Chỉ thị 12/2012/CT-UBND về tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy do tỉnh Bắc Kạn ban hành
Số hiệu | 12/2012/CT-UBND |
Ngày ban hành | 13/07/2012 |
Ngày có hiệu lực | 23/07/2012 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bắc Kạn |
Người ký | Hoàng Ngọc Đường |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2012/CT-UBND |
Bắc Kạn, ngày 13 tháng 7 năm 2012 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, XÂY DỰNG PHONG TRÀO TOÀN DÂN THAM GIA CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY
Trong những năm gần đây công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến nhất định, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC, làm hạn chế, giảm thiểu các nguy cơ về cháy, nổ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Tuy nhiên, trong thời gian qua tình hình cháy, nổ tiếp tục diễn biến phức tạp, vẫn xảy ra nhiều vụ cháy, nổ gây thiệt hại lớn về tài sản. Để xảy ra tình trạng trên có rất nhiều nguyên nhân trong đó có công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân PCCC hiệu quả chưa cao, dẫn đến nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân chủ quan trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC.
Để khắc phục hạn chế yếu kém trên và nâng cao nhận thức trách nhiệm của mọi công dân, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình đối với công tác PCCC, đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số: 1634/CT-TTg ngày 31/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành, Đoàn thể, các đơn vị doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC với các nội dung sau:
1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, trong phạm vi quản lý, nhiệm vụ và quyền hạn được giao có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến về pháp luật và kiến thức PCCC; tập huấn nghiệp vụ PCCC; xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong việc chấp hành các quy định an toàn PCCC tại cơ quan, tổ chức và hộ gia đình.
2. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành, Đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng cháy chữa cháy tại các huyện, thị xã, và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo quy định; kiện toàn các đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và dân phòng, xây dựng kế hoạch, đầu tư trang bị các dụng cụ, phương tiện chữa cháy phù hợp với từng loại cơ sở. Rà soát, bổ sung, chỉnh lý và xây dựng các phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và tổ chức huấn luyện, thực tập để nâng cao trình độ và kỹ chiến thuật cho lực lượng chữa cháy cơ sở và dân phòng, đồng thời tạo sự hiệp đồng chặt chẽ, phối hợp đồng bộ giữa lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp với cơ sở. Tổ chức xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC, kịp thời động viên khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC.
3. Công an tỉnh.
Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC bằng các hình thức hoạt động tuyên truyền đa dạng, phong phú, dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ thực hiện đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình.
Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch và triển khai thành lập các đội phòng cháy chữa cháy cơ sở và dân phòng, thực hiện nội dung tuyên truyền các quy định, văn bản có liên quan về công tác PCCC cho tất cả các đối tượng trên địa bàn quản lý, đặc biệt là tại các khu chợ, cơ sở dịch vụ, khu dân cư, các khu rừng dễ cháy, các kho tàng, cơ sở sản xuất và các công trình trọng điểm khác có nhiều nguy cơ cháy, nổ.
Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ Quốc gia về An toàn - Vệ sinh lao động - Phòng chống cháy, nổ” và “Ngày toàn dân Phòng cháy, chữa cháy 04/10” hàng năm.
Phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền về PCCC cho thanh thiếu niên và học sinh trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, kiến thức PCCC cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh.
Kịp thời đề xuất, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC.
4. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
5. Công ty điện lực Bắc Kạn phối hợp với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến kiến thức cơ bản về an toàn trong sử dụng điện và các biện pháp xử lý tình huống cháy, nổ do điện gây ra, tập trung hướng dẫn các biện pháp an toàn sử dụng điện tại các hộ gia đình, nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng điện nhằm hạn chế các vụ cháy, nổ do điện gây ra.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, tuyên truyền hướng dẫn cho chủ rừng các biện pháp an toàn phòng cháy và chữa cháy khi thực hiện các hoạt động trong rừng, xây dựng các phương án phòng cháy chữa cháy rừng.
7. Sở Tư pháp phối hợp với Công an tỉnh biên soạn, in ấn tài liệu hỏi đáp, tờ gấp tuyên truyền pháp luật về PCCC cung cấp cho các Sở, Ban, Ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, các tổ chức, doanh nghiệp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân.
8. Sở Công Thương phối hợp với Công an tỉnh hướng dẫn các cơ quan, đơn vị sản xuất, kinh doanh xăng, dầu, gas trên địa bàn tỉnh các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ trong quá trình bảo quản, vận chuyển và sử dụng xăng, dầu, gas; Hướng dẫn các Chợ, Trung tâm thương mại các biện pháp an toàn PCCC trong hoạt động kinh doanh.
9. Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC, cứu nạn, cứu hộ phù hợp cho từng đối tượng; tổ chức thi tìm hiểu, kiểm tra kiến thức, pháp luật về PCCC cho học sinh, sinh viên.
10. Sở Tài chính phối hợp, hướng dẫn các Sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan về nguồn kinh phí phục vụ cho công tác tuyên truyền về PCCC hàng năm trên địa bàn tỉnh. Thực hiện thanh, quyết toán các nguồn kinh phí theo quy định.
11. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã:
Xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên khu dân cư; có kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về PCCC đối với các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất và hộ gia đình trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở sản xuất có nguy hiểm cháy, nổ cao.
Nhân “Ngày Toàn dân phòng cháy chữa cháy 04/10” hàng năm tổ chức treo băng zôn, khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền về “Ngày Toàn dân phòng cháy chữa cháy 04/10” trên các tuyến đường chính và nơi tập trung đông người.
12. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Giao Công an tỉnh giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.