ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 189/QĐ-UBND
|
Bắc Kạn, ngày 31
tháng 10 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG MÙA KHÔ NĂM 2013 - 2014 TỈNH
BẮC KẠN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2002;
Luật Phòng cháy, chữa cháy ngày 29/6/2001 quy định
về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng;
Nghị định: 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của
Chính phủ quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng;
Nghị định số: 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của
Chính phủ về việc thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;
Căn cứ Quyết định số: 07/2012/QĐ-TTg ngày
08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách tăng cường
công tác bảo vệ rừng;
Chỉ thị số: 1634/CT-TTg ngày 31/8/2010 của Thủ
tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm
trong công tác phòng cháy, chữa cháy;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tại Công văn số: 1079/SNN-CCKL ngày 25 tháng 10 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án phòng cháy, chữa
cháy rừng mùa khô năm 2013 - 2014 tỉnh Bắc Kạn.
Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trực tiếp là
Chi cục Kiểm lâm) là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể
và UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện theo đúng nội dung phương án được
phê duyệt và các quy định hiện hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy
trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chủ tịch UBND
các huyện, thị xã, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nông Văn Chí
|
PHƯƠNG ÁN
PHÒNG
CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG MÙA KHÔ NĂM 2013 - 2014 TỈNH BẮC KẠN
(Kèm theo Quyết định số: 1891QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2013 của UBND tỉnh
Bắc Kạn)
Bắc Kạn là tỉnh vùng cao, gồm 08 huyện/thị, với 122
xã/phường/thị trấn. Có tổng diện tích tự nhiên là 485.941 ha, riêng diện tích đất
lâm nghiệp chiếm 387.734,8 ha. Trong đó: Đất có rừng 296.947,2 ha (rừng
tự nhiên 226.736,3 ha, rừng trồng 70.210,9 ha) và đất chưa có rừng 90.787,6 ha.
Tỷ lệ che phủ đạt 58,7% (Kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2011).
Vị trí địa lý nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió
mùa, hằng năm có 02 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa từ tháng 5 đến
tháng 10, nhưng lượng mưa chỉ tập trung vào tháng 6, 7, 8; mùa khô kéo dài từ
tháng 11 năm trước đến hết tháng 4 năm sau. Trong các tháng mùa khô, nhiệt độ
không khí cao và rất nóng, nhất là vào thời điểm từ 11h đến 16h trong ngày, thời
gian này độ ẩm thấp làm cho vật liệu cháy khô, nỏ có khả năng bén lửa rất cao,
rất dễ xảy ra cháy rừng. Từ tháng 12 năm trước đến tháng 01, 02 năm sau chịu ảnh
hưởng của gió mùa Đông Bắc có lúc rất mạnh, nên khi xảy ra cháy (cả cháy rừng
và cháy lau lách) đám cháy phát triển và lan tràn rất nhanh. Mặt khác, rừng Bắc
Kạn có hệ thống thảm thực vật phong phú và đa dạng, hàng năm tích lũy một khối
lượng vật liệu cháy lớn. Diện tích rừng trồng, rừng non do khoanh nuôi tái sinh
ngày càng được mở rộng, cộng với diễn biến thời tiết trong những năm gần đây
ngày càng phức tạp, nên nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn.
Trong khi đó, một số bộ phận người dân vẫn còn thiếu
ý thức trong dùng lửa khi xử lý thực bì trồng rừng, đốt nương làm rẫy, đốt bãi
chăn thả, đốt ong... không theo đúng quy định nên có lúc đã vô tình gây ra các
vụ cháy không đáng có.
