Quyết định 186/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án Phát triển dịch vụ thương mại tỉnh Sơn La đến năm 2015

Số hiệu 186/QĐ-UBND
Ngày ban hành 23/01/2014
Ngày có hiệu lực 23/01/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Bùi Đức Hải
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 186/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 23 tháng 01 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ THƯƠNG MẠI TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND số 11/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII;

Căn cứ Nghị quyết số 318/NQ-HĐND ngày 13 tháng 4 năm 2010 của HĐND tỉnh Sơn La Thông qua Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Sơn La đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 05/TTr-SCT ngày 16 tháng 01 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển dịch vụ thương mại tỉnh Sơn La đến năm 2015” với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ thương mại đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển; Tăng cường giao lưu phát triển kinh tế - văn hóa giữa các dân tộc, địa phương trong nước và quốc tế. Từng bước tạo ra sự văn minh, hiện đại trong hoạt động thương mại; Đáp ứng được nhu cầu về hàng tiêu dùng trong tỉnh, có khả năng kiểm soát giá cả hàng hóa, hỗ trợ việc sản xuất hàng hóa trong tỉnh, làm cho giá cả trên thị trường có sự công bằng, đặc biệt là những mặt hàng có tiềm lực và những mặt hàng thiết yếu.

2. Mục tiêu cụ thể

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đến năm 2015 phấn đấu đạt 16.000 tỷ đồng, bình quân tăng 9%/năm (trong đó Thương nghiệp đạt 14.200 tỷ đồng); Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 60 triệu USD vào năm 2015 (trong đó xuất khẩu đạt 40 triệu USD, nhập khẩu đạt 20 triệu USD), bình quân hàng năm tăng 16 - 17%; Tốc độ tăng trưởng của ngành thương mại bình quân năm giai đoạn 2011- 2015 là 16 - 17%.

II. NỘI DUNG

1. Phát triển thị trường nội địa

Thị trường nội địa bao gồm mạng lưới bán buôn và bán lẻ. Phát triển thị trường nội địa đa dạng, có sự tham gia của nhiều chủ thể kinh tế bao gồm: các doanh nghiệp; các tập đoàn kinh tế; các hiệp hội; hệ thống các cửa hàng bán lẻ, siêu thị, các trung tâm thương mại; người tiêu dùng,…

Tiến hành điều tra, đánh giá hệ thống bán buôn, bán lẻ gắn với khối lượng hàng hóa trong từng hệ thống để cân đối với nhu cầu từ đó đánh giá với khả năng phân phối trên địa bàn làm cơ sở để chỉ đạo điều hành bình ổn nguồn hàng...

Thực hiện nhiều biện pháp nhằm khơi thông luồng hàng như: khuyến mại tiêu dùng, kích cầu hàng Việt, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả lộng hành, phát triển kênh phân phối, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến phát triển thị trường…Đặc biệt, các phiên chợ hàng Việt, chương trình bán hàng lưu động phục vụ nhân dân các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; lồng ghép chương trình đưa hàng về nông thôn và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thường xuyên theo dõi, dự báo thị trường, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu của nhân dân và khả năng cung ứng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo doanh nghiệp cung ứng đủ hàng hóa cho thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, tăng giá đột biến.

Tiếp tục thực hiện các nội dung theo chương trình thỏa thuận liên kết hoạt động thương mại đã ký kết với Sở Công Thương Hà Nội và các tỉnh, nhằm phát triển thị trường nội địa, tổ chức cung ứng hàng hóa hai chiều, đẩy mạnh xúc tiến thương mại…

2. Đa dạng hóa loại hình thương mại

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành thương mại, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.

2.1. Chuyển đổi hình thức quản lý, kinh doanh khai thác chợ

Đánh giá lại hoạt động của các chợ, hiệu quả hoạt động của các Ban quản lý chợ trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện việc chuyển đổi hình thức quản lý, kinh doanh khai thác chợ từ Ban quản lý chợ (là đơn vị sự nghiệp có thu) sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý, kinh doanh, khai thác chợ theo Quy định của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP.

2.2. Phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã chợ

Phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã chợ theo hai hướng: Doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên kinh doanh, quản lý chợ thông qua đấu thầu hoặc nhận chuyển giao quyền sử dụng, khai thác và quản lý chợ; hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã tự bỏ vốn đầu tư xây dựng chợ sau đó tự bỏ vốn kinh doanh, khai thác và quản lý chợ, trong đó hộ kinh doanh trong chợ là các xã viên của hợp tác xã chợ.

[...]