Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2013 triển khai biện pháp quản lý, bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô hanh năm 2013-2014 do tỉnh Yên Bái ban hành
Số hiệu | 14/CT-UBND |
Ngày ban hành | 12/11/2013 |
Ngày có hiệu lực | 12/11/2013 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Yên Bái |
Người ký | Hoàng Xuân Nguyên |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/CT-UBND |
Yên Bái, ngày 12 tháng 11 năm 2013 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG; PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG MÙA KHÔ HANH NĂM 2013-2014
Trong thời gian qua, các cấp, các ngành, chủ rừng và nhân dân đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng từ tỉnh đến cơ sở được triển khai một cách đồng bộ; các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng đã chủ động thực hiện phương án quản lý, bảo vệ rừng nên các vụ cháy rừng đã được phát hiện sớm, chữa cháy kịp thời, do đó không gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng và môi trường.
Nhằm tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng có hiệu quả và quyết liệt hơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các ngành liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt một số công việc chủ yếu sau:
1. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, gồm Chỉ thị số 270/2010/CT-TTg ngày 12/02/2010 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ.
2. Kiện toàn Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng các cấp, trong đó cần ban hành quy chế hoạt động và có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể với từng thành viên của Ban chỉ đạo để tăng cường sự phối kết hợp và trách nhiệm của thành viên trong triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tại cơ sở.
3. Chỉ đạo rà soát phương án bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2013 - 2014 của các cấp ngành và chủ rừng; trong đó, bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, để xử lý tình huống kịp thời, tại chỗ không để xảy ra cháy và cháy lớn; bố trí lực lượng thường trực để chủ động ngăn chặn các vụ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, không để xảy ra "điểm nóng"; rà soát phân loại đối tượng vi phạm, đặc biệt là các đầu nậu, chủ đường dây buôn bán đất lâm nghiệp và lâm sản trái pháp luật để có phương án ngăn chặn, giải quyết triệt để.
Lực lượng liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) duy trì hoạt động, thực hiện quy chế, phương án phối hợp chặt chẽ; thường xuyên phối hợp chính quyền cơ sở, hỗ trợ chủ rừng tăng cường kiểm tra, truy quét để phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi lấn chiếm đất rừng, chặt phá đốt rừng, khai thác rừng trái phép. Xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm, các chủ rừng và cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm để phá rừng, cháy rừng xảy ra.
Tăng cường cán bộ xuống các vùng trọng điểm ở các huyện phía Tây của tỉnh, tổ chức tốt việc hướng dẫn nhân dân về các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; đặc biệt trong dịp nghỉ Tết dương lịch, Tết người Mông và Tết nguyên đán; đây là thời gian các hoạt động lợi dụng để chặt phá rừng và gây cháy rừng sẽ tăng cao; vì vậy cần tăng cường công tác kiểm tra cơ động và phân ca trực 24/24 giờ, có phương án cụ thể, triển khai đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, khai thác, vận chuyển, buôn bán, sử dụng lâm sản trái phép, trong đó cần áp dụng biện pháp ngăn chặn xử lý triệt để tại chỗ là chủ yếu (địa bàn xã, thôn, bản nơi để xảy ra phá rừng). Chỉ đạo tổ chức hoạt động điều tra, đấu tranh xử lý cương quyết, kịp thời với các đối tượng chống người thi hành công vụ.
Thành lập các đoàn công tác liên ngành tăng cường kiểm tra, đôn đốc các huyện, xã và chủ rừng triển khai thực hiện nghiêm túc phương án bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Tăng cường lực lượng tổ chức chốt trạm ở cửa rừng và thường trực tại khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để kiểm soát người vào rừng; tuần tra, kiểm soát, kiên quyết không cho những đối tượng không có phận sự vào rừng trong thời kỳ cao điểm của mùa khô.
4. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Yên Bái có trách nhiệm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng thời lượng phát sóng, kịp thời đưa thông tin về cảnh báo và dự báo nguy cơ cháy rừng.
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng, cũng như sự nguy hiểm của việc đốt đồng ruộng, đốt dọn thực bì, phát nương làm rẫy dẫn đến nguy cơ cháy rừng; thông tin, hướng dẫn biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng; hướng dẫn và giám sát chặt chẽ việc đốt nương rẫy và sử dụng lửa gần rừng để không gây cháy rừng.
5. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời thông tin về dự báo, cảnh báo cháy rừng và phát hiện sớm điểm cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng và Website của Cục Kiểm lâm để có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh. Tổ chức công tác ứng trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 giờ trong những tháng cao điểm của mùa khô.
6. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo kịp thời diễn biến tình hình cháy rừng ở địa phương về cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh.
7. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính bảo đảm kinh phí cho các ngành và các địa phương tổ chức thực hiện Chỉ thị này.
Yêu cầu các Giám đốc sở, Thủ trưởng các Ban, ngành liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyên, thành phố, thị xã triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này./.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |