Quyết định 1843/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực kiểm định chất lượng công trình xây dựng ở Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1843/QĐ-TTg
Ngày ban hành 05/10/2010
Ngày có hiệu lực 05/10/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1843/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG Ở VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực kiểm định chất lượng công trình xây dựng ở Việt Nam với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu của Đề án

a) Mục tiêu chung

Triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường năng lực kiểm định chất lượng nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm an toàn công trình xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển xây dựng tới năm 2015 và tầm nhìn tới năm 2020.

b) Mục tiêu cụ thể:

Tăng cường năng lực cho các tổ chức thí nghiệm, kiểm định và chứng nhận sự phù hợp, cụ thể:

- Nâng cao năng lực thí nghiệm chuyên ngành xây dựng tới năm 2015:

+ Về số lượng: bổ sung 200 ÷ 300 phòng thí nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn TCXDVN 297:2003.

+ Về năng lực: đáp ứng yêu cầu thí nghiệm các chỉ tiêu cơ, lý, hóa của vật liệu, sản phẩm, cấu kiện và kết cấu công trình nhằm kiểm soát chất lượng công trình xây dựng. Phấn đấu tới năm 2015 có 5% số lượng phòng thí nghiệm được thừa nhận trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.

- Nâng cao năng lực kiểm định, giám định chất lượng công trình xây dựng tới năm 2015:

+ Về số lượng: thiết lập khoảng 100 tổ chức đáp ứng tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17020: 2001, đảm bảo mỗi địa phương có ít nhất một tổ chức kiểm định hoặc giám định chất lượng công trình xây dựng hợp chuẩn.

+ Về năng lực: đáp ứng yêu cầu kiểm định, giám định sự cố công trình, tranh chấp về chất lượng công trình, đánh giá an toàn và chất lượng công trình trong quá trình sử dụng. Phấn đấu tới năm 2015 có 5% số lượng tổ chức kiểm định, giám định được thừa nhận trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.

- Nâng cao năng lực chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng tới năm 2015:

+ Về số lượng: thiết lập khoảng 100 tổ chức đáp ứng tiêu chuẩn ISO/IEC Guide 65: 1996.

+ Về năng lực: đáp ứng yêu cầu chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm, cấu kiện, chứng nhận để điều kiện an toàn chịu lực của công trình xây dựng và chứng nhận sự phù hợp chất lượng khác. Phấn đấu tới năm 2015 có 5% số lượng tổ chức chứng nhận sự phù hợp được thừa nhận trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.

2. Các giải pháp thực hiện

a) Nghiên cứu, đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách

- Thực hiện khảo sát để tìm hiểu và học tập kinh nghiệm các nước trong việc quy định điều kiện năng lực, công nghệ và kiểm soát các hoạt động thí nghiệm, kiểm định và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng.

- Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh công tác công nhận và kiểm soát các hoạt động thí nghiệm, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng đảm bảo tính chuyên nghiệp, khách quan và phù hợp thông lệ quốc tế:

+ Xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quy định chứng nhận hợp quy đối với các sản phẩm, cấu kiện và công trình xây dựng có nguy cơ gây mất an toàn cho cộng đồng khi xảy ra sự cố.

+ Xây dựng và công bố các định mức kinh tế - kỹ thuật về hoạt động thí nghiệm, kiểm định và chứng nhận sự phù hợp theo hướng tạo điều kiện tăng cường tần suất thực hiện các hoạt động này.

+ Xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích nội địa hóa các thiết bị thí nghiệm.

+ Quy định loại và cấp công trình bắt buộc phải lắp đặt các thiết bị quan trắc theo dõi sự làm việc của kết cấu và các trường hợp bắt buộc phải kiểm định chất lượng công trình trong quá trình sử dụng.

[...]