Vì vậy, để chủ động trong công tác phòng cháy, chữa
cháy rừng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do các vụ cháy gây ra, Ủy ban nhân
dân tỉnh Bắc Kạn xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cho mùa khô 2013
- 2014 cụ thể như sau:
I. CƠ SỞ ĐỂ XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN
1. Cơ sở pháp lý
- Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2002;
- Luật Phòng cháy, chữa cháy ngày 29/6/2001 quy định
về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Nghị định số: 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của
Chính phủ quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng;
- Nghị định số: 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của
Chính phủ về việc thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;
- Chỉ thị số: 1634/CT-TTg ngày 31/8/2010 của Thủ tướng
Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong
công tác phòng cháy, chữa cháy;
- Thông tư liên tịch số: 62/2005/TTLT-BTC-BNN ngày
04/8/2002 của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn
lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí cho Phòng cháy, chữa cháy rừng;
- Chỉ thị số: 43-CT/TU ngày 02/6/2005 của Tỉnh ủy Bắc
Kạn về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý bảo vệ và phát
triển rừng;
- Chỉ thị số: 12/2012/CT-UBND ngày 13/7/2012 của
UBND tỉnh Bắc Kạn, về tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào
toàn dân tham gia công tác Phòng cháy chữa cháy.
2. Cơ sở thực tiễn
Bắc Kạn là tỉnh có các vùng trọng điểm cháy lớn,
phân bố trên khắp 08 huyện, thị của tỉnh. Điều kiện địa hình bị chia cắt mạnh,
giao thông đi lại khó khăn, rừng tự nhiên có lớp thảm mục dày, các khu rừng trồng
tập trung lại chủ yếu là rừng thuần loài, hầu hết là các loài cây dễ cháy (Thông,
Keo) và hầu như không có đường ranh cản lửa cho các lô rừng theo quy định,
trong khi bao quanh là các nương ót và rừng tái sinh nên khả năng cháy rừng rất
dễ xảy ra và bùng phát thành cháy lớn. Mặt khác, dụng cụ trang bị cho công tác
phòng cháy, chữa cháy rừng còn thô sơ, chủ yếu là dao phát, cuốc và các vụ cháy
(kể cả cháy rừng và lau lách) thường xảy ra vào buổi chiều tối nên việc huy động
lực lượng tổ chức thực hiện chữa cháy gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, việc xây dựng và ban hành phương án phòng
cháy, chữa cháy rừng cho mùa khô 2013-2014 tỉnh Bắc Kạn là rất cần thiết.
II. MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ NHU CẦU
KINH PHÍ
1. Mục đích, yêu cầu
1.1. Mục đích
- Nâng cao nhận thức, kiến thức và năng lực chữa
cháy rừng cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh về
công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, nhằm bảo vệ diện tích rừng hiện có, nâng độ
che phủ rừng và phát triển rừng theo hướng bền vững.
- Chủ động góp phần làm tốt công tác phòng cháy rừng
và sẵn sàng ứng cứu chữa các vụ cháy rừng lớn vượt tầm kiểm soát của Ban Chỉ
huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng các
huyện, thị để kịp thời dập tắt đám cháy, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây
ra, bảo vệ rừng.
1.2. Yêu cầu
- Lấy phương châm phòng cháy là chính. Khi xảy ra
cháy rừng lớn, lực lượng ứng cứu sẵn sàng cơ động, kịp thời phối hợp với Ban Chỉ
huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng các
huyện, thị và các lực lượng chữa cháy khác dập tắt đám cháy theo sự chỉ huy của
cấp trên.
- Các đơn vị, cá nhân trong Ban Chỉ đạo được giao
nhiệm vụ phải chủ động và thành thạo trong công việc, chấp hành nghiêm chỉnh sự
phân công điều động của cấp trên, thực hiện nghiêm túc Phương án này và hoàn
thành tốt nhiệm vụ được giao.
2. Nội dung công tác phòng cháy, chữa cháy rừng
2.1. Tổ chức kiện toàn lực lượng phòng cháy, chữa
cháy rừng
- Củng cố Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng
các cấp (từ tỉnh xuống đến huyện và xã). Riêng đối với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã
được thành lập theo Quyết định số: 1046/QĐ-UBND ngày 10/7/2012, thành phần gồm
có:
+ Trưởng ban: Là đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ
trách nông lâm nghiệp.
+ Phó Trưởng ban Thường trực: Là đồng chí Giám đốc
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
+ Phó Trưởng ban trực tiếp: Là đồng chí Chi cục trưởng
Chi cục Kiểm lâm.
+ Các Ủy viên là các đồng chí đứng đầu (hoặc cấp
phó người đứng đầu) các đơn vị: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài
nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Đài Phát thanh -
Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Kạn, Chi cục Lâm nghiệp, Trung tâm Khí tượng thủy văn
tỉnh.
