QUY ĐỊNH
VỀ XÉT CHO PHÉP SỬ DỤNG THẺ ĐI LẠI CỦA DOANH
NHÂN APEC THUỘC TỈNH HƯNG YÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2009/QĐ-UBND ngày
22/9/2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Đối
tượng và phạm vi điều chỉnh
1. Thẻ đi lại của doanh nhân APEC
(sau đây viết tắt là thẻ ABTC) là một loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của
nước và vùng lãnh thổ tham gia Chương trình thẻ đi lại của doanh nhân APEC cấp
cho doanh nhân của mình để tạo thuận lợi cho việc đi lại thực hiện các hoạt động
hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ; tham dự các hội nghị, hội thảo
và các mục đích kinh tế khác tại các nước và vùng lãnh thổ thuộc APEC tham gia
Chương trình. Người mang thẻ ABTC, khi nhập cảnh, xuất cảnh các nước và vùng
lãnh thổ có tên ghi trong thẻ thì không cần có thị thực của các nước và vùng
lãnh thổ đó.
2. Phạm vi điều chỉnh:
Quy định này quy định cụ thể về
trình tự, thủ tục, thời gian xét cho phép doanh nhân Việt Nam đang làm việc tại
tỉnh Hưng Yên sử dụng thẻ đi lại của doanh nhân APEC.
3. Đối tượng áp dụng:
- Doanh nhân Việt Nam (sau đây viết
tắt là doanh nhân) đang làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Hưng Yên.
- Tổ chức và cá nhân có liên quan
trong việc tiếp nhận hồ sơ, theo dõi quản lý và xét đề nghị cho doanh nhân của
tỉnh Hưng Yên sử dụng thẻ ABTC.
Điều 2. Các
đối tượng được xét cho phép sử dụng thẻ ABTC
1. Doanh nhân Việt Nam đang làm việc
tại các doanh nghiệp được tổ chức thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp
nhà nước gồm các chức danh sau: Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng
giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc các doanh nghiệp; Kế toán
trưởng, Trưởng, Phó phòng các doanh nghiệp, Khu công nghiệp, Ngân hàng, Chi
nhánh Ngân hàng trở lên.
2. Doanh nhân Việt Nam đang làm việc
tại các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp
tác xã, Luật Đầu tư tại Việt Nam, gồm các chức danh sau: Tổng giám đốc, Phó tổng
giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc các doanh nghiệp, Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ
sở hữu vốn Công ty TNHH một thành viên, Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị
Công ty cổ phần; Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm
hữu hạn có 2 thành viên trở lên, Chủ tịch Ban quản trị Hợp tác xã, chủ nhiệm Hợp
tác xã là người đại diện theo quy định của pháp luật.
3. Công chức, viên chức nhà nước tỉnh
Hưng Yên có nhiệm vụ tham dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động
kinh tế của APEC.
Chương II
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC
VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN TRONG VIỆC XÉT ĐỀ NGHỊ VÀ SỬ DỤNG THẺ ABTC
Điều 3. Tiêu
chuẩn và điều kiện được xét, đề nghị sử dụng ABTC
1. Đối với doanh nhân:
- Doanh nhân có hộ chiếu còn giá
trị sử dụng trên 12 tháng;
- Doanh nhân đang làm việc tại các
doanh nghiệp được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của quy định này có
tham gia trực tiếp các hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư và dịch
vụ với các đối tác trong các nền kinh tế thành viên tham gia thẻ ABTC được thể
hiện thông qua các hợp đồng kinh tế, thương mại, các dự án đầu tư và các hợp đồng
dịch vụ cụ thể;
- Doanh nhân làm việc tại các
doanh nghiệp được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của quy định này phải
được thể hiện bằng hợp đồng lao động, quyết định bổ nhiệm chức vụ, thẻ bảo hiểm
xã hội (hoặc sổ bảo hiểm xã hội) đã tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ tại doanh
nghiệp đang làm việc;
- Doanh nhân phải là người Việt
Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
2. Doanh nghiệp đề nghị cấp thẻ
cho doanh nhân phải chấp hành tốt pháp luật về thương mại, thuế, hải quan, lao
động và bảo hiểm xã hội.
3. Đối với công chức, viên chức
nhà nước thuộc tỉnh có nhiệm vụ tham dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các
hoạt động kinh tế của APEC được cơ quan có thẩm quyền cử đi dự.
Điều 4. Cơ
quan tiếp nhận hồ sơ và đề xuất cho phép sử dụng thẻ ABTC
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối
tiếp nhận hồ sơ, xem xét trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh cho phép sử dụng
thẻ ABTC đối với doanh nhân của các doanh nghiệp nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều
2 của Quy định này có trụ sở chính ngoài các khu công nghiệp tỉnh.
