Quyết định 187/QĐ-UBND năm 2023 về Đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn trong thiên tai giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045”

Số hiệu 187/QĐ-UBND
Ngày ban hành 01/02/2023
Ngày có hiệu lực 01/02/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Hồ Kỳ Minh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 187/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 01 tháng 02 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG AN TOÀN TRONG THIÊN TAI GIAI ĐOẠN 2022-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045;

Căn cứ Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 4972/QĐ-UBND ngày 18 tháng 12 năm 2020 của UBND thành phố về việc ban hành Danh mục Đề án, dự án, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;

Căn cứ Quyết định số 2407/QĐ-UBND ngày 12 tháng 07 năm 2021 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc phê duyệt Đề cương và dự toán thực hiện Đề án “xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn trong thiên tai đến năm 2030”;

Căn cứ Thông báo số 370-TB/TU ngày 02 tháng 11 năm 2022 của Thành ủy Đà Nẵng về kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy tại cuộc họp ngày 25 tháng 10 năm 2022;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 4952/TTr-SNN ngày 02 tháng 12 năm 2022 và kết quả lấy ý kiến thành viên UBND thành phố bằng phiếu theo Công văn số 4912/VP-KT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Văn phòng UBND thành phố.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn trong thiên tai giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố; Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện và Thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- BCĐ quốc gia về PCTT (b/c);
- UBQG ƯPSCTT và TKCN (b/c);
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- Thường trực Thành ủy (b/c),
- Thường trực HĐND Tp (b/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND Tp;
- UBMTTQ VN TP và các tổ chức hội, đoàn thể;
- VP Thành ủy;
- VP Đoàn ĐHQH&HĐNP Tp;
- VP UBND Tp: CPVP, các phòng chuyên môn trực thuộc;
- Cổng thông tin điện tử thành phố;
- Báo Đà Nẵng;
- Lưu: VT, SNN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Kỳ Minh

 

ĐỀ ÁN

XÂY DỰNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG AN TOÀN TRONG THIÊN TAI GIAI ĐOẠN 2022 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
(Ban hành kèm theo Quyết định số 187/QĐ-UBND ngày 01 tháng 02 năm 2023 của UBND thành phố Đà Nẵng)

PHẦN I

TÌNH HÌNH THIÊN TAI, SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT

Thành phố Đà Nẵng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nơi giao thoa giữa khí hậu biển và khí hậu lục địa, nằm gần ổ bão Thái Bình Dương nên thường xuyên phải đối mặt với bão, áp thấp nhiệt đới. Đồng thời là vùng hạ du của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, một trong chín con sông lớn của Việt Nam có diện tích trên 10.000 km2 với đặc điểm chính là có chiều dài sông ngắn, độ dốc địa hình lớn, lưu vực hứng nước có dạng hình rẻ quạt, lũ về hạ du rất nhanh, thường xuyên gây ngập lụt ở vùng trung du và đồng bằng ven biển. Do đặc điểm địa hình, khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng có lượng mưa lớn so với cả nước, trung bình ở vùng đồng bằng từ 2.000 - 3.000 mm, vùng trung du và miền núi từ 3.000 - 4.000 mm, đặc biệt vùng núi Trà My và Bà Nà là hai trung tâm mưa lớn, lượng mưa bình quân năm trên 4.000 mm do vậy tình hình mưa lũ ở khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng là tương đối lớn và xuất hiện thường xuyên. Tình trạng rừng đầu nguồn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tại một số khu vực chưa đảm bảo, khả năng giữ nước thấp làm cho tình hình lũ lụt, lũ quét ngày càng thêm trầm trọng. Ngoài ra, 2/3 (hai phần ba) diện tích tự nhiên của thành phố là vùng núi với các dãy núi cao: Bạch Mã, Cà Nhông - Khe Xương, Bà Nà, Sơn Gà, Sơn Trà, Hải Vân, các sông, suối lưu vực sông Túy Loan, Cu Đê nên Đà Nẵng là một trong những địa phương phải gánh chịu hậu quả nặng nề của lũ quét. Năm 1999 đã xảy ra lũ quét lịch sử trên cả hai sông nội địa của thành phố là Tuý Loan và Cu Đê.

