Quyết định 19/2019/QĐ-UBND sửa đổi Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” dùng cho sản phẩm nước mắm kèm theo Quyết định 37/2015/QĐ-UBND do tỉnh Bình Thuận ban hành

Số hiệu 19/2019/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/06/2019
Ngày có hiệu lực 30/06/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Ngọc Hai
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2019/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 19 tháng 6 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “PHAN THIẾT” DÙNG CHO SẢN PHẨM NƯỚC MẮM BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 37/2015/QĐ-UBND NGÀY 14/8/2015 CỦA UBND TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005, được sửa đổi, bổ sung ngày 19 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Theo đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 504/TTr-SKHCN ngày 08 tháng 5 năm 2019.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” dùng cho sản phẩm nước mắm ban hành kèm theo Quyết định số 37/2015/QĐ-UBND ngày 14 tháng 8 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, cụ thể như sau:

1. Bổ sung điểm g và điểm h khoản 2 Điều 3 (trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) như sau:

“g) Chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tiếp nhận bản tự công bố của tổ chức, cá nhân để lưu trữ hồ sơ và đăng tải tên tổ chức, cá nhân và tên các sản phẩm tự công bố trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

h) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện chế độ kiểm nghiệm định kỳ đối với sản phẩm nước mắm đã công bố”.

2. Khoản 6 Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“6. Các cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận: Công an tỉnh, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Chi cục Hải quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ động phối hợp tiến hành kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” dùng cho sản phẩm nước mắm theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

3. Bổ sung khoản 8 Điều 3 như sau:

“8. Cục Quản lý thị trường tỉnh

Thực hiện các hoạt động kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường, xử lý các hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 17 Quy chế này; tổ chức các biện pháp phòng, chống các hành vi sản xuất kinh doanh nước mắm giả mạo chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết”.

4. Điểm d khoản 1 Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“d) Được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho ngành nghề sản xuất, kinh doanh nước mắm và thực hiện tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của mình hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và nộp 01 (một) bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản”.

5. Khoản 2 Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Đối với các tổ chức, cá nhân không có cơ sở chế biến nước mắm nguyên liệu tại thành phố Phan Thiết, nhưng có cơ sở đóng chai nước mắm thành phẩm được đặt tại các địa điểm ngoài địa bàn thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận, ngoài đạt các điều kiện tại khoản 1 Điều này cần phải thỏa mãn thêm các điều kiện sau:

a) Đảm bảo 100% nước mắm nguyên liệu dùng để sản xuất thành phẩm được thu mua tại các cơ sở sản xuất nước mắm trên địa bàn thành phố Phan Thiết và các đơn vị cung cấp nước mắm nguyên liệu đó có Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” còn hiệu lực;

b) Đang áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến về an toàn thực phẩm: Tiêu chuẩn ISO 22000:2005; hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm HACCP, hoặc các tiêu chuẩn khác; có xây dựng thủ tục truy xuất và thu hồi sản phẩm theo quy định về truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.

6. Điểm đ khoản 1 Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“đ) Khi hiệu lực của một trong các văn bản: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm cho ngành nghề sản xuất, kinh doanh nước mắm; Văn bản chứng minh đơn vị được chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến về an toàn thực phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh không còn hiệu lực, thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đó đương nhiên bị chấm dứt hiệu lực cho đến khi được các cơ quan có thẩm quyền cấp lại văn bản mới. Khi đó các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng lại Giấy chứng nhận đã cấp trước đó, nếu đến thời điểm sử dụng lại Giấy chứng nhận vẫn còn hiệu lực”.

[...]