRONG THI HÀNH CÔNG VỤ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn
cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008;
Căn cứ Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định chế độ
trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước
trong thi hành nhiệm vụ, công vụ;
Theo đề nghị của Sở Nội vụ tại Công văn số 344/SNV-TCBM&BC ngày 28/4/2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy
định tiêu chí, cách đánh giá, xếp loại trách nhiệm người đứng đầu Sở, cơ quan,
đơn vị trực thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thành phố trong thi hành
công vụ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10
ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 126/2008/QĐ-UBND ngày 03/12/2008
của UBND tỉnh ban hành Quy định tiêu chí, cách đánh giá, xếp loại trách nhiệm
người đứng đầu Sở, cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND huyện,
thành phố trong thi hành công vụ.
Điều 3. Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, đơn
vị trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố; các cơ quan, tổ chức,
đơn vị và cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Bùi Văn Hải
|
QUY ĐỊNH
TIÊU CHÍ, CÁCH ĐÁNH GIÁ, XẾP
LOẠI TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU SỞ, CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC UBND TỈNH VÀ CHỦ
TỊCH UBND HUYỆN, THÀNH PHỐ TRONG THI HÀNH CÔNG VỤ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 193/2011/QĐ-UBND ngày 31/5/2011 của UBND tỉnh
Bắc Giang)
Chương I
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định tiêu chí, cách đánh giá, xếp loại trách nhiệm người
đứng đầu Sở, cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thành
phố trong thi hành công vụ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan trực thuộc UBND tỉnh được
quy định tại Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định
tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương; Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo
phòng, chống tham nhũng tỉnh (gọi chung là người đứng đầu cấp sở).
2. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh.
3. Chủ tịch UBND huyện, thành phố.
Điều 3. Nguyên tắc đánh
giá, xếp loại
1. Người đứng đầu được đánh giá, xếp loại trách nhiệm trong
thi hành công vụ hàng năm theo tiêu chí, mức độ hoàn thành nhiệm vụ, ý thức chấp
hành và thứ tự tổng số điểm đạt được từ cao đến thấp, chia thành 04 nhóm: Hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, không
hoàn thành nhiệm vụ.
2. Chấm điểm, đánh giá, xếp loại trách nhiệm người đứng đầu
bảo đảm thực chất, khách quan, dân chủ, công bằng và công khai.
Chương II
TIÊU
CHÍ ĐÁNH GIÁ TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU
Điều 4. Tiêu chí đánh giá trách nhiệm người đứng đầu
Sở, cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh
1. Kết quả thực hiện 05 nhiệm vụ trọng tâm hàng năm do người
đứng đầu Sở, cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh xây dựng và được Chủ tịch
UBND tỉnh quyết định chấp thuận.
2. Chất lượng tham mưu, đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy,
Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo,
điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội,
an ninh - quốc phòng của tỉnh thuộc lĩnh vực công tác của ngành, đơn vị; số lượng,
chất lượng văn bản tham mưu, đề xuất được ghi nhận.
3. Ý thức chấp hành sự chỉ đạo, phân công nhiệm vụ của cấp
trên; sáng tạo trong tổ chức thực hiện; không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm;
không bị Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh
phê bình bằng văn bản.
4. Hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều
hành; phát huy dân chủ, kỷ luật, kỷ cương, giữ gìn đoàn kết; có ý tưởng mới,
quyết đáp mới; áp dụng công nghệ thông tin; quan tâm đào tạo cán bộ, công chức,
viên chức; đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; luân chuyển, chuyển đổi vị
trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý; tác
phong làm việc, đạo đức, lối sống của người đứng đầu.
5. Kết quả cải cách hành chính và chất lượng thực hiện cơ
chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, “một cửa hiện đại” tại cơ quan, đơn vị; kết
quả áp dụng ISO; kết quả thực hiện quy định về văn hoá công sở của cơ quan, đơn
vị.
6. Ban hành và thực hiện có hiệu quả các quy định về thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng trong cơ quan, đơn vị.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị không vi phạm
các quy định trong thi hành công vụ; quy định về thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí, phòng chống tham nhũng và bảo đảm an toàn giao thông.
Điều 5. Tiêu chí đánh giá
trách nhiệm Chủ tịch UBND huyện, thành phố
1. Kết quả thực hiện 05 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
trọng tâm của huyện, thành phố do Chủ tịch UBND huyện, thành phố xây dựng hàng
năm được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định chấp thuận.