Trong đó, Chi cục Kiểm lâm là đơn vị thường trực,
giúp Trưởng ban và Phó Trưởng ban thường trực nắm thông tin, báo cáo, xử lý
thông tin, đồng thời là người trực tiếp tham gia phối hợp cùng cơ sở để chỉ đạo,
chỉ huy chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra.
- Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng của tỉnh
có nhiệm vụ:
+ Xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo vệ rừng
và phòng cháy, chữa cháy rừng.
+ Chỉ đạo, kiểm tra các ngành, các địa phương lập
và thực hiện phương án bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
+ Chỉ đạo, điều hành công tác phối hợp giữa các
ngành, các địa phương trong việc tổ chức ứng cứu chữa cháy rừng, truy quét các
tổ chức, cá nhân có các hành vi phá rừng và buôn bán lâm sản trái pháp luật ở
những tụ điểm phức tạp.
+ Được quyền huy động lực lượng, trang thiết bị,
phương tiện để ứng cứu kịp thời những tình huống cấp bách vượt quá tầm kiểm
soát và khả năng xử lý của địa phương theo quy định của pháp luật.
+ Chỉ đạo thực hiện công tác khác theo nội dung tại
Chỉ thị số: 1634/CT-TTg ngày 31/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường
chỉ đạo một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong công tác phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ.
+ Trong trường hợp đặc biệt, báo cáo Ban Chỉ đạo
Trung ương về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng
để hỗ trợ, ứng cứu kịp thời những tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng cũng
như khi xảy ra cháy rừng nghiêm trọng vượt quá khả năng của địa phương và hỗ trợ
khắc phục hậu quả do cháy rừng gây ra.
+ Mỗi thành viên của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chịu
trách nhiệm giải quyết công việc thuộc phạm vi đơn vị mình phụ trách, thực hiện
tốt cho công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp chặt
chẽ với Ban Chỉ huy các cấp thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác bảo vệ rừng
và phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.
2.2. Tổ chức và xây dựng các giải pháp phòng
cháy, chữa cháy rừng
2.2.1. Các giải pháp về phòng cháy rừng
a) Tuyên truyền và xã hội hóa công tác phòng
cháy, chữa cháy rừng
- Hàng năm trước khi bước vào mùa khô, trên cơ sở
kinh phí sự nghiệp được cấp, Chi cục Kiểm lâm chịu trách nhiệm tổ chức diễn tập
công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã từ 01 đến 02 cuộc để rèn luyện kỹ
năng ứng phó khi có cháy rừng thật diễn ra đối với Ban Chỉ huy cấp xã và các tổ/đội
phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở tổ chức tuyên truyền và
phối hợp tuyên truyền cho cộng đồng về các nội dung trong công tác quản lý bảo
vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng được quy định tại các Nghị định, Quyết định,
Chỉ thị và Chính sách của Nhà nước.
- Hướng dẫn xây dựng các bảng nội quy, tuyên truyền
về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, biển cấm lửa và biển báo hiệu cấp
dự báo cháy rừng.
- Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bắc
Kạn và một số báo khác tổ chức đăng tin mỗi tháng 01 chuyên mục và 03 tin bài để
phản ánh về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa
bàn tỉnh Bắc Kạn.
- Duy trì ký hợp đồng với các tổ/đội bảo vệ rừng
trong các tháng mùa khô của 68 xã, thị trấn thuộc vùng trọng điểm cháy rừng.
- Hợp đồng với Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh
trong 06 tháng mùa khô, hàng ngày cung cấp các thông số kỹ thuật về khí hậu, thời
tiết để tính toán, đưa ra cấp dự báo cháy rừng. Từ đó, làm cơ sở thông báo tới
Hạt Kiểm lâm các huyện/thị biết, tham mưu cho UBND huyện, UBND các xã và các chủ
rừng trên địa bàn toàn tỉnh chủ động có phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa
cháy rừng cụ thể tại các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy.
b) Phân vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao và
công tác dự báo cháy rừng
- Theo số liệu thống kê của dự án nâng cao năng lực
phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2007-2010, diện tích các loại
rừng có nguy cơ cháy cao của tỉnh có khoảng 80.000 ha (chiếm trên 20% diện tích
đất có rừng và đất lâm nghiệp).