2. Ban quản lý các Khu công nghiệp
là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, xem xét trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xét cho
phép sử dụng thẻ ABTC đối với doanh nhân của các doanh nghiệp nêu tại khoản 1
và khoản 2 Điều 2 của Quy định này có trụ sở chính trong các Khu công nghiệp
trên địa bàn tỉnh.
3. Đối với công chức, viên chức
nhà nước tỉnh quy định tại khoản 3 Điều 2 của Quy định này thực hiện theo Quy định
số 02-QĐ/TU ngày 09/4/2009 của Tỉnh uỷ Hưng Yên về quản lý cá nhân, đoàn cán bộ
tỉnh ra nước ngoài.
Điều 5. Hồ sơ
đề nghị xét cho phép sử dụng thẻ ABTC
Doanh nghiệp nộp 02 bộ hồ sơ, mỗi
bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau:
1. Giấy tờ của doanh nghiệp:
a) Văn bản đề nghị của doanh nghiệp
do đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký tên và đóng dấu (theo mẫu
1);
b) Bản sao một trong các loại giấy
tờ: thư mời, hợp đồng ngoại thương, hợp đồng liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh
doanh, hợp đồng cung cấp dịch vụ hoặc các chứng từ xuất nhập khẩu khác (L/C, vận
đơn, tờ khai hải quan, hóa đơn thanh toán) không quá 01 năm tính đến thời điểm
xin cấp thẻ ABTC với các đối tác thuộc nền kinh tế thành viên APEC tham gia
chương trình thẻ ABTC.
2. Giấy tờ của doanh nhân:
a) Bản sao hộ chiếu;
b) Bản sao quyết định bổ nhiệm chức
vụ;
c) Bản sao Sổ Bảo hiểm xã hội hoặc
Thẻ Bảo hiểm xã hội;
d) Bản xác nhận Lý lịch tư pháp.
(Các giấy tờ trên nếu bằng chữ nước
ngoài phải có bản dịch ra chữ Việt Nam được chứng thực của cơ quan có thẩm quyền
kèm theo; nếu là bản sao phải có bản chính kèm theo để đối chiếu).
Điều 6. Trình
tự, thủ tục xét cho phép sử dụng thẻ ABTC
1. Trong thời hạn 05 (năm) ngày
làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 5, cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại Điều 4 có trách nhiệm xem xét, lấy ý kiến
xác minh của các cơ quan quy định tại Điều 8 về việc chấp hành pháp luật của
doanh nghiệp. Đối với trường hợp hồ sơ không hợp lệ, hồ sơ không đủ điều kiện
được xem xét cho phép sử dụng thẻ ABTC, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản trả
lời lý do không được xem xét cấp thẻ trong thời hạn không quá 07 (bẩy) ngày làm
việc.
2. Trong thời hạn 07 (bẩy) ngày
làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, các
cơ quan liên quan có trách nhiệm trả lời bằng văn bản và chịu trách nhiệm về
tính chính xác, trung thực nội dung trả lời. Quá thời hạn trên mà cơ quan có
trách nhiệm trả lời chưa có văn bản trả lời thì coi như đã đồng ý với nội dung
yêu cầu và phải chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc cho phép
doanh nhân sử dụng thẻ ABTC.
3.
Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn cung cấp thông tin của các cơ quan liên
quan, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tổng hợp, tham mưu trình Uỷ ban
nhân dân tỉnh xét cho phép doanh nhân sử dụng thẻ ABTC.
4. Trong thời hạn 05 (năm) ngày, kể
từ ngày nhận được hồ sơ của các cơ quan tiếp nhận hồ sơ, Văn phòng Uỷ ban nhân
dân tỉnh có trách nhiệm thẩm định trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh văn
bản đề nghị cho phép doanh nhân sử dụng thẻ ABTC, gửi kết quả và hồ sơ cho cơ
quan đã tiếp nhận hồ sơ trả kết quả cho doanh nghiệp hướng dẫn liên hệ với Cục
Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công an để được cấp thẻ ABTC.
Điều 7. Trách
nhiệm của doanh nghiệp
1. Doanh nghiệp có trách nhiệm định
kỳ hàng năm (chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 hàng năm) hoặc đột xuất (Khi có các
vấn đề liên quan đến việc sử dụng thẻ ABTC) phải báo cáo tình hình sử dụng thẻ
ABTC của doanh nhân thuộc doanh nghiệp mình gồm các nội dung (theo mẫu
2) ban hành kèm theo Quy định này. Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về
tính chính xác của các thông tin kê khai trong báo cáo và cam kết chấp hành
nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như
các quy định của các nước và vùng lãnh thổ thành viên APEC áp dụng đối với người
mang thẻ ABTC. Trường hợp doanh nghiệp không báo cáo hoặc báo cáo chậm hơn so với
quy định coi như doanh nghiệp vi phạm quy định. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ xin cấp
thẻ lần đầu sẽ báo cáo, đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh ra văn bản và thông báo đến
Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công an về việc thẻ ABTC của doanh nhân, doanh
nghiệp đó không còn giá trị sử dụng.