2. Ý thức chấp hành sự chỉ đạo, phân công nhiệm vụ của cấp
trên; sáng tạo trong tổ chức thực hiện; không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm;
không bị Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh
và Thường trực Huyện uỷ, Thành uỷ phê bình bằng văn bản.
3. Kết quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
và thực hiện các quyết định về giải quyết
khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; số lượng, chất lượng giải quyết đơn
thư khiếu nại, tố cáo; tỷ lệ thực hiện các quyết định có hiệu lực pháp luật giải
quyết khiếu nại, tố cáo; không để tình trạng khiếu kiện đông người và xảy ra điểm
nóng.
4. Hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; phát huy dân chủ, kỷ cương, kỷ luật; giữ gìn đoàn
kết; có ý tưởng mới, quyết đáp mới; áp dụng công nghệ thông tin; quan tâm công
tác đào tạo cán bộ, công chức, viên chức; đánh giá, phân loại, luân chuyển,
chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản
lý; tác phong làm việc, đạo đức, lối sống của người đứng đầu.
5. Kết quả cải cách hành chính và chất lượng thực hiện cơ
chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, “một cửa hiện đại” tại UBND cấp huyện, cấp
xã; kết quả áp dụng ISO.
6. Ban hành và thực hiện có hiệu quả các quy định về thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng trong cơ quan, đơn vị. Cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý
không vi phạm các quy định trong thi hành công vụ; quy định về thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng và bảo đảm an toàn giao
thông.
Chương III
CHẤM
ĐIỂM, ĐÁNH GIÁ VÀ XẾP LOẠI TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU
Điều 6. Nguyên tắc chấm điểm
1. Đối với các nhiệm vụ quy định tại khoản 1, Điều 4 và khoản
1, Điều 5 Quy định này chấm điểm theo nguyên tắc định lượng và định tính:
a) Những chỉ tiêu nhiệm vụ định lượng: Những chỉ tiêu hoàn
thành vượt kế hoạch từ 1% đến 30% được cộng 01 điểm; từ 31% đến 50% được cộng
03 điểm; từ 51% đến dưới 100% được cộng 05 điểm; trên 100% được cộng 10 điểm.
Những chỉ tiêu không hoàn thành kế hoạch: hoàn thành từ 70% đến dưới 100% tính
50% số điểm; từ 50% đến 69% tính 30% số điểm; từ 50% trở xuống không tính điểm;
b) Những chỉ tiêu nhiệm vụ định tính: Những chỉ tiêu hoàn
thành vượt kế hoạch được cộng 01 điểm; hoàn thành kế hoạch tính điểm tối đa nhiệm
vụ đó; không hoàn thành kế hoạch không tính điểm;
c) Những nhiệm vụ do người đứng đầu đăng ký đã được chấp
thuận do khách quan không thực hiện được, tính bằng 50% tổng số điểm của nhiệm
vụ đó.
2. Đối với nhiệm vụ quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 4
và khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 5 Quy định này chấm điểm theo nguyên tắc sau:
a) Mỗi nhiệm vụ trọng tâm tính điểm tối
đa 100 điểm (điểm 100 tính khi nhiệm vụ đó hoàn thành tốt, có thành tích, cụ thể,
chi tiết, rõ ràng được cấp trên ghi nhận);
b) Tính điểm tương ứng với tỉ lệ % hoàn thành;
c) Cơ quan, địa phương, đơn vị chưa thực hiện “cơ chế
một cửa liên thông” hoặc “cơ chế một cửa hiện đại” trừ 30 điểm; chưa thực hiện
ISO trừ 40 điểm. Cơ quan, đơn vị thực hiện không tốt quy định về văn hoá công sở,
bị cơ quan có thẩm quyền phê bình, trừ 30 điểm. Cơ quan, đơn vị, không có chức
năng thực hiện “cơ chế một cửa” theo quy định của Chính phủ thì không trừ điểm;
trên địa bàn cấp huyện có xã chưa thực hiện "một cửa liên thông", trừ
40 điểm;
d) Không tính điểm cộng cho các nhiệm vụ quy định tại khoản
2, 3, 4, 5, 6 Điều 4 và khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 5 Quy định này.
Điều 7. Cách chấm điểm
1. Đối với các nhiệm vụ quy định tại
khoản 1, Điều 4 và khoản 1, Điều 5 Quy định này:
a) Mỗi nhiệm vụ có thể có 01 nội dung hoặc nhiều nội
dung; mỗi nội dung có thể có 01 chỉ tiêu hoặc nhiều chỉ tiêu. Điểm của một nhiệm
vụ trọng tâm 100 điểm; điểm của một nội dung bằng điểm của một nhiệm vụ trọng
tâm chia tổng các nội dung; điểm của 01 chỉ tiêu bằng điểm của một nội dung
chia tổng số chỉ tiêu;
b) Một nhiệm vụ trọng tâm hoàn thành tính 100 điểm. Cách cộng điểm, trừ điểm theo
khoản 1, Điều 6 Quy định này.