Trong đó:
+ Rừng tự nhiên: 36.000 ha.
+ Rừng trồng: 25.000 ha.
+ Trảng cỏ, cây bụi: 19.000 ha.
Các diện tích này phân bố trên 68 xã của 08 huyện, thị.
Trong đó, có 04 huyện thường xuyên có cháy xảy ra là: Ngân Sơn, Ba Bể, Bạch
Thông và Chợ Đồn. Các khu vực trọng điểm cháy đều không tập trung, xa khu dân
cư, địa hình chia cắt do đó rất khó khăn cho công tác chữa cháy nếu có cháy rừng
xảy ra.
- Công tác dự báo cháy rừng:
Cơ quan thường trực (Chi cục Kiểm lâm) có trách nhiệm
phân công cán bộ trực cháy từ cấp tỉnh tới cấp huyện và các Trạm Kiểm lâm địa
bàn, đảm bảo trực 24/24 giờ tất cả các ngày trong 06 tháng mùa khô, để theo
dõi, cập nhật số liệu về diễn biến thời tiết và tính toán đưa ra cấp dự báo cho
từng khu vực trên địa bàn tỉnh. Sau đó thông tin tới BCH các cấp để thông báo tới
các các chủ rừng và nhân dân biết, chuẩn bị đảm bảo phương án bốn tại chỗ đã được
hướng dẫn, tập trung lực lượng sẵn sàng chữa cháy khi có cháy xảy ra.
c) Công tác lâm sinh
- Các khu rừng có diện tích lớn, tập trung, đặc biệt
là các khu rừng trồng thuần loài, các chủ rừng phải tiến hành xây dựng đường
băng cản lửa, có thể chọn:
+ Phát dọn sạch thực bì làm đường băng trắng.
+ Tiến hành phát dọn cục bộ hoặc phát theo giải tạo
thành băng để trồng cây xanh có tính chịu lửa, cây có tán xanh quanh năm.
+ Phát dọn trước vật liệu cháy và chăm sóc rừng trồng.
Chú ý: Đường băng cản lửa có bề rộng tối thiểu
từ 06 - 10m, khoảng cách giữa các đường băng khoảng 100m (Tùy thuộc vào diện
tích khu rừng để phân chia sao cho hợp lý).
- Hướng dẫn nhân dân, các chủ rừng thực hiện các nội
dung trong quy ước, hương ước bảo vệ rừng cấp thôn/bản, chấp hành nghiêm chỉnh
về các quy định sử dụng lửa và giờ được đốt, trước khi đốt nương phải làm đường
băng cản lửa để tránh lửa cháy lan vào rừng và báo cho cán bộ Lâm nghiệp xã hoặc
cán bộ Kiểm lâm địa bàn biết, hướng dẫn thực hiện.
- Hướng dẫn nhân dân, các chủ rừng thực hiện tốt
công tác trồng rừng, chăm sóc rừng, tỉa thưa rừng trồng, vệ sinh rừng sau khai
thác để giảm vật liệu cháy, khi thiết kế trồng rừng bắt buộc phải thiết kế các
công trình phòng cháy, chữa cháy rừng, yêu cầu các chủ rừng phải có cam kết về
việc phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Tổ chức đào tạo, huấn luyện và diễn tập chữa cháy
rừng.
+ Tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ quản lý lửa
rừng; tập huấn kiến thức và kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy rừng cho cộng đồng.
+ Làm tốt công tác tổ chức phối hợp giữa các lực lượng
tham gia chữa cháy rừng, thực hiện tốt phương châm bốn tại chỗ.
