Quyết định 1849/2006/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 79/2006/NQ-HĐND về đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2006 – 2010 và hướng đến năm 2020

Số hiệu 1849/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/08/2006
Ngày có hiệu lực 26/08/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Quốc Bảo
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE 
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1849/2006/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 16 tháng 8 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ: 79/2006/NQ-HĐND NGÀY 14/7/2006 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2006 – 2010 VÀ HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số: 79/NQ/2006/NQ-HĐND ngày 14/7/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre về Kế hoạch đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2006 - 2010 và hướng đến năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số: 79/2006/NQ-HĐND ngày 14/7/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2006 - 2010 và hướng đến năm 2020.

Điều 2. Giám đốc Sở Công nghiệp có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức quán triệt nội dung và triển khai thực hiện Kế hoạch này.

Giám đốc các Sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã phải căn cứ vào nội dung Kế hoạch này khi tiến hành xây dựng kế hoạch phát triển ngành và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn có liên quan đến công nghiệp trong thời kỳ và hàng năm, nhằm đảm bảo thực hiện thống nhất chung trong toàn tỉnh.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Quốc Bảo

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ: 79/2006/NQ-HĐND NGÀY 14/7/2006 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 VÀ HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020.
(Ban hành kèm theo Quyết định số1849/2006/QĐ-UBND ngày 16 tháng 8 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Căn cứ Nghị quyết số: 03-NQ/TU ngày 12/4/2006 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 79/2006/NQ-HĐND ngày 14/7/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010 và hướng đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre xây dựng kế hoạch thực hiện các Nghị quyết trên với những nội dung chính như sau:

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP CÁC NĂM QUA:

Trong các năm qua, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) Bến Tre không ngừng phát triển, đã góp phần quan trọng đưa nền kinh tế tỉnh nhà phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người lao động. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN-TTCN 10 năm (1996-2005) đạt 12,01%/năm. Riêng giai đoạn 2001-2005, CN-TTCN phát triển khá hơn, đạt tốc độ tăng trưởng 16,41%/năm, trong đó doanh nghiệp Nhà nước tăng 15,27%/năm, doanh nghiệp dân doanh tăng 15,42%/năm, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 128,86%/năm (tính theo giá cố định năm 1994).

Kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp giai đoạn 2001-2005 tăng trưởng 27,14%/năm, chiếm tỷ trọng trên 85% so với kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, trong đó chủ yếu là sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến dừa tăng 11,59%/năm, công nghiệp chế biến thủy sản tăng 41,45%/năm.

 Cơ cấu GDP công nghiệp tăng từ 7,66% năm 1996, lên 10,58% năm 2000 và đến năm 2005 đạt 11,5%. Công nghiệp chế biến được tập trung đầu tư phát triển đúng hướng nên luôn chiếm tỷ trọng trên 90% trong cơ cấu giá trị sản xuất của ngành. Năng lực chế biến các sản phẩm từ dừa và thủy sản được quan tâm đầu tư đúng mức, tăng hơn 4 lần so với năm 1996. Đây là thành tựu nổi bật trong thời gian qua, đã góp phần đưa công nghiệp của tỉnh phát triển khởi sắc và năng động hơn.

Thực hiện việc sắp xếp lại sản xuất, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã tạo thêm năng lực sản xuất mới, tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý được đề cao và ngày càng phát huy được hiệu quả trong kinh tế thị trường. Tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động một số nhà máy mới, công nghệ cao như: nhà máy đường công suất 1.500 tấn mía cây/ngày; nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu công suất ban đầu 6.000 tấn/năm; nhà máy liên doanh dược phẩm với Hồng Kông; 15 nhà máy chế biến cơm dừa nạo sấy công suất lắp đặt 40.000 tấn thành phẩm/năm; nhà máy sản xuất bột cá công suất 160 tấn nguyên liệu/ngày; nhà máy sản xuất thức ăn gia súc viên… Một số doanh nghiệp được tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị, nâng công suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, điển hình như: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản, Công ty cổ phần Thủy sản, Công ty cổ phần Đông Hải, Công ty Sản xuất kinh doanh tổng hợp Đông Á, Công ty TNHH Tấn Lợi.

Tuy nhiên, tình hình phát triển công nghiệp trong thời gian qua chưa thật sự vững chắc, chi phí trung gian lớn dẫn đến tỷ trọng GDP công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch chậm, chưa đủ sức đóng vai trò động lực thúc đẩy kinh tế phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Các ngành công nghiệp của tỉnh có phát triển nhưng chưa đồng bộ và tương xứng với yêu cầu phát triển; máy móc, thiết bị của ngành vẫn còn nằm trong tình trạng cũ, lạc hậu, chất lượng một số sản phẩm thấp, sức cạnh tranh còn nhiều hạn chế. Các làng nghề phát triển còn manh mún, nhỏ lẻ; kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp (giao thông, điện, nước, cảng, bến bãi…) được đầu tư nhưng chưa đồng bộ. Đầu tư đổi mới công nghệ và trang thiết bị còn hạn chế. Khu công nghiệp Giao Long mới triển khai còn gặp nhiều khó khăn; các cụm công nghiệp cấp huyện chỉ dừng lại ở khâu quy hoạch, chưa tìm được giải pháp để triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; quy mô doanh nghiệp của tỉnh nhỏ, chất lượng và hiệu quả hoạt động chưa cao. Đầu tư nước ngoài và tỉnh ngoài trên địa bàn tỉnh còn ít.

Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan như: nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò phát triển công nghiệp còn hạn chế, chưa đầy đủ; lãnh đạo, chỉ đạo chưa tập trung cao, còn lúng túng trong việc cụ thể hóa đề ra giải pháp phát triển công nghiệp cho từng giai đoạn; sự phối hợp giữa các ngành, tỉnh huyện, thị xã chưa chặt chẽ và thiếu thường xuyên; đã ban hành nhiều chính sách nhưng vận dụng thực hiện chưa tốt; môi trường đầu tư phát triển công nghiệp của tỉnh còn hạn chế, kém hấp dẫn và chưa đồng bộ; nguồn lực đầu tư phát triển của tỉnh và thu hút từ bên ngoài còn hạn chế, chưa đủ sức đẩy nhanh phát triển công nghiệp của tỉnh với tốc độ cao hơn.

II. MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CN-TTCN GIAI ĐOẠN 2006-2010 VÀ HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020:

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung:

[...]