2. Đối với nhiệm vụ quy
định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 4 và khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 5 Quy định này:
a) Một nhiệm vụ trọng tâm 100 điểm: cách tính điểm theo khoản
2, Điều 6 Quy định này;
b) Nhiệm vụ trọng tâm hoàn thành dưới 50% không tính điểm;
c) Điểm trừ được thực hiện theo khoản 2, Điều 6 Quy định
này:
- Một việc không hoàn thành đúng thời gian quy định do chủ
quan, trừ 10 điểm;
- Tham mưu ban hành văn bản sai sót phải sửa đổi trừ 05 điểm;
đình chỉ thi hành trừ 10 điểm; trái quy định phải huỷ bỏ trừ 20 điểm;
- Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Chủ
tịch UBND tỉnh các Phó Chủ tịch UBND tỉnh phê bình bằng văn bản, mỗi lần trừ 10
điểm;
- Các nội dung trình phiên họp UBND tỉnh không được thông
qua, trừ 10 điểm;
- Tập thể lãnh đạo mất đoàn kết, trừ 50 điểm;
- Chấp hành chế độ thông tin báo cáo chậm so với quy định,
mỗi lần chậm trừ 10 điểm; không báo cáo trừ 20 điểm (kể cả báo cáo định kỳ và
báo cáo đột xuất);
- Có cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực
tiếp thi hành công vụ vi phạm pháp luật bị khởi tố trừ 50 điểm; buộc thôi việc
trừ 30 điểm, cảnh cáo trừ 20 điểm, khiển trách trừ 10 điểm;
- Chưa ban hành quy định, tiêu chí, cách đánh giá, xếp loại
trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc (kể cả UBND cấp xã đối với
Chủ tịch UBND huyện, thành phố) hoặc ban hành quy định nhưng không thực hiện,
trừ 30 điểm;
3. Ngoài cách chấm điểm như trên thì nhiệm vụ phòng, chống
thiên tai; nhiệm vụ đột xuất cấp trên giao nếu hoàn thành tốt hoặc có thành
tích xuất sắc được cấp trên ghi nhận cộng 20 điểm; không hoàn thành do chủ quan
trừ 10 điểm.
Điều 8. Đánh giá trách nhiệm người đứng đầu
1. Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND
tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố tự chấm điểm, đánh giá trách nhiệm và mức
độ hoàn thành các nhiệm vụ nêu tại khoản 2,
3, 4, 5, 6 Điều 4 và khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 5 Quy định này.
2. Tổ Công tác giúp việc Chủ tịch UBND tỉnh có nhiệm vụ rà soát, thẩm định việc tự chấm điểm, đánh giá của người đứng đầu Sở, cơ quan,
đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố trong thi hành công
vụ.
3. Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá trách nhiệm người đứng đầu Sở,
cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thành phố theo
nhóm các cơ quan, đơn vị, địa phương (được phân theo Khối của Chủ tịch, các Phó
Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách).
Điều 9. Xếp loại trách nhiệm người đứng đầu
1. Khung điểm xếp loại:
a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tổng số điểm từ 1.000 điểm
trở lên;
b) Hoàn thành tốt nhiệm vụ, tổng số điểm từ 800 điểm đến dưới
1.000 điểm;
c) Hoàn thành nhiệm vụ, tổng số điểm từ 700 điểm đến dưới
800 điểm;
d) Không hoàn thành nhiệm vụ, tổng số điểm dưới 700 điểm.
2. Tổ Công tác giúp việc Chủ tịch UBND tỉnh căn cứ kết quả
tự chấm điểm của người đứng đầu Sở, cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch
UBND huyện, thành phố tiến hành rà soát, chấm điểm, dự kiến xếp loại trách nhiệm
người đứng đầu theo Quy định tại khoản 1, Điều 9 và theo thứ tự từ người có tổng
số điểm cao đến thấp; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
3. Chủ tịch UBND tỉnh quyết định xếp loại trách nhiệm người
đứng đầu theo Quy định tại khoản 1, Điều 9 theo thứ tự từ người có tổng số điểm
cao đến thấp. Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ và thông báo kết
quả xếp loại tới các Sở, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể nhân dân cấp tỉnh và Huyện
uỷ, Thành uỷ, UBND huyện, thành phố.