Trong các năm qua, các loại hình thiên tai như bão, lũ lụt, lũ quét, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất,...thường xuyên xảy ra, trong đó bão, lũ, lụt hầu như năm nào cũng ảnh hưởng đến thành phố. Bình quân mỗi năm thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ 02 đến 03 cơn bão, từ 02 đến 03 đợt lũ, lụt lớn trên mức báo động III. Bão ở Đà Nẵng thường xuất hiện từ tháng 8 đến tháng 12, tuy nhiên một số thời điểm khác trong năm vẫn xuất hiện bão. Bão thường kèm theo mưa lớn nên gây ngập lụt. Mưa lớn, lũ, ngập lụt xuất hiện chủ yếu từ tháng 9 đến tháng 12. Theo thống kê, các loại hình thiên tai điển hình thường xảy ra hoặc có nguy cơ tác động trực tiếp và ảnh hưởng đến thành phố Đà Nẵng là lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, nước dâng, hạn hán, nắng nóng, xâm nhập mặn, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, mưa lớn, cháy rừng do tự nhiên, lốc, sét, mưa đá. Hiện nay, thành phố còn có nguy cơ đối mặt với nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm khác như: mưa lớn, sạt lở đất đá đồi núi, ngập úng đô thị.

Trong những năm gần đây, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu làm cho tần suất và đặc biệt là cường độ của các loại thiên tai như bão, lũ, hạn hán, động đất, sạt lở...ngày càng gia tăng, diễn biến bất thường, không theo quy luật và có thể trở thành thảm họa gây rủi ro lớn cho tính mạng, tài sản và kinh tế - xã hội. Điển hình như ngày càng thường xuyên xuất hiện các trận bão trên biển Đông với cường độ trên cấp 12-15, các đợt lũ trên báo động III, sạt lở đất đá, lũ quét gây sức tàn phá lớn.

Qua thực tiễn, nhận thấy trong thời gian qua việc phát triển hạ tầng giao thông, các khu đô thị, khu dân cư diễn ra rất mạnh mẽ, nhất là các khu đô thị ven sông tuy nhiên còn mang tính chất quy hoạch cục bộ, thiếu tính toán tổng thể các vấn đề thủy văn, thoát lũ dẫn đến thiếu đồng bộ trong thiết kế cao độ san nền, hệ thống tiêu thoát nước hay xâm phạm đến hành lang thoát lũ, dẫn đến tình trạng phát sinh ngập lụt khu vực đô thị và ngập sâu, kéo dài cục bộ nhiều điểm dân cư nông thôn. Hiện nay trên địa bàn vẫn tồn tại nhiều khu dân cư, điểm trường, trạm y tế nằm ở các khu vực thấp lụt, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai.

Theo dự thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 đạt các mức tương ứng là 7% và 10%, trong đó: tăng trưởng dịch vụ giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 tương ứng với các khoảng: Từ 6,5% đến 7% và từ 9% đến 9,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng là từ 7% đến 7,5% và từ 12% đến 12,5%; khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là từ 1% đến 1,5% và từ 3% đến 3,5%. Bình quân cho cả giai đoạn 2021-2030 tăng trưởng kinh tế đạt từ 9% đến 9,5%, trong đó tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt từ 8% đến 8,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt từ 9,5% đến 10% và khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt từ 2% đến 2,5%. Dự báo dân số đến 2030 khoảng 1,79 triệu người, trong đó dự báo dân số thường trú, tạm trú khoảng 1,56 triệu người, phần còn lại là quy đổi lao động thời vụ, khách vãng lai, lưu trú hay dân số tạm trú quy đổi khoảng 234.000 người. Có thể thấy, đến năm 2030 quy mô nền kinh tế của thành phố rất lớn cho nên phạm vi và đối tượng chịu tác động của thiên tai cũng gia tăng. Hàng năm, thành phố đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan cũng góp phần gia tăng tỷ lệ đối tượng chịu tác động của thiên tai.

[...]