2.2.2. Giải pháp về chữa cháy rừng
- Khi phát hiện cháy rừng, chủ tịch UBND xã và các
chủ rừng phải huy động lực lượng kịp thời, phương tiện tại chỗ, sử dụng các dụng
cụ: dao phát, cuốc, xẻng, cành cây tươi, nước... để dập tắt lửa, không để đám
cháy lan tràn. Nếu lực lượng và phương tiện tại chỗ không có khả năng cứu chữa,
Chủ tịch UBND xã báo ngay về cấp trên để có biện pháp hỗ trợ lực lượng, phương
tiện ứng cứu kịp thời. Cụ thể:
+ Đối với các vụ cháy nhỏ: Ban Chỉ huy cấp xã chủ động
huy động lực lượng tại chỗ của các tổ/đội phòng cháy, chữa cháy rừng ở các
thôn/bản, để kịp thời dập tắt đám cháy và báo cáo kết quả về Ban Chỉ huy cấp
huyện biết. Sau đó, Ban Chỉ huy cấp huyện tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
+ Các vụ cháy vừa, nguy hiểm: Ban Chỉ huy cấp xã tập
trung huy động mọi lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng và nhân dân tại chỗ
tham gia chữa cháy, đồng thời báo ngay về Ban Chỉ huy cấp huyện, để kịp thời
huy động lực lượng sẵn sàng ứng cứu dập tắt đám cháy. Sau đó, báo cáo kết quả
chữa cháy về Ban Chỉ huy cấp huyện biết, chỉ đạo và tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo
cấp tỉnh.
+ Các vụ cháy lớn, nguy hiểm: Ban Chỉ huy cấp huyện
ngoài việc huy động ngay toàn bộ lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng của huyện,
nhân dân tại chỗ, thì chủ động đề nghị phối hợp lực lượng phòng cháy, chữa cháy
rừng của các huyện, xã lân cận. Nòng cốt là lực lượng Kiểm lâm, Quân đội, Công
an, Dân quân tự vệ để chữa cháy kịp thời, đồng thời báo cáo ngay về Ban Chỉ đạo
cấp tỉnh biết, tăng cường lực lượng ứng cứu kịp thời dập tắt đám cháy. Thường
xuyên giữ liên lạc và báo cáo tiến độ, kết quả chữa cháy về Ban Chỉ đạo cấp tỉnh
để theo dõi, chỉ đạo.
- Trách nhiệm của UBND cấp huyện, xã và lực lượng
vũ trang của các địa bàn giáp ranh trong công tác phối hợp:
+ Nếu xảy ra cháy rừng tại các khu vực giáp ranh của
02 xã hoặc trên địa bàn của 01 xã, khi đám cháy vượt tầm kiểm soát cần có sự
tăng cường lực lượng thì Chủ tịch UBND xã nơi xảy ra cháy được quyền yêu cầu
UBND xã giáp ranh (kế bên) phối hợp, huy động mọi lực lượng để cùng tham gia chữa
cháy và báo cáo UBND huyện biết, chỉ đạo.
+ Nếu xảy ra cháy rừng tại địa phận giáp ranh của
02 huyện hoặc trên địa bàn của 01 huyện, khi đám cháy vượt tầm kiểm soát cần có
sự tăng cường lực lượng thì Chủ tịch UBND huyện nơi xảy ra cháy được quyền yêu
cầu đối với UBND huyện giáp ranh (kế bên) phối hợp, huy động mọi lực lượng để
cùng tham gia chữa cháy và báo cáo về Ban Chỉ đạo cấp tỉnh biết, theo dõi, chỉ
đạo.
+ Nếu UBND huyện, xã nào khi nhận được yêu cầu phối
hợp của UBND huyện, xã giáp ranh nơi xảy ra cháy mà không tổ chức huy động lực
lượng tham gia chữa cháy ngay để xảy ra cháy lớn thì tùy thuộc vào mức độ vi phạm
sẽ bị kỷ luật theo quy định.
- Yêu cầu khi tham gia chữa cháy:
+ Đội hình chữa cháy phải giới hạn đám cháy, tạo
ngay đường băng trắng đón đầu ngọn lửa, có xu hướng cong về hai phía theo một cự
ly sao cho phù hợp, thi công xong trước khi ngọn lửa tràn đến. Trên băng phải dọn
và vun hết vật liệu cháy vào giữa băng và tiến hành đốt hết vật liệu. Độ rộng của
băng cản lửa có thể rộng từ 10m đến 30m tùy thuộc vào độ dốc, tốc độ gió.