Điều 10. Khen thưởng và xem xét xử lý
trách nhiệm người đứng đầu
1. Trong kỳ bổ nhiệm chức vụ hoặc bầu cử, người đứng đầu có
01 năm xếp loại trách nhiệm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đề nghị Chủ tịch UBND
tỉnh tặng Bằng khen; 02 năm liên tục, đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng
khen.
2. Trong kỳ bổ nhiệm chức vụ hoặc bầu
cử, người đứng đầu có 01 năm xếp loại trách nhiệm không hoàn thành nhiệm vụ, Chủ
tịch UBND tỉnh phê bình; 02 năm liên tục xếp loại trách nhiệm không hoàn thành
nhiệm vụ, Chủ tịch đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét, bố trí công tác khác
hoặc miễn nhiệm theo quy định.
Chương IV
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách nhiệm của người đứng đầu Sở, cơ
quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thành phố
1. Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội
Đảng bộ cấp huyện, các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm, chỉ
đạo của ngành dọc cấp trên, của UBND tỉnh và thực tiễn tình hình của ngành, địa
phương xây dựng 05 nhiệm vụ trọng tâm (đối với người đứng đầu Sở, cơ quan, đơn
vị trực thuộc UBND tỉnh), 05 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm (đối
với Chủ tịch UBND huyện, thành phố); đồng thời cụ thể hoá 05 nhiệm vụ chung nêu
tại khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 4 Quy định tiêu chí, cách đánh giá, xếp loại trách
nhiệm người đứng đầu trong thi hành công vụ (đối với người đứng đầu Sở, cơ
quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh), khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 5 Quy định tiêu, cách
đánh giá, xếp loại trách nhiệm người đứng đầu trong thi hành công vụ (đối với
Chủ tịch UBND huyện, thành phố) trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chấp thuận,
trước ngày 30 tháng 01 năm sau:
a) Các nhiệm vụ trọng tâm hàng năm do
người đứng đầu cấp Sở Xây dựng phải được bàn bạc dân chủ, thống nhất trong tập
thể lãnh đạo Sở, cấp uỷ cơ quan, đơn vị; báo cáo xin ý kiến đồng chí Chủ tịch
UBND tỉnh hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối trước khi gửi Sở Nội vụ tổng
hợp, thẩm định trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chấp thuận;
b) Các nhiệm vụ phát triển kinh tế -
xã hội hàng năm do Chủ tịch UBND huyện, thành phố xây dựng phải được bàn bạc
dân chủ, thống nhất trong tập thể UBND, xin ý kiến Thường trực Huyện uỷ, Thành
uỷ, Thường trực HĐND cùng cấp; báo cáo xin ý kiến đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh
hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách địa phương trước khi gửi Sở Nội vụ tổng hợp,
thẩm định trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chấp thuận.
2. Ban hành và chỉ đạo thực hiện Quy định tiêu chí, cách đánh
giá, xếp loại trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc (kể cả UBND
cấp xã đối với Chủ tịch UBND huyện, thành phố).
3. Báo cáo tự đánh giá, kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ
trọng tâm của người đứng đầu và tự chấm điểm về Sở Nội vụ trước ngày 30 tháng
11 hàng năm; đồng thời đăng ký nhiệm vụ trọng tâm năm sau gửi về Sở Nội vụ trước
ngày 10 tháng 01 hàng năm.
Điều 12. Trách nhiệm của Tổ Công tác giúp việc Chủ
tịch UBND tỉnh
Rà soát, chấm điểm và dự kiến xếp loại trách nhiệm người đứng
đầu Sở, cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thành phố
trình Chủ tịch UBND trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.
Điều 13. Trách nhiệm của Sở Nội vụ
1. Hướng dẫn thực hiện Quy định này.
2. Thẩm định việc đăng ký 10 nhiệm vụ trọng tâm của người đứng
đầu và tổng hợp kết quả, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận.
3. Tổng hợp kết quả đánh giá, xếp loại trách nhiệm người đứng
đầu (do Tổ Công tác gửi đến), báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, xong trước ngày 25
tháng 12 hàng năm.
4. Theo dõi, tổng hợp ý kiến phản ảnh, kiến nghị, đề xuất của
người đứng đầu cấp Sở và Chủ tịch UBND huyện, thành phố về nội dung Quy định
này; kịp thời tham mưu, trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung phù hợp./.