Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 184/1998/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên giai đoạn từ nay tới năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 184/1998/QĐ-TTg
Ngày ban hành 24/09/1998
Ngày có hiệu lực 09/10/1998
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 184/1998/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 9 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG TÂY NGUYÊN GIAI ĐOẠN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại công văn số 1896 NN-KH/TTr ngày 7 tháng 5 năm 1998 và của Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước về các dự án đầu tư tại Công văn số 3408/HĐTĐ ngày 20 tháng 5 năm 1998,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên (4 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng) giai đoạn từ nay đến năm 2010 với những nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CHỦ YẾU:

1. Về kinh tế:

- Phấn đấu nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm từ nay đến năm 2000 đạt từ 7 đến 8%/năm, giai đoạn 2001 - 2010 đạt từ 8 đến 9%. GDP bình quân đầu người đến năm 2000 đạt 260 USD, đến năm 2010 đạt từ 600 đến 900 USD.

- Từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến năm 2010: Công nghiệp, xây dựng đạt từ 35 đến 40%, nông, lâm nghiệp đạt từ 25 đến 30%, du lịch, dịch vụ đạt từ 30 đến 35%.

- Phấn đấu thực hiện tỷ lệ tích luỹ từ GDP đạt từ 10 đến 11% thời kỳ từ nay đến năm 2000 và đạt 14 đến 15% thời kỳ 2001 - 2010.

- Thực hiện đổi mới thiết bị và công nghệ đối với các cơ sở hiện có, trang bị công nghệ tiên tiến hiện đại cho cơ sở xây dựng mới, nhất là những có sở phục vụ chế biến nông, lâm sản tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường và hướng về xuất khẩu.

- Tăng cường đầu tư để bảo vệ và phát triển rừng, phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ lên từ 65-70% vào năm 2010.

- Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ưu tiên giải quyết vấn đề nước, giao thông, điện, xây dựng trường học, trạm xá, thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình.

2. Về xã hội và môi trường.

- Thực hiện có hiệu quả chương trình định canh, định cư, từng bước quy hoạch, bố trí sắp xếp hợp lý dân cư tại chỗ và người từ các vùng khác chuyển đến Tây Nguyên, ổn định đời sống đồng bào các dân tộc.

- Tạo việc làm, mở rộng diện người trong độ tuổi lao động có việc làm, phấn đấu tăng tỷ lệ lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc tiếp cận với phương thức sản xuất và công nghệ mới.

- Phấn đấu đến năm 2000 xoá đói, từng bước giảm nghèo, đảm bảo nhu cầu thiết yếu về ăn, mặc, ở, đi lại, học tập và chữa bệnh nhằm nâng cao đời sống của đồng bào. Thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

- Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ và giữ gìn nguồn nước, tăng độ phì nhiêu của đất, bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học, các loài động, thực vật quý hiếm.

- Chú trọng cải thiện điều kiện sống cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Xây dựng xã hội công bằng văn minh, cộng đồng xã hội lành mạnh, xoá bỏ các hủ tục tệ nạn xã hội.

3. Về an ninh quốc phòng.

Thực hiện chiến lược xây dựng kinh tế gắn kết với củng cố an ninh quốc phòng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền quốc gia. Đặc biệt chú trọng những trọng điểm phòng thủ chiến lược và căn cứ hậu cần trọng yếu của vùng và chung cả nước.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN CHỦ YẾU:

1. Về nông nghiệp và lâm nghiệp:

- Phấn đấu nhịp độ tăng trưởng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp đạt khoảng 6% giai đoạn từ nay tới năm 2000 và khoảng 7% giai đoạn từ 2001 đến 2010.

- Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, phát huy ưu thế và tiềm năng hiện có, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng. Chú trọng giữ gìn cảnh quan môi trường và bảo vệ hệ sinh thái, phát triển bền vững.

- Thực hành đầu tư thâm canh cao, có hiệu quả, kết hợp nông nghiệp với lâm nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước hiện đại hoá những khâu quan trọng để thúc đẩy sản xuất phát triển đáp ứng nhu cầu sản xuất, dân sinh và xuất khẩu.

- Từng bước mở rộng diện tích theo quy hoạch trồng cây cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, cây dược liệu và các loại cây công nghiệp ngắn ngày. Mở rộng diện tích và thâm canh ngô; hạn chế tiến tới xoá bỏ việc phá rừng làm nương, rẫy. Chú trọng sử dụng hợp lý quỹ đất và cơ cấu quỹ đất thay đổi theo hướng đa dạng hoá sản phẩm; mở rộng các vùng cây chuyên canh tạo ra tỷ suất hàng hoá nông sản với chất lượng cao.

[...]