+ Lực lượng Kiểm lâm phải có mặt kịp thời tại nơi
có cháy rừng xảy ra hoặc có tin báo cháy rừng, để tham mưu cho chính quyền địa
phương chỉ đạo chữa cháy và chủ động phối hợp với các ngành chức năng như: Công
an, Quân đội tiến hành tham gia chữa cháy. Đồng thời, triển khai điều tra xác
minh nguyên nhân vụ cháy, truy tìm thủ phạm, xử lý nghiêm minh và đề xuất các
biện pháp khắc phục hậu quả do cháy rừng gây ra.
+ Trong quá trình tổ chức chữa cháy, công tác an
toàn, an ninh trật tự phải được đảm bảo hàng đầu, tổ chức cấp cứu, cứu trợ,
giúp đỡ người bị thiệt hại ổn định cuộc sống, đảm bảo vệ sinh môi trường và có
biện pháp nhanh chóng phục hồi lại rừng bằng các giải pháp nhanh nhất. Giao
trách nhiệm cho Chủ tịch UBND xã sở tại và các chủ rừng có diện tích bị cháy tổ
chức khắc phục hậu quả do vụ cháy rừng gây ra.
3. Kinh phí: Nguồn chi sự nghiệp được cấp
cho lực lượng Kiểm lâm và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
4. Hiệu quả của phương án phòng cháy, chữa cháy
rừng
- Nâng cao được năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng
trên địa bàn tỉnh thể hiện trên các mặt: Chỉ đạo, chỉ huy, năng lực trình độ
chuyên môn; nhận thức và kiến thức của cộng đồng, chính quyền địa phương; công
trình phòng cháy, trang thiết bị, công cụ chữa cháy được đầu tư và bố trí hợp
lý...
- Tăng cường sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa các
Ban, Ngành của địa phương góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng cháy,
chữa cháy rừng.
- Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng
gây ra sẽ tác động tích cực và góp phần phát triển bền vững đến mọi mặt kinh tế,
xã hội - môi trường trên địa bàn tỉnh.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh
Trực tiếp chỉ huy và huy động lực lượng tham gia
công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên toàn tỉnh trong trường hợp báo động cấp
V (cấp báo động cực kỳ nguy hiểm, có khả năng cháy lớn và lan tràn nhanh trên
các loại rừng), kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc và xử lý vi phạm đối với các đơn vị
cơ sở trong thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
2. Ban Chỉ huy cấp huyện
Trực tiếp chỉ đạo, phối hợp cùng Ban Chỉ huy phòng
cháy, chữa cháy rừng cấp xã kiểm tra, triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy
rừng trong trường hợp báo động cấp IV (Cấp báo động nguy hiểm, có nguy cơ xảy
ra cháy rừng lớn, tốc độ lan tràn lửa nhanh). Khi có cháy xảy ra trên diện tích
rừng và đất lâm nghiệp, tùy vào điều kiện thực tế, lực lượng: Kiểm lâm, Công
an, Quân đội có trách nhiệm chủ động phối hợp và được quyền huy động lực lượng,
phương tiện của đơn vị mình để tham gia chữa cháy cùng Ban Chỉ huy cấp xã.
3. Ban Chỉ huy cấp xã
- Trực tiếp chỉ đạo các tổ/đội phòng cháy, chữa
cháy rừng ở các thôn/bản và các chủ rừng trong trường hợp báo động cấp III (báo
động ở cấp cao, dễ xảy ra cháy rừng) thực hiện nghiêm các quy định về dùng lửa,
cấm đốt nương trong giờ cao điểm. Khi xảy ra cháy rừng Chủ tịch UBND xã được
quyền huy động mọi lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia chữa cháy.
- Phối hợp cùng Kiểm lâm địa bàn, Công an khu vực
chỉ đạo nhân dân, các chủ rừng thực hiện tốt các quy định về phòng cháy, chữa
cháy rừng trên địa bàn xã quản lý trong trường hợp báo động cấp I, II (ít có khả
năng cháy rừng và có khả năng cháy rừng).
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo về Kế hoạch
bảo vệ và phát triển rừng; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã; Ban Chỉ huy về
các vấn để cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cấp huyện; Ủy
ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Ban Chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong
bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã; các đơn vị có liên quan và
các chủ rừng tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định./.