Nghị quyết 318/NQ-HĐND năm 2010 thông qua Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Sơn La đến năm 2020

Số hiệu 318/NQ-HĐND
Ngày ban hành 13/04/2010
Ngày có hiệu lực 23/04/2010
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Thào Xuân Sùng
Lĩnh vực Thương mại

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 318/NQ-HĐND

Sơn La, ngày 13 tháng 4 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 384/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La thời kỳ 2006 - 2020; Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính về phê duyệt đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020;

Xét Tờ trình số 37/TTr-UBND ngày 02 tháng 4 năm 2010 của UBND tỉnh Sơn La về việc đề nghị thông qua Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Sơn La đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra số 553/BC-KTNS ngày 10 tháng 4 năm 2010 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và tổng hợp ý kiến thảo luận của các vị đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 6,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Sơn La đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau.

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển thương mại phù hợp với các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường, bảo đảm quyền tự chủ, tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể tham gia thương mại.

- Khai thác và sử dụng tối ưu các nguồn lực tiềm năng thương mại của tỉnh, gắn chặt với giữ gìn và bảo vệ môi trường; đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt đến tất cả các nơi trong địa bàn tỉnh, vươn ra thị trường cả nước và nước ngoài.

- Xây dựng và phát triển mạng lưới thương mại của tỉnh nhằm phát triển các mặt hàng tiềm năng có lợi thế so sánh; phù hợp với trình độ phát triển, cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu

- Hiện đại hóa kết cấu hạ tầng thương mại; chú trọng xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu; hoàn thành về cơ bản chương trình phát triển các loại hình chợ.

- Giữ vững thị trường xuất - nhập khẩu hiện có, khai thác thị trường mới trên cơ sở nâng cao năng lực chế biến kinh doanh xuất - nhập khẩu của địa phương.

- Giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt 10 triệu USD vào năm 2010 và đạt từ 16 triệu USD vào năm 2015 và đạt 50 - 60 triệu USD vào năm 2020. Tốc độ bình quân hàng năm giai đoạn 2011 - 2020 tăng 17 - 18%.

- Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn đến năm 2010 phấn đấu đạt 7.500 tỷ đồng; năm 2015 đạt 13.000 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt 28.000 tỷ đồng.

- Tốc độ tăng trưởng của ngành thương mại bình quân/năm giai đoạn 2005 - 2010 là 12,8%, giai đoạn 2011- 2015 là 16-17% và giai đoạn 2016 - 2020 là 7 - 8%.

3. Định hướng phát triển: Phát triển thương mại một cách toàn diện, phù hợp với tình hình thực tế từng giai đoạn theo các định hướng:

- Phát triển xuất, nhập khẩu, chuyển dịch mạnh cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến và sản phẩm có giá trị gia tăng cao. chú trọng phát triển thương mại tại khu vực cửa khẩu, thị trường nước bạn Lào, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc.

- Phát triển thị trường nội địa, hình thành các khu thương mại - dịch vụ ở thành phố, thị xã, ở các khu dân cư và các thị trấn huyện; phát triển các hình thức bán lẻ mới như trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị tổng hợp và siêu thị chuyên doanh... Nâng cấp và đa dạng chức năng của chợ bán buôn; phát triển hệ thống cửa hàng, điểm đại lý uỷ quyền phân phối hàng công nghiệp tiêu dùng ở thị trường nông thôn; Xây mới, hoàn thiện mạng lưới chợ tại các trung tâm cụm xã, xã và các khu dân cư tập trung. Nâng cấp mạng lưới chợ bán lẻ ở địa bàn các xã; Phát triển Chợ đầu mối nông sản; Phát triển hệ thống thị trường hàng tư liệu sản xuất; Phát triển đa dạng các hình thức bán buôn; Khuyến khích và hỗ trợ các trung tâm mua sắm, siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm mua hàng trực tiếp ở nông thôn, xây dựng và nhân diện mô hình: Doanh nghiệp - Liên hiệp Hợp tác xã - Hợp tác xã - Nông dân và Doanh nghiệp - Hộ kinh doanh - Nông dân.

- Phát triển các doanh nghiệp có vốn nhà nước hoạt động chủ yếu trong kinh doanh hàng hoá chuyên ngành: Xăng dầu, Vật liệu nổ công nghiệp, mía đường, lương thực... củng cố và phát triển hợp tác xã thương mại, hợp tác xã quản lý chợ, phát triển mạnh thương mại tư nhân tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, các loại cửa hàng, quản lý chợ... Phát triển các doanh nghiệp thương mại bán buôn, công ty bán buôn tổng hợp, chuyên doanh, đại lý uỷ quyền; thu hút doanh nghiệp thương mại của các tỉnh và nước ngoài vào đầu tư, kinh doanh quy mô lớn hiện đại và liên kết liên doanh với các thành phần kinh tế thương mại trong tỉnh.

4. Quy hoạch phát triển thương mại đến năm 2020

4.1. Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ: Đến 2020, tổng số lượng chợ trên địa bàn tỉnh Sơn La là 236 chợ, tổng diện tích khoảng 659.953 m2, bao gồm: xây mới 155 chợ; di dời - xây mới 10 chợ; và nâng cấp, cải tạo mở rộng là 70 chợ. Tổng vốn đầu tư phát triển mạng lưới chợ đến năm 2020 khoảng 322,6 tỷ đồng, trong đó:

- Giai đoạn đến 2010: xây mới 42 chợ; di dời xây mới 9 chợ; nâng cấp mở rộng, cải tạo 48 chợ. Tổng kinh phí khoảng 172,13 tỷ đồng;

- Giai đoạn 2011 - 2015: xây mới 101 chợ; di dời xây mới 1 chợ; nâng cấp mở rộng, cải tạo 15 chợ. Tổng kinh phí khoảng 124,38 tỷ đồng;

- Giai đoạn 2016 - 2020: xây mới 12 chợ; nâng cấp mở rộng, cải tạo 7 chợ. Tổng kinh phí khoảng 19,4 tỷ đồng.

4.2. Quy hoạch mạng lưới trung tâm thương mại: Đầu tư 4 trung tâm thương mại tại các địa bàn: Thành phố Sơn La; huyện lỵ Mộc Châu, Mai Sơn và Mường La thành những trung tâm giao dịch quy mô vừa ở thị trường vùng Tây Bắc. Tổng diện tích 55.000m2 tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.

[...]