2. Doanh nhân của doanh nghiệp đã
chuyển công tác, thôi giữ chức vụ hoặc đã nghỉ việc, doanh nghiệp phải có trách
nhiệm giữ lại thẻ và báo cáo ngay cơ quan nơi doanh nghiệp nộp hồ sơ để trình Ủy
ban nhân dân tỉnh ra văn bản xác nhận thẻ không còn giá trị sử dụng, liên hệ và
nộp lại thẻ đã cấp cho Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công an quản lý.
3. Trường hợp doanh nghiệp đề nghị
không đúng đối tượng, không đúng tiêu chí và điều kiện xét cho phép sử dụng thẻ
ABTC, thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và doanh nhân được đề
nghị cho phép sử dụng thẻ của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật
và các chế tài khác có liên quan, đồng thời các cơ quan tiếp nhận hồ sơ xin
phép cho doanh nhân sử dụng thẻ ABTC trình Uỷ ban nhân dân tỉnh thông báo đến Cục
Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công an về việc thẻ ABTC của doanh nhân, doanh nghiệp
đó không còn giá trị sử dụng.
Chương III
CƠ CHẾ PHỐI HỢP
VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách
nhiệm của các cơ quan liên quan
1. Cơ chế phối hợp giữa các cơ
quan liên quan:
- Các cơ quan liên quan trong
quá trình thực hiện nhiệm vụ cần phối hợp tốt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho
doanh nhân trong việc xét cho phép sử dụng thẻ ABTC;
- Thủ trưởng các cơ quan quy
định tại Điều 4 và khoản 2 Điều 8 của Quy định này có trách nhiệm tổ chức sắp xếp
bộ máy, bố trí nhân sự và trang bị cơ sở vật chất phù hợp để thực hiện công tác
này;
- Định kỳ hàng
năm, các cơ quan tiếp nhận hồ sơ và đề xuất cho phép doanh
nhân sử dụng thẻ ABTC quy định tại Điều 4 của Quy định này có trách nhiệm báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thông báo cho các cơ quan liên quan biết tình hình
xét cấp thẻ và những trường hợp phát sinh có liên quan đến cấp thẻ và sử dụng
thẻ;
- Trường hợp các cơ quan liên quan
quy định tại khoản 2 Điều 8 của Quy định này phát hiện hoặc nhận được những
thông tin việc kê khai không chính xác, cũng như việc chấp hành không tốt các
quy định liên quan tới việc dùng thẻ ABTC thì những cơ quan này có văn bản gửi
về các cơ quan nêu tại Điều 4 của Quy định này để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh đề
nghị Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công an thông báo thẻ ABTC không còn giá
trị sử dụng.
2. Trách nhiệm các cơ quan liên
quan cung cấp thông tin:
- Cục thuế tỉnh cung cấp thông tin
việc chấp hành pháp luật về thuế;
- Chi cục Hải quan tỉnh cung cấp
thông tin việc chấp hành pháp luật về hải quan, xuất nhập khẩu;
- Công an tỉnh cung cấp thông tin
về tư cách pháp nhân của doanh nghiệp, nhân thân của doanh nhân và việc chấp
hành pháp luật chung của doanh nhân và doanh nghiệp;
- Sở Tài nguyên và Môi trường cung
cấp thông tin việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường;
- Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
cung cấp thông tin việc chấp hành pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương,
tiền công, bảo hộ lao động cho người lao động;
- Bảo hiểm xã hội cung cấp thông
tin việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội cho người lao động trong doanh
nghiệp và việc đóng bảo hiểm xã hội của doanh nhân.
Thời gian xem xét chấp hành pháp luật
của doanh nhân, doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh là 03 (ba) năm
trước năm doanh nghiệp xin phép cho doanh nhân sử dụng thẻ ABTC. Trường
hợp doanh nghiệp mới thành lập đi vào hoạt động thì thời gian xem xét tối thiểu
là 01 (một) năm.
Điều 9. Tổ chức
thực hiện
1. Giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu
tư chủ trì, phối hợp với Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và các cơ
quan liên quan được nêu khoản 2 Điều 8 của Quy định này hướng dẫn, triển khai
và kiểm tra thực hiện Quy định theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
2. Trong quá trình thực hiện nếu
có phát sinh, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đề xuất ý kiến kịp thời
về Sở Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn giải quyết và tổng hợp báo
cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh cho phù hợp./.