Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị định 186/2004/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Số hiệu 186/2004/NĐ-CP
Ngày ban hành 05/11/2004
Ngày có hiệu lực 30/11/2004
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 186/2004/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2004

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 186/2004/NĐ-CP NGÀY 05 THÁNG 11 NĂM 2004 QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nghị định này quy định việc phân loại, đặt tên hoặc số hiệu đường bộ; tiêu chuẩn kỹ thuật của các cấp đường bộ; trình tự, thủ tục lập, phê duyệt và công bố quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phạm vi đất dành cho đường bộ; sử dụng, khai thác đất hành lang an toàn đường bộ và việc xây dựng các công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường bộ; trách nhiệm quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Điều 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo các quy định của Nghị định này và các quy định pháp luật có liên quan.

Điều 3. Các hệ thống đường bộ trong cả nước là một mạng lưới liên hoàn do Nhà nước thống nhất quản lý, không phân biệt đường bộ được xây dựng bằng nguồn vốn nào.

Điều 4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Việc sử dụng, khai thác và xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường bộ phải bảo đảm giao thông thông suốt, trật tự an toàn và không được ảnh hưởng tới sự bền vững của công trình đường bộ.

Chương 2:

PHÂN LOẠI, ĐẶT TÊN VÀ SỐ HIỆU ĐƯỜNG BỘ

Điều 5. Mạng lưới đường bộ được chia thành 6 hệ thống sau:

1. Hệ thống quốc lộ là các đường trục chính của mạng lưới đường bộ, có tác dụng đặc biệt quan trọng phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước hoặc khu vực gồm:

a) Đường nối liền Thủ đô Hà Nội với thành phố trực thuộc Trung ương; với trung tâm hành chính các tỉnh;

b) Đường nối liền trung tâm hành chính của từ 3 tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh) trở lên;

c) Đường nối liền từ cảng biển quốc tế đến các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên đường bộ.

2. Hệ thống đường tỉnh là các đường trục trong địa bàn 1 tỉnh hoặc 2 tỉnh gồm đường nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện hoặc với trung tâm hành chính của tỉnh lân cận; đường nối quốc lộ với trung tâm hành chính của huyện.

3. Hệ thống đường huyện là các đường nối từ trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường nối đường tỉnh với trung tâm hành chính của xã hoặc trung tâm cụm xã.

4. Hệ thống đường xã là các đường nối trung tâm hành chính của xã với các thôn, xóm hoặc đường nối giữa các xã.

5. Hệ thống đường đô thị là các đường nằm trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị.

6. Hệ thống đường chuyên dùng là các đường chuyên phục vụ cho việc vận chuyển, đi lại của một hoặc nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tư nhân.

Điều 6. Thẩm quyền phân loại và điều chỉnh các hệ thống đường bộ được quy định như sau:

1. Hệ thống quốc lộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định.

2. Hệ thống đường tỉnh do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

3. Hệ thống đường đô thị do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

4. Hệ thống đường huyện do